Bí ẩn khu lăng mộ thái giám nghìn m2 duy nhất Việt Nam

23-03-2024 11:51|Linh Chi

Do thời gian, rêu phong phủ lên khu nghĩa trang. Thế nhưng tấm bia đá dựng trước cổng nghĩa trang phủ vẫn còn đọc được, giúp người đời biết được thêm về cuộc đời, vui buồn của các Thái giám xưa.

Thái giám là ai?

Thái giám là một chức quan có vị trí quan trọng trong thời đại phong kiến. Thái giám chuyên lo hầu hạ, phục dịch các phi tần của vua, sắp xếp lịch để phi tần vào hầu hạ vua.

Về các thái giám thời Nguyễn, nhà nghiên cứu Lê Nguyễn viết trong tác phẩm "Xã hội Việt Nam thời Lê - Nguyễn" (do Dtbooks và NXB Hồng Đức ấn hành). Ông tiết lộ lý do xuất hiện của các thái giám: “Trong đời sống cung đình xưa, để phục vụ cho nhà vua, các bà hoàng hậu, hoàng phi, triều đình đã tuyển vào cung hàng trăm, thậm chí hàng ngàn cung phi mỹ nữ. Nhiều cung phi hàng năm trời vẫn chưa được đấng cửu trùng để mắt đến, sống vò võ giữa lãnh cung trong nỗi khát khao được một lần ân ái. Vào hoàn cảnh đó, nếu trong số người phục dịch ở cung đình có nam giới (mà điều này không thể không có) thì nguy cơ hỗn loạn trong cung là chuyện có thể thấy trước".

Vì vậy, tùy vào mỗi triều đại sẽ có số lượng Thái giám khác nhau. Giai đoạn đầu của thời Nhà Nguyễn, mỗi triều vua thường có 200 Thái giám. Càng về sau, số lượng Thái giám càng ít đi. Đến khi vua Bảo Đại lên ngôi đã bỏ hoàn toàn việc tuyển Thái giám.

Gian chính của chùa Từ Hiếu. Ảnh: Dân Việt.

(TyGiaMoi.com) - Gian chính của chùa Từ Hiếu. Ảnh: Dân Việt.

Là người kề cận vua, phi tần, sống trong gấm vóc lụa là nhưng cuộc đời của các Thái giám có nhiều bi thương. Thái giám thường được đưa vào cung khá sớm, có khi chỉ mới 7 tuổi, sau khi cắt bỏ bộ phận sinh dục nam thì được dạy dỗ các nghi lễ triều đình rồi đến phục vụ vua chúa và các phi tần. Họ sống trong cung suốt đời cho đến khi già yếu sẽ vào Cung giám viện, phía ngoài hoàng cung ở.

Do ý thức được số phận bi thảm của mình, một thái giám tên là Châu Phước Năng đã dành dụm tiền bạc, cùng kêu gọi các thái giám khác quyên tiền để sửa sang Thảo Am đường (vốn là nơi tu tại gia của hòa thượng Thích Nhất Định) để làm nơi chôn cất, hương khói cho chính mình. Việc này được vua Tự Đức và Thái hậu Từ Dũ chấp nhận, đồng thời quyên góp thêm. Vua Tự Đức đổi tên am thành chùa Từ Hiếu (có nghĩa là hiếu thuận). Đây là ngôi chùa do các thái giám quyên tiền sửa sang và là nơi an nghỉ của họ nên còn có tên dân gian là chùa thái giám.

Cổng Tam Quan của chùa Từ Hiếu tại Huế. Ảnh: Thế Trung - Đức Hoàng/Thanh Niên.

(TyGiaMoi.com) - Cổng Tam Quan của chùa Từ Hiếu tại Huế. Ảnh: Thế Trung - Đức Hoàng/Thanh Niên.

Cũng trong cuốn sách có viết: “Năm Thành Thái thứ năm (1893), bức xúc với những bẽ bàng trong cuộc sống cung đình, trước sự hắt hủi, coi thường của vua quan triều Nguyễn và để có nơi an ủi phần hồn, các thái giám đã dùng tiền riêng tái thiết và mở rộng chùa Từ Hiếu, dành một nơi vừa làm nhà nghỉ, vừa làm nhà thờ. Một tấm bia dựng lên ở đây với nội dung: 'Trong đời sống, chúng tôi tìm thấy ở đây sự yên bình. Khi ốm đau, chúng tôi lui về đây, và sau khi chết, chúng tôi sẽ được chôn chung ở đây. Dù sống hay chết, chúng tôi vẫn tìm thấy sự an nghỉ tại nơi này'”.

Quy mô, kiến trúc của chùa Từ Hiếu - ngôi chùa độc nhất vô nhị ở Việt Nam

Chùa Từ Hiếu ở núi Dương Xuân, xã Thủy Xuân, TP Huế, cách Tử Cấm thành 5km về phía Tây Nam. Chùa nằm khuất trong một khuôn viên rừng thông rộng chừng 8 mẫu (40.000 m2).

Trong bài "Chùa Từ Hiếu là ngôi cổ tự độc đáo bậc nhất xứ Huế" của hai tác giả Thế Trung - Đức Hoàng đăng trên trang Phật Giáo (Hội Phật giáo VN), miêu tả về chùa Từ Hiếu: “Không chỉ là ngôi chùa gắn liền với câu chuyện đạo hiếu cảm động, chùa Từ Hiếu còn nổi bật bởi sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc và khung cảnh thiên nhiên thơ mộng khiến nhiều người như lạc vào thế giới nửa thực nửa mơ của những rừng thông xanh mướt, và đây cũng là một trong những điểm nổi bật của những ngôi chùa ở xứ Huế, luôn hòa mình vào cảnh sắc thiên nhiên”.

Khu nghĩa trang các thái giám. Ảnh: VTC News

(TyGiaMoi.com) - Khu nghĩa trang các thái giám. Ảnh: VTC News

Ngay sát với chùa Từ Hiếu, trên cùng một ngọn đồi, là nghĩa trang dành cho các thái giám triều Nguyễn rộng hàng nghìn m2, có tường bao quanh. Khu lăng mộ được chia làm 3 bậc tương ứng với vai trò và đóng góp của các thái giám. Bậc trên cùng là thái giám Châu Phước Năng, người đề xuất và quyên góp nhiều tiền nhất cho chùa nên mộ này cũng to hơn tất cả các ngôi mộ khác.

Có nhiều thông tin về số lượng các ngôi mộ trong lăng. Trong sách "Xã hội Việt Nam thời Lê - Nguyễn" có đoạn: "Giữa thập niên 1910, người ta đếm được 18 ngôi mộ, song chỉ 9 ngôi mộ có chôn người, 9 ngôi mộ kia dành cho những thái giám còn sót lại. Đến nay, tổng số ngôi mộ của các thái giám được an áng trong cuộc đất của chùa Từ Hiếu là 23” (tuy nhiên hiện có tư liệu khác ghi là 24 ngôi mộ - NV).

Do thời gian, rêu phong phủ lên khu nghĩa trang. Thế nhưng tấm bia đá dựng trước cổng nghĩa trang phủ vẫn còn đọc được, giúp người đời biết được thêm về cuộc đời, vui buồn của các Thái giám xưa.

(Nguồn: Dân Việt, Thanh Niên, VTC News)

>>Ngôi cổ tự được ví như 'tiên cảnh hạ giới': Tọa lạc trên đỉnh núi gần 2.500m, mây mù giăng lối và sương khói bao phủ quanh năm

Bí ẩn ngôi chùa tí hon 700 năm tuổi nằm giữa con sông dài nhất Trung Quốc nhưng không hề bị các trận đại hồng thuỷ nhấn chìm

Ngôi chùa duy nhất Việt Nam thờ hơn 500 nhà báo, phóng viên liệt sĩ

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/bi-an-khu-lang-mo-thai-giam-nghin-m2-duy-nhat-viet-nam-d118740.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Bí ẩn khu lăng mộ thái giám nghìn m2 duy nhất Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH