Bí mật phong thủy ẩn chứa trăm năm trong lăng mộ mẹ vua Khải Định, đặc biệt nhất nhì trong các lăng mộ nhà Nguyễn
Mộ của mẹ vua Khải Định có một thuyết phong thủy lâu đời rất nổi tiếng.
Hựu Thiên Thuần Hoàng hậu Dương Thị Thục (1868 – 1944) là vợ của vua Đồng Khánh, mẹ của vua Khải Định , tổ mẫu của vua Bảo Đại . Bà cùng với Phụ Thiên Thuần Hoàng hậu chính là hai vị Thái hoàng thái hậu cuối cùng của nhà Nguyễn cũng như chế độ phong kiến của Việt Nam .
Năm 1944, bà Dương Thị Thục qua đời ở tuổi 77. Lăng mộ  của bà là lăng Tiên Cung (còn gọi là Tư Thông Lăng hay lăng Vạn Vạn), nằm ở làng An Cựu, Hương Thủy, Thừa Thiên Huế (nay là số 10 Trần Thanh Mại, phường An Đông, TP Huế). Đây là lăng mộ đặc biệt nhất nhì nhà Nguyễn vì nằm ở đồng bằng thay vì vùng đồi núi phía tây thành phố Huế nhưng các hoàng thân quốc thích khác. Theo tác giả Phanxipăng (Tạp chí Tài hoa trẻ, số 264, năm 2003), vị trí đặc biệt của lăng Vạn Vạn liên quan đến một thuyết phong thủy  cổ xưa.
Xưa kia vùng đất tốt được chọn để xây lăng vua được triều đình gọi là “Vạn niên cát cục” hoặc “Vạn niên cát địa”, đó là xuất xứ địa danh Vạn Niên được dùng chỉ khu vực Khiêm Lăng (tức lăng Tự Đức).
Dưới thời vua Khải Định, các thầy địa lý triều đình nhà Nguyễn đã cất công tìm một nơi phù hợp với một truyền ngôn địa phương: “Cù Bạc nhất xứ huyệt, Công hầu đợi đợi bất tuyệt”. Câu này có nghĩa là: Cù Bạc (vùng đất xưa thuộc tổng An Cựu, huyện Hương Thủy, phủ Thừa Thiên) là xứ có sẵn vị trí mà nếu chọn làm huyệt mộ thì con cháu đời đời xênh xang công hầu khanh tướng.
Tại khoảng đất tốt được lựa chọn, vua Khải Định đã cho xây lăng Vạn Vạn, khu lăng mộ bề thế làm nơi an nghỉ cho bậc thân mẫu của mình.
Tên gọi lăng Vạn Vạn cũng mang yếu tố phong thủy rõ nét. Phần đất tốt được chọn để xây lăng cho cha mẹ của vua gọi là “Vạn vạn niên cát cục” hoặc “Vạn vạn niên cát địa”. Đó là nguyên do tên địa danh này hay được gọi là Lăng Vạn Vạn.
Di tích này tuy cách Kinh Thành Huế không xa nhưng lại nằm vào một nơi hẻo lánh ít được mấy ai biết đến. Sự lựa chọn địa điểm để xây dựng khu lăng mộ này là một trường hợp cá biệt so với những lăng tẩm khác của các “đế” và “hậu” trước cũng như sau đó.
Lăng từng rơi vào cảnh bị lãng quên hàng chục năm, đến năm 2002 mới bắt đầu được chăm nom và bảo vệ. Sau này, vào năm 2002, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế  mới tìm người chăm sóc lăng Vạn Vạn. Khách du lịch ngày nay đến Huế vẫn rất ít người biết về lăng Vạn Vạn.
Về mặt kiến trúc, lăng Vạn Vạn có kiểu cách tương tự lăng Thánh Cung nhưng khuôn viên rộng hơn, hệ thống các công trình được bảo tồn nguyên vẹn hơn. Diện tích đất xây lăng rộng khoảng 6ha, xung quanh có xây nhiều trụ cấm làm ranh giới.
Phía trước lăng là 2 trụ biểu uy nghi, ở giữa hai trụ biểu có bức bình phong hình cuốn thư, sau đó là một hồ nước hình chữ nhật. Qua ba tầng sân được lát gạch ca rô, là Huyền cung với mặt bằng hình chữ nhật rộng khoảng 400m2, được bao bọc bởi 2 vòng thành. Vòng ngoài cao 4,5m, vào cửa chính sẽ có một bình phong cuốn thư. Sau bình phong này có thêm vòng thành thứ hai cao 3m, có trổ lối vào thạch thất là ngôi mộ bằng đá của bà Tiên Cung.
Được coi là công trình  đẹp và có quy mô hoành tráng bậc nhất trong các lăng mộ của phụ nữ hoàng tộc Nguyễn, năm 2007, lăng Vạn Vạn đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia của Việt Nam.
<< Kỳ bí lăng mộ Lưu Bị: Do Gia Cát Lượng tự thiết kế, hơn 1700 năm không ai tìm thấy lối vào