Bí ẩn đằng sau việc 'nóc nhà thế giới' Everest đang không ngừng cao lên
Các nhà khoa học đã luôn cố gắng đi tìm lời giải thích cho việc tại sao đỉnh Everest - đỉnh núi cao nhất thế giới - lại cao hơn quá nhiều so với các đỉnh núi lớn khác của dãy Himalaya và vẫn đang tiếp tục cao thêm.
Đỉnh Everest nằm trong khối núi Mahalangur Himal thuộc dãy Himalaya là đỉnh núi cao nhất trên Trái Đất được mệnh danh là 'nóc nhà thế giới' và vẫn đang cao thêm khoảng 2mm mỗi năm. Số liệu chính thức về chiều cao của đỉnh núi được điều chỉnh tăng gần 1m vào năm 2020, lên 8.848,86 m.
Sự phát triển của ngọn núi trước đây được cho là do sự dịch chuyển của các mảng kiến tạo, mặc dù lý thuyết này không giải thích được tại sao đỉnh Everest lại cao bất thường so với các đỉnh khác trong dãy núi, cao hơn khoảng 250m so với đỉnh cao thứ hai ở dãy Himalaya. Ba đỉnh núi cao nhất thế giới tiếp theo là K2, Kangchenjunga và Lhotse, chỉ chênh nhau khoảng 120 m về chiều cao.
Đỉnh Everest ngày càng cao hơn mỗi năm. Ảnh: Getty. |
Các nhà khoa học đã dành rất nhiều thời gian đi tìm lời giải thích cho việc tại sao đỉnh Everest lại có thể tiếp tục cao thêm.
Một nghiên cứu University College London UCL đăng tải vào ngày 30/9 trên tạp chí Nature Geoscience cho biết các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng sự xói mòn từ một mạng lưới sông cách ngọn núi cao nhất thế giới khoảng 75km có thể là nguyên nhân chính góp phần vào sự phát triển của Everest, vì dòng sông này đã tạo ra một hẻm núi lớn.
Sự xói mòn này tạo ra một hiện tượng có vẻ nghịch lý được gọi là sự nâng lên, xảy ra khi một phần lớp vỏ Trái Đất mất khối lượng và sau đó "trôi" lên trên do áp suất lớn từ lớp manti lỏng nóng bên dưới.
Đỉnh Everest và sông Arun. Ảnh: Jiaqi Sun và Jingen Dai |
Quá trình này không diễn ra nhanh, các nhà khoa học ước tính rằng Everest đã cao thêm từ 15 - 50m trong 89.000 năm qua.
Matthew Fox, đồng tác giả của nghiên cứu từ UCL, cho biết: "Chúng tôi có thể thấy chúng phát triển khoảng 2mm mỗi năm khi sử dụng thiết bị GPS và hiện chúng tôi đã hiểu rõ hơn về nguyên nhân thúc đẩy quá trình này".
Mặc dù quá trình dần dần này chỉ dẫn đến sự phát triển vài milimét mỗi năm, nhưng xét theo khung thời gian địa chất, nó có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể.
Trong trường hợp của Everest, quá trình này dường như đã diễn ra nhanh hơn trong 89.000 năm qua kể từ khi sông Arun gần đó hợp nhất với sông Kosi bên cạnh.
Các nhà khoa học cho biết sự hợp nhất của hai con sông đã dẫn đến nhiều nước hơn chảy qua sông Kosi và tăng sức mạnh xói mòn của nó. Khi nhiều đất bắt đầu bị cuốn trôi, nó dần dần kích hoạt tốc độ nâng cao hơn cho Everest, đẩy các đỉnh núi lên cao hơn.
Lưu vực của sông Bhote Koshi gần đỉnh Everest ở khu vực giữa Nepal và Trung Quốc. Ảnh: Luc Illien/GFZ |
Đồng tác giả nghiên cứu Adam Smith từ UCL cho biết: "Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy khi hệ thống sông gần đó cắt sâu hơn, lượng vật liệu bị mất sẽ khiến ngọn núi nhô cao hơn".
Sông Arun hiện đang chảy về phía đông của đỉnh Everest và hòa vào hạ lưu với hệ thống sông Kosi lớn hơn. Trong hàng ngàn năm, nó đã tạo ra một hẻm núi cuốn trôi hàng tỷ tấn đất và trầm tích.
Các nhà khoa học cho biết hiện tượng này cũng đang ảnh hưởng đến các đỉnh núi lân cận là Lhotse và Makalu – hai đỉnh núi cao thứ tư và thứ năm trên thế giới.