Bị cáo trong các vụ án tham nhũng lớn đều ăn năn hối cải, xin lỗi Đảng, Nhà nước
Theo Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, trong những vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn đã xét xử, tất cả bị cáo đều bày tỏ sự ăn năn hối cải, xin lỗi Đảng, Nhà nước, các cơ quan và xin lỗi cả những bị can, bị cáo vì họ mà phải vào tù
Thông tin về phiên họp 25 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Văn Yên đã dành thời gian phân tích sâu về chủ trương xử lý nhiều vụ án tham nhũng lớn theo tinh thần nghiêm minh nhưng nhân văn, nhân ái, nhân tình và chính sách phân hóa trách nhiệm hình sự trong nhiều đại án vừa qua.
Không giấu giếm, không có án bỏ túi
Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương khẳng định, xử lý nghiêm mình không có nghĩa là xử quá nặng mà đảm bảo xử lý đúng bản chất của vi phạm; xử lý công khai, không úp mở, không giấu giếm, không có án bỏ túi.
Vì vậy, tất cả hoạt động từ khâu phát hiện, điều tra, xử lý vi phạm, truy tố, xét xử, thi hành án đều được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm công khai, minh bạch. Đặc biệt, việc xử lý nghiêm minh cũng là để đối tượng vi phạm nhìn nhận đúng lỗi lầm của họ.
“Trong những vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn đã xét xử, tất cả bị cáo đều bày tỏ sự ăn năn hối cải, xin lỗi Đảng, Nhà nước, các cơ quan và xin lỗi cả những bị can, bị cáo vì họ mà khiến những người từng là đồng đội, đồng nghiệp phải vào tù”, ông Nguyễn Văn Yên thông tin.
Từ khi thành lập, riêng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã theo dõi, chỉ đạo 353 vụ án, trong đó đã hoàn thành xét xử sơ thẩm 152 vụ án với 1.557 bị cáo.
HĐXX các cấp đã thực hiện chính sách hình sự rất đặc biệt với những bị cáo trong các vụ tham nhũng, tiêu cực đã xét xử. Cụ thể, trong số 1.557 bị cáo trong các vụ thuộc diện ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi và đã được xét xử sơ thẩm, chỉ có 0,7% bị tuyên tử hình.
Như vậy, cũng đã có mức án cao nhất tước đoạt quyền được sống của tội phạm đã được tuyên, song tỷ lệ này chỉ chiếm con số nhỏ. Trong khi đó, phần lớn mức án được áp dụng nằm trong khung từ 12 tháng đến 20 năm tù, chiếm 89,3%.
Ngoài ra, số bị cáo được hội đồng xét xử cấp sơ thẩm cho hưởng án treo, phạt cải tạo không giam giữ, phạt tiền, chiếm tỷ lệ cao. Đặc biệt, có 3 trường hợp đã được miễn trách nhiệm hình sự tại tòa.
Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cho rằng, chính sách xử lý hình sự vừa qua có sự phân hóa rõ ràng, áp dụng đồng bộ nhưng vẫn đảm bảo quan điểm xử lý tham nhũng, tiêu cực là không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Trong quá trình chỉ đạo xử lý, cũng không chịu sự tác động, can thiệp trái pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền nào.
Theo ông Nguyễn Văn Yên, chưa khi nào vi phạm của tổ chức Đảng, của đảng viên được kiểm tra, giám sát, phát hiện, xử lý nhiều và nghiêm như hiện nay. Công tác thanh tra phát hiện sai phạm trong quản lý kinh tế, tham nhũng tiêu cực cũng chưa bao giờ nhiều như hiện nay.
Điểm đáng chú ý được Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương chỉ rõ là hiện nay đã phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử được những hành vi vi phạm, tội phạm về tham nhũng, kinh tế vốn nằm trong phạm vi khép kín, có tính chuyên môn cao.
“Trước kia, chúng ta coi đây là tội phạm ẩn nhưng hiện nay, không còn lĩnh vực khép kín hay chuyên môn sâu nào mà cơ quan chức năng không phát hiện và xử lý”, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương nói.
Một cỗ máy hoàn hảo, hoạt động ăn khớp
Ví von công tác phối hợp nhịp nhàng từ khâu kiểm tra Đảng tới thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án như một cỗ máy hoàn hảo, hoạt động ăn khớp, ông Nguyễn Văn Yên cho rằng, việc cơ quan này hỗ trợ cơ quan kia để tạo điều kiện phát hiện, xử lý nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.
Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết trước đây, trong phát hiện, thu thập và đánh giá tài liệu, chứng cứ hay phân hóa xử lý, xác định giữa công và tội rất khó làm. Từ thực tế đó, Ban Chỉ đạo đã ban hành chủ trương chính sách, hình thành cơ chế để xử lý.
Đặc biệt, với nhiều vụ án có quy mô lớn, tính chất tội phạm phức tạp, có nhiều đối tượng liên quan, ở nhiều cấp nhiều ngành, nhiều địa phương, Ban Chỉ đạo rất chủ động trong chỉ đạo chủ trương xử lý, khi cần thiết ban hành cơ chế để các cơ quan bảo vệ pháp luật căn cứ vào đó để phân hóa.
“Chủ trương, định hướng xử lý của Ban Chỉ đạo hoàn toàn khoa học, rất biện chứng, đúng với đòi hỏi của thực tiễn. Nếu không có những chủ trương đó sẽ tạo vướng mắc, rào cản mà cơ quan chức năng không thể xử lý được”, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương phân tích.
Điển hình như Việt Á, chủ trương phân hóa xử lý của Ban Chỉ đạo đã đem lại kết quả rõ nét. Các cơ quan đã phân hóa rõ, xử lý nghiêm với trường hợp lợi dụng chức vụ quyền hạn, can thiệp làm trái để trục lợi trong bối cảnh chống dịch.
Còn những trường hợp vì nhiệm vụ chung, chống dịch để cứu người, thể hiện theo sự chỉ đạo của cấp trên và không có động cơ vụ lợi, nếu theo quy định của pháp luật hiện hành là có tội, nhưng nhờ có chủ trương phân hóa xử lý, các cơ quan bảo vệ pháp luật có cơ sở chính trị, thực tiễn để quyết định hình thức xử lý phù hợp. Các vụ FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát cũng tương tự.
“Tính nhân văn, nhân ái, nhân tình mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thường nhắc đến còn thể hiện rất rõ trong việc quy định trách nhiệm khắc phục và bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra.
Theo quy định, có lỗi phải chịu trách nhiệm bồi hoàn nhưng trong nhiều vụ án, những người làm theo chỉ đạo cấp trên chỉ biết thực hiện theo và “không thể làm khác”.
Vì vậy, Ban Chỉ đạo chủ trương trách nhiệm bồi hoàn thiệt hại thuộc về người chủ mưu, cầm đầu, người tích cực thực hiện hành vi phạm tội, không xem xét người lệ thuộc, người hưởng lương vì họ chỉ giữ vai trò thứ yếu", ông Nguyễn Văn Yên nói.
Qua đó cho thấy chủ trương của chúng ta nhân đạo đến tận cùng, không chỉ nhân đạo về trách nhiệm hình sự mà còn nhân đạo về trách nhiệm bồi hoàn.
Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Đặng Văn Dũng cho biết, Ban Chỉ đạo đánh giá, chưa bao giờ chúng ta xử lý kiên quyết, nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn, có tình, có lý như hiện nay.
Việc xử lý kiên quyết, nghiêm minh được thể hiện rõ qua việc tiếp tục xử vắng mặt cả người bỏ trốn ra nước ngoài và lần đầu tiên điều tra, truy tố tội “tham ô tài sản” với chủ doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Cùng với đó là việc xử lý cũng rất nhân văn, có tình, có lý thể hiện qua việc miễn, giảm trách nhiệm hình sự cho người không có động cơ vụ lợi, không nhận tiền.
“Rõ ràng việc xử lý như vậy là rất kiên quyết, nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn, được dư luận, nhân dân đồng tình, đánh giá cao”, ông Đặng Văn Dũng nhấn mạnh.
>> Nhìn lại các đại án gây rúng động thị trường bất động sản trong năm 2023
Thu hồi hơn 20.000 tỷ đồng trong các vụ án tham nhũng năm 2023 
Thu hồi hơn 20.000 tỷ đồng tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng