Theo các chuyên gia, tòa tháp không phải là chịu đựng sét đánh mà là tự chủ động "hút sét".
Những ngày gần đây, thành phố Quảng Châu  ghi nhận tình trạng mưa lớn kéo dài, kèm theo gió lớn và sấm sét. Vào tối ngày 20/4, một video ghi lại cảnh Tháp Canton cao 600m bị sét đánh liên tục 6 lần trong vòng 1 giờ đã nhận được sự chú ý rộng rãi của cư dân mạng. Nhiều người không khỏi lo lắng cho sự an toàn của tòa tháp.
Tuy nhiên, dường như tháp Canton không phải là chịu đựng sét đánh mà là tự chủ động "hút sét", giúp điện từ tia sét dẫn xuống đất một cách nhanh chóng, bảo vệ cho cả tòa nhà và các thiết bị bên trong khỏi thiệt hại. Đồng thời, nó cũng giúp giảm thiểu nguy cơ bị sét đánh của các tòa nhà xung quanh.
Tối ngày 20/4, một video ghi lại cảnh Tháp Canton cao 600m bị sét đánh liên tục 6 lần trong vòng 1 giờ đã nhận được sự chú ý rộng rãi của cư dân mạng. Ảnh: Sohu |
Tháp Canton là tháp truyền hình nằm ở quận Hải Châu, thành phố Quảng Châu, gần sông Châu Giang (Trung Quốc). Tòa tháp này cao 604m, phần thân cao 450m và phần ăng ten cao hơn 150m, chính thức đi vào hoạt động từ năm 2010. Tổng vốn đầu tư của tháp Canton lên tới 450 triệu USD (tương đương 10.700 tỷ đồng).
Tháp Canton. Ảnh: Internet |
Kể từ khi đi vào hoạt động, mỗi khi thời tiết xuất hiện giông bão, người dân ở Quảng Châu lại có dịp nhìn thấy cảnh tượng vô cùng ấn tượng khi tháp Canton và sấm sét đụng độ nhau.
Được biết, thành phố Quảng Châu là khu vực dễ bị sét đánh, do đó khi thi công tòa tháp "chọc trời"  này, các kỹ sư đã đặc biệt chú ý đến việc chống sét trong giai đoạn thiết kế. Viện Kiểm tra cơ sở thiết bị chống sét của thành phố Quảng Châu đã được ủy thác để đánh giá nguy cơ bị sét đánh và đã thiết lập một loạt hệ thống bảo vệ chống sét hoàn chỉnh tại 3 phần "đỉnh, eo và đáy" của tòa tháp.
Trên cột ăng ten được lắp đặt thiết bị chống sét và một lưới chống sét đã được thiết kế ở phía trên cùng của tháp. Những thiết bị này cùng với ống thép bọc ngoài và lưới tiếp đất ở phần dưới cùng của tháp tạo thành một hệ thống dẫn sét. Khi có sét trực tiếp đánh vào, dòng điện từ các tầng mây có thể đi theo cột ăng ten đến lưới chống sét, sau đó đi theo ống thép bọc ngoài của tháp và tiếp đất ở phía dưới mặt đất, không hề gây tổn hại cho tòa tháp.
Trên cột ăng ten được lắp đặt thiết bị chống sét và một lưới chống sét đã được thiết kế ở phía trên cùng của tháp. Ảnh: Sohu |
Ngoài trường hợp bị sét đánh trực tiếp vào đỉnh tháp, các mặt của tháp Canton cũng phải đối mặt với nguy cơ bị sét đánh. Vì vậy, các lan can kim loại, cửa kim loại và cửa kính của các tầng trên tháp đều được kết nối trực tiếp với thiết bị chống sét của tháp, và mỗi điểm kết nối không ít hơn hai điểm, đảm bảo rằng dòng điện từ các tia sét bên cạnh cũng có thể được dẫn theo thiết bị chống sét xuống mặt đất.
Ngoài ra, xung điện từ cực mạnh do sét gây ra cũng sẽ gây nhiễu cho các thiết bị điện tử trong tòa tháp, khiến hệ thống báo cháy, hệ thống phát sóng công cộng, mạng máy tính, truyền hình cáp,… trong tòa tháp gặp trục trặc. Do đó, mỗi thiết bị bên trong tháp đều được thực hiện các biện pháp bảo vệ như tiếp đất, che chắn và lắp đặt bộ bảo vệ chống sét để đảm bảo hoạt động ổn định.
Tháp Canton cũng trang bị hệ thống cảnh báo sét, có khả năng liên tục theo dõi điện trường khí quyển do các đám mây giông gần đó tạo ra theo thời gian, cũng như sự xuất hiện của các đám mây và tia chớp. Bằng cách kết hợp các chỉ báo cảnh báo điện trường khí quyển, hệ thống này có thể phát ra cảnh báo sớm, đảm bảo rằng trước khi sét mạnh đến, khu vực đỉnh tháp sẽ được đóng cửa kịp thời và du khách sẽ được sắp xếp vào phòng tham quan bên trong, đảm bảo an toàn cho họ.
Lin Peiyang, nhà thiết kế hệ thống chống sét của tháp Canton, tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông rằng thiết kế chống sét của tháp vượt qua yêu cầu của các tiêu chuẩn kỹ thuật chống sét hiện tại cho các công trình xây dựng, một số thiết bị thậm chí còn có khả năng chống sét vượt xa cả sức mạnh của các kho dự trữ vũ khí.