Trong quá trình điều tra vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nướ gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty Tân Thuận, Công an TP. HCM đã mời bà Nguyễn Thị Như Loan – Tổng Giám đốc Quốc Cường Gia Lai (QCG) lên làm việc, lấy lời khai.
Vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận) vừa được Công an TP. HCM hoàn tất kết luận điều tra bổ sung lần 2. Các bị can: Trần Công Thiện (cựu Tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận), Tất Thành Cang (cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. HCM) cùng 8 đồng phạm bị đề nghị truy tố.
Đáng chú, liên quan đến vụ án này, bà Nguyễn Thị Như Loan – Tổng Giám đốc QCG đã được triệu tập để lấy lời khai, phục vụ điều tra.
Bà Loan khai với phía công an rằng đã mua lại 45% vốn góp của Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển nhà Hoàng Anh (công ty con Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai) và bắt đầu hợp tác với Công ty Tân Thuận tại dự án Khu cao ốc căn hộ - thương mại ven sông Tân Phong thuộc Khu IV – Khu dân cư Ven Sông. Sau đó, Quốc Cường Gia Lai đề nghị Công ty Tân Thuận sớm thực hiện dự án để thu hồi vốn.
Công ty Tân Thuận đã 3 lần họp với Sở Xây dựng TP. HCM xin chấp thuận đầu tư dự án nhưng Sở thông báo Công ty Tân Thuận không đủ điều kiện vốn đối ứng 20% tổng mức đầu tư dự án. Do đó Công ty Tân Thuận không thực hiện được dự án.
Sau khi có thông báo kết luận của Sở Xây dựng, Công ty Quốc Cường Gia Lai tiếp tục gặp, liên lạc nhiều lần với Công ty Tân Thuận để trao đổi, đề xuất nhiều giải pháp, trong đó có đề nghị Công ty Tân Thuận phải tăng vốn điều lệ và vay ngân hàng để đủ điều kiện thực hiện đối với 55% vốn góp của Công ty Tân Thuận tại dự án. Riêng 45% vốn của mình, Quốc Cường Gia Lai sẽ tự cân đối tài chính để thực hiện dự án.
Đến 18/3/2016, Quốc Cường Gia Lai và Tân Thuận ký hợp đồng chuyển nhượng 45% trong 55% vốn góp của Tân Thuận cho Quốc Cường Gia Lai với giá 186,2 tỷ đồng.
Theo hợp đồng này, mặc dù Tân Thuận chỉ nắm 10% giá trị khu đất nhưng về mặt pháp lý vẫn đứng tên chủ sở hữu.
Đến năm 2017, khi đã sở hữu 90% vốn góp tại dự án, Quốc Cường Gia Lai đề nghị Tân Thuận bỏ ra 10% chi phí để triển khai xây dựng dự án. Tuy nhiên, bị từ chối, đồng thời còn được đề nghị ngược lại sau nay Tân Thuận sẽ lấy 10% giá trị đất để hoán đổi thành sàn căn hộ trên tổng số giá trị của đất và chi phí xây dựng đã bỏ ra.
Vì lý do trên, Quốc Cường Gia Lai đã yêu cầu Tân Thuận chuyển nhượng dự án để làm chủ đầu tư triển khai thực hiện dự án để phù hợp các khoản tiền thanh toán. Và sau đó Tân Thuận đã gửi văn bản tới Sở Xây dựng TP. HCM đề nghị chuyển nhượng một phần Dự án Khu dân cư Ven Sông cho Quốc Cường Gia Lai.
Đến tháng 11/2017, được sự chấp thuận của UBND TP. HCM, Quốc Cường Gia Lai được chuyển nhượng một phần Dự án Khu dân cư Ven Sông từ Tân Thuận để làm chủ đầu tư Dự án Cao ốc căn hộ kết hợp thương mại dịch vụ Tân Thuận.
Riêng với Dự án Khu dân cư Phước Kiển, bà Loan khai do biết được dự án này đã được UBND huyện Nhà Bè duyệt quy hoạch chi tiết 1/2.000 cho Công ty Tân Thuận làm chủ đầu tư với diện tích 50ha và Tân Thuận đã đền bù được 32ha nên bà cho rằng 1/3 diện tích còn lại chưa đền bù của dự án sẽ dễ xin chủ trương đầu tư lại, từ đó bà đề nghị hợp tác đầu tư dự án này cùng Tân Thuận với tỉ lệ 15:25, hoặc chuyển nhượng 100% dự án.
Sau đó đến tháng 4/2017 hai bên đàm phán, thỏa thuận các điều khoản cơ bản khi hợp tác và thống nhất: Giá trị khu đất có tổng diện tích 324.971m2 x 1.107.380đ/m2 = 358 tỷ đồng, góp vốn theo tỉ lệ 70% - 30%.
Tuy nhiên, thời điểm đó, Tân Thuận chỉ có khoản 162 tỷ đồng, không đáp ứng yêu cầu 20% vốn nên sang tháng 5/2017, Quốc Cường Gia Lai đồng ý chuyển nhượng 324.971m2 đất dự án Phước Kiển với giá 1.290.000đồng/m2 theo đề nghị của Tân Thuận.
Tại phòng công chứng, phía Tân Thuận đã ký chuyển nhượng quyền sử dụng 281.407m2 đất cho Quốc Cường Gia Lai. Sau đó, Quốc Cường Gia Lai đã thanh toán tiền chuyển nhượng cho Tân Thuận 5 lần, tổng tiền là 374,2 tỷ đồng và thanh toán tiền thuế VAT là 23 tỷ đồng.
Cuối năm 2017, bà Loan được Văn phòng Thành ủy TP. HCM mời đến dự cuộc họp và được trao đổi về đơn giá đất nông nghiệp để tính bồi thường và được xét cấn trừ khi được chuyển mục đích sử dụng đất làm dự án thương mại là 1.768.000đồng/m2. Vì vậy, khi Văn phòng Thành ủy TP. HCM đề nghị điều chỉnh lại giá chuyển nhượng đất là 1.768.000đ/m2 cho phù hợp với giá thị trường, bà Loan đồng ý với điều kiện cho Quốc Cường Gia Lai thanh toán trả chậm số tiền tăng thêm là 155,2 tỷ đồng trong thời gian 18 tháng.
Sau đó, 2 công ty ký phụ lục hợp đồng số 03 điều chỉnh giá từ 1.290.000đồng/m2 thành 1.768.000đồng/m2.
Tuy nhiên, đến khoảng tháng 4/2018, trước thông tin cho rằng Tân Thuận bán rẻ đất trong dự án Phước Kiển cho Quốc Cường Gia Lai, Văn phòng Thành ủy TP. HCM đã 3 lần mời bà Loan lên làm việc và đề nghị hủy bỏ hợp đồng và phụ lục hợp đồng liên quan.
Sau khi hủy bỏ hợp đồng, Quốc Cường Gia Lai đã nhận lại số tiền là 397,3 tỷ đồng và 21,2 tỷ tiền lãi suất ngân hàng.
Công an TP. HCM kết luận ông Tất Thành Cang và đồng phạm có sai phạm trong chuyển nhượng Dự án Khu dân cư Phước Kiển và Dự án Khu dân cư Ven Sông từ Công ty Tân Thuận cho Công ty Quốc Cường Gia Lai, gây thất thoát hơn 248 tỷ đồng.
Việc chuyển nhượng Dự án Khu dân cư Phước Kiển, Kkhu dân cư Ven Sông tại Công ty Tân Thuận đã vi phạm Điểm c Khoản 1 Điều 31 Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp năm 2014, khi "không đảm bảo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch".
Quốc Cường Gia Lai: 'Bom tấn' lợi nhuận sắp nổ với hàng tồn kho khủng 6.419 tỷ đồng? 
Cường Đô la chi 300 triệu độ mâm cho siêu xe Porsche 911 giá 20 tỷ