Bị Mỹ đánh thuế sơ bộ 59% trong vụ kiện CBPG thép mạ, Hoa Sen (HSG) lên tiếng 'không ảnh hưởng thêm'
Phần lớn doanh nghiệp thép Việt, bao gồm Hoa Sen (HSG) đã tạm dừng xuất khẩu sang thị trường Mỹ từ nhiều tháng trước, nhằm chủ động ứng phó với rủi ro thương mại.
Ngày 4/4/2025, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) công bố kết luận sơ bộ trong cuộc điều tra chống bán phá giá  (CBPG) đối với sản phẩm thép mạ nhập khẩu từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam.
Theo kết luận sơ bộ, biên độ thuế chống bán phá giá áp dụng cho các doanh nghiệp Việt Nam có sự phân hóa đáng kể. Nhóm doanh nghiệp được nêu đích danh trong cuộc điều tra bị áp mức thuế dao động từ 39,84% đến 59%, trong khi các doanh nghiệp không được xác định riêng lẻ đối mặt với mức thuế cao nhất, lên tới 88,12%.
Cụ thể, Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG ) bị áp thuế cao nhất với biên độ 59%. Tôn Đông Á (UPCoM: GDA ) chịu mức thấp hơn là 39,84%, trong khi nhiều tên tuổi lớn như China Steel & Nippon Steel Việt Nam, Tôn Hòa Phát (thuộc Tập đoàn Hòa Phát - HPG ) và Nam Kim Steel (HoSE: NKG ) đều bị áp mức thuế tương đồng 49,42%.
Thông tin từ Báo Pháp luật TP. HCM, đại diện Tập đoàn Hoa Sen cho biết nguyên nhân chính dẫn đến mức thuế cao là do phương pháp tính toán đặc thù của DOC đối với các quốc gia chưa được công nhận là nền kinh tế thị trường, bao gồm Việt Nam. Theo đó, thay vì sử dụng dữ liệu chi phí sản xuất do doanh nghiệp Việt Nam cung cấp, DOC sử dụng giá trị thay thế từ một quốc gia thứ ba có nền kinh tế thị trường để làm cơ sở tính toán biên độ phá giá.
Việc sử dụng dữ liệu thay thế này thường dẫn đến sai lệch lớn giữa giá thành sản xuất thực tế tại Việt Nam và chi phí “giả định” theo tiêu chuẩn quốc gia khác, khiến biên độ phá giá bị đẩy lên cao và kéo theo mức thuế bất lợi.
Hiện DOC chưa công bố quốc gia được chọn làm tham chiếu cũng như các thông số cụ thể dùng trong tính toán. Tuy nhiên, theo quy trình điều tra, các thông tin này sẽ được công khai trong giai đoạn tiếp theo, tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam phản hồi, bổ sung dữ liệu và đưa ra các lập luận nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
![]() |
Hoa Sen (HSG) bị áp thuế chống bán phá giá sơ bộ thép mạ lên đến 59% |
Được biết, cuộc điều tra chống bán phá giá này chính thức được khởi xướng từ tháng 9/2024, nhắm vào các sản phẩm tôn thép mạ kẽm, mạ lạnh và mạ màu xuất khẩu sang thị trường Mỹ, bao gồm Việt Nam. Kể từ thời điểm đó, hoạt động xuất khẩu thép mạ  sang Hoa Kỳ gần như tạm ngưng, do tâm lý thận trọng từ phía khách hàng Mỹ trước nguy cơ hàng hóa bị hồi tố thuế nếu DOC ra kết luận bất lợi.
Vì vậy, dù mức thuế sơ bộ vừa được công bố ở mức khá cao, nhưng trên thực tế không gây thêm ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động sản xuất kinh doanh hiện tại của các doanh nghiệp thép Việt, do phần lớn đã chủ động ngưng xuất hàng sang Mỹ từ nhiều tháng trước.
Ngoài ra, vào rạng sáng ngày 3/4/2025 (giờ Việt Nam), Mỹ cũng ban hành sắc lệnh áp thuế đối ứng lên hàng hóa nhập khẩu từ một số quốc gia, trong đó có Việt Nam, với mức trần lên tới 46%. Tuy nhiên, sản phẩm tôn thép của Việt Nam không thuộc diện chịu mức thuế mới này, do đã bị áp thuế 25% theo mục 232 kể từ ngày 8/3/2018.