Bí ẩn cặp núi đá vôi song sinh cao hàng trăm mét ở miền Bắc, gắn với sự tích 'ông khổng lồ gánh đá vá trời', là chứng nhân lịch sử suốt hàng nghìn năm

14-03-2024 19:47|Linh Chi

Cặp núi đá vôi song sinh này là điểm đến văn hóa có yếu tố tâm linh nổi tiếng ở Quảng Ninh.

Quảng Ninh là một trong những tỉnh thành nổi tiếng của Việt Nam. Ngoài Vịnh Hạ Long nổi tiếng thế giới, nơi đây còn hấp dẫn bởi có hơn 2.000 núi đá vôi. Trong đó, để lại nhiều ấn tượng phải kể đến cặp núi đá vôi song sinh gắn với sự tích "ông khổng lồ gánh đá vá trời" là núi Mằn và núi Bài Thơ.

Núi Mằn và núi Bài Thơ là hai ngọn núi đá vôi. Nếu như núi Bài Thơ nằm ở bờ Bắc thì núi Mằn nằm ở bờ Nam vịnh Cửa Lục, cách nhau khoảng 13km. Cả hai ngọn núi đều rất cao, biệt lập với các dãy núi đá lân cận, có địa mạo, khoáng chất, thảm thực vật khá giống nhau. Các nhà khoa học nghiên cứu và nhận xét 2 quả núi này cùng sinh ra một thời điểm trong thời kỳ địa chất thứ II.

Người dân địa phương vẫn truyền nhau câu chuyện về "ông khổng lồ gánh đá vá trời". Theo đó, thuở hồng hoang, Ngọc Hoàng sai thiên thần vá những mụn rách giữa trời và đất. Thiên thần thân thể cao lớn nên người trần gọi là người ổng khổng lồ. Khi gánh đá vá trời, thiên thần đổi vai bị đứt gánh, một quẩy rơi xuống nay gọi là núi Bài Thơ, còn quẩy kia rơi xuống bìa rừng dưới chân dãy núi Thiên Sơn “ngũ hổ tọa sơn” (5 quả núi cao trên 1.000m của cánh cung Đông Triều) nay gọi là núi Mằn.

Cặp núi song sinh này có mối quan hệ với dấu chân ông khổng lồ để lại. Vịnh Cửa Lục sâu 17m, diện tích mặt nước 18km2. Vùng mặt nước ở giữa núi Bài Thơ và núi Mằn là dấu chân ông khổng lồ.

Núi Bài Thơ

Núi Bài Thơ cao 198,2m, diện tích đáy khoảng 23ha, trước đây là núi Truyền Đăng. Tương truyền, ngư dân và thương thuyền hay gọi đèn báo hiệu trên biển là Truyền Đăng (nay là Hải Đăng). Thời vua Lê Thánh Tông huấn luyện thủy binh trên vùng biển An Bằng, đến chân núi Truyền Đăng thấy cảnh sơn thủy hữu tình liền tức cảnh thành thơ rồi cho người khắc vào vách núi.

Ngoài bài thơ của vua Lê Thánh Tông, ở núi còn có rất nhiều bài thơ của quan đại thần, tao nhân, mặc khách. Chính vì thế người dân địa phương quen gọi là núi Đề Thơ, sau này đổi thành núi Bài Thơ.

Núi Bài Thơ.

(TyGiaMoi.com) - Núi Bài Thơ.

Không chỉ là di tích văn hóa, lịch sử từ thời phong kiến, núi Bài Thơ còn là chứng nhân lịch sử trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Đêm 30/4/1930, người thợ mỏ yêu nước Ðào Văn Tuất đã leo lên núi Bài Thơ treo lá cờ Ðảng ở mỏm Mỏ Quạ. Sáng 1/5/1930, lá cờ đỏ búa liềm tung bay trên núi Bài Thơ thể hiện tình yêu nước, không chịu khuất phục trước thực dân Pháp.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, núi Bài Thơ cũng ghi nhiều dấu ấn lớn. Khi quân Mỹ không kích lần thứ 1, trên mỏm Mỏ Quạ đặt chiếc loa phóng thanh chuyển từ cụm loa công suất lớn ở bờ Bắc cầu Hiền Lương - vĩ tuyến 17 về để phát hiệu lệnh phòng không và một đài quan sát máy bay địch. Các hang động trong lòng núi rộng hẹp khác nhau được sử dụng để ẩn tránh bom đạn, trạm thông tin bưu điện, đài truyền thanh... Thậm chí có hang còn chứa cả khoa cấp cứu bệnh viện tỉnh.

Bài thơ của vua Lê Thánh Tông tạc vào vách đá.

(TyGiaMoi.com) - Bài thơ của vua Lê Thánh Tông tạc vào vách đá.

Núi Bài Thơ có cảnh quan thiên nhiên đẹp với nhiều loài thực vật. Đặc biệt là các loài hoa có dáng đẹp như phong lan, si đá, thanh trúc... và khỉ vàng hoang dã sinh sống. Dưới chân núi Bài Thơ ở phía Bắc có chùa Long Tiên, ngôi chùa lớn nhất và đẹp nhất của thành phố Hạ Long. Chân núi phía Tây có ngôi đền linh thiêng thờ Hưng Vũ Vương Trần Quốc Nghiễn.

Năm 1992, cụm di tích núi Bài Thơ - chùa Long Tiên được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử danh thắng cấp quốc gia.

Núi Mằn

Núi Mằn cao 381,8m, diện tích đáy 383ha, nằm giữa suối Đá Trắng và suối Lưỡng Kỳ, hợp lưu đổ ra vịnh Cửa Lục. Núi Mằn xưa còn có tên gọi là núi Bân.

Núi Mằn.

(TyGiaMoi.com) - Núi Mằn.

Theo tích xưa, sấm trạng lưu danh “Mằn sơn án hải, vạn đại Đế Vương”. Theo Đồng Khánh dư địa chí, Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn năm 1886-1888, đất Hoành Bồ nay là thành phố Hạ Long thời bấy giờ có nhiều núi đá đẹp như núi Bân, núi Truyền Đăng, núi Hạp, núi Phượng Các… nhưng chỉ có 2 ngọn núi nổi tiếng được xếp hạng Danh Sơn thời đó là núi Mằn và núi Truyền Đăng.

Các sử gia kể lại, núi Mằn từng là đại bản doanh của quân đội nhà Lý trong cuộc kháng chiến chống Tống. Đến triều Trần, trong 2 lần kháng chiến chống giặc Nguyên - Mông (1285, 1288), núi Mằn được Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn chọn làm đại bản doanh dự bị chiến lược của đạo thủy binh.

Sau chiến thắng trận Bạch Đằng năm 1288, vua Trần Thánh Tông hội quân tại núi Mằn, lập đàn tế trời cáo thần rằng núi Mằn huyệt đạo sơn hà, vùng Đông Bắc bộ, nơi vượng khí.

Núi Mằn điển hình cho hệ thống núi đá vôi với các vách cao dựng đứng, khe núi hiểm trở, tầng đá xếp chồng lên nhau. Trên đỉnh núi có tảng đá hình bàn tay khổng lồ độc đáo. Khi vượt qua những rãnh núi hiểm trở, du khách có thể thấy những hang động lưng chừng núi với nhũ đá đẹp, vũng nước tự nhiên quanh năm nước trong vắt (được dân trong vùng gọi là giếng trời).

Hệ thống động, thực vật ở núi Mằn rất đa dạng, phong thú. Ở giếng trời bốn mùa nước cả, ngày hè mát lạnh, có nhiều cá, tô, bơi lội... Ở đây cũng có nhiều loài cây dược liệu quý, hoa địa lan, động vật hoang dã như linh dương, khỉ vàng, kỳ đà, tắc kè, chim trĩ, công đất…

Bên cạnh vẻ đẹp thiên nhiên, núi Mằn còn có giá trị văn hóa có yếu tố tâm linh. Núi Mằn gắn liền với truyền thuyết “Ông khổng lồ gánh đá vá trời”. Ngoài ra, ở phía Tây có hai núi chầu vào (gọi là núi Đầu Rồng), phía Đông có 9 ngọn núi quy tụ hướng về. Trên đỉnh núi có vườn Quýt trời gắn với truyền thuyết chùa Quýt. Phía Đông của núi Mằn còn có hang đầu Bụt, nhũ đá trong hang rất đẹp. Căn cứ vào các Hán tự khắc trong vách đá, các nhà khoa học cho rằng đây là nơi thờ thần núi của nhân dân từ hàng trăm năm trước.

Bạch Thạch linh từ.

(TyGiaMoi.com) - Bạch Thạch linh từ.

Chân núi Mằn có ngôi đền cổ linh thiêng, người dân địa phương gọi là đền Đá Trắng (Bạch Thạch linh từ). Đền thờ Thượng tiên đạo giáo; Thượng tiên đạo giáo nhiều địa phương có lập am thờ, đền thờ nhưng chủ yếu là thờ vọng, riêng đền Bạch Thạch thờ chính thần thượng tiên đạo giáo, là nét đặc sắc duy nhất ở Việt Nam.

Bạch Thạch linh từ, hậu cung thờ một pho Tượng nữ thần bằng đá trắng nguyên khối nặng hơn 1 tấn, ngự trên ngai rồng, ngồi thế song thất, nét mặt từ bi, thanh tịnh. Thần tích, cổ xưa thần trấn giữ Bạch Ngọc Kinh trên trời và Mằn Sơn được tôn hiệu Thiên cung Thượng tiên, Mằn Sơn lão mẫu, Bạch Ngọc nương nương. Bạch Thạch linh từ, khi tam giáo đồng nguyên có phối thờ Hội đồng tứ phủ, Ngọc hoàng thượng đế, Tam Thanh và am thờ Phật.

Cụm di tích núi Mằn được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử danh thắng cấp quốc gia năm 2014.

Vịnh Cửa Lục

Nhắc đến cặp núi đá vôi song sinh núi Bài Thơ và núi Mằn không thể bỏ qua vịnh Cửa Lục. Vịnh có diện tích mặt nước 18km2, sâu 17m. Tục truyền vịnh Cửa Lục là dấu chân ông khổng lồ gánh đá vá trời, khi đứt gánh tạo nên núi Bài Thơ và núi Mằn.

Vịnh Cửa Lục.

(TyGiaMoi.com) - Vịnh Cửa Lục.

Ngoài ra còn có truyền thuyết ông khổng lồ gánh đá vá trời để lại dấu chân trên đồi. Một sơn nữ đi làm nương vô tình đặt chân vào ướm thử mà mang thai, đẻ ra 3 ông thần rắn là con gồm Ông Cộc, ông Dài, ông Loang với những câu chuyện ly kỳ. Hiện ở địa phương vẫn lưu truyền miếu thờ 3 ông thần rắn riêng. Ông Cộc thờ ở đồng hang, ông Loang đồng cài, ông dài Đá trắng.

Vịnh Cửa Lục không có phù sa, nước trong xanh. Vịnh Cửa Lục có địa thế hiểm trở, từng được nhiều vua tài tướng giỏi sử dụng để đánh trận. Trong đó, đáng chú ý nhất là trận thủy chiến Vân Đồn - Lục Thủy. Tướng Trần Khánh Dư đánh chìm 600 chiến thuyền quân lương của giặc Nguyên Mông.

>>Kỳ lạ ngọn núi ‘lớn lên’ mỗi ngày, nặng tới 300 triệu tấn, du khách đến đều được tặng một món quà đặc biệt

Những ngọn núi trong lòng thành phố lớn của Việt Nam, sừng sững như 'hòn non bộ' giữa trung tâm đô thị

Ngôi đền thiêng nằm trên miệng núi lửa cao ngút trời mây, được ví như một tòa ‘lâu đài’ nguy nga hiếm có khó tìm

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/bi-an-cap-nui-da-voi-song-sinh-cao-hang-tram-met-o-mien-bac-gan-voi-su-tich-ong-khong-lo-ganh-da-va-troi-la-chung-nhan-lich-su-suot-hang-nghin-nam-d118045.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Bí ẩn cặp núi đá vôi song sinh cao hàng trăm mét ở miền Bắc, gắn với sự tích 'ông khổng lồ gánh đá vá trời', là chứng nhân lịch sử suốt hàng nghìn năm
    POWERED BY ONECMS & INTECH