Biệt thự ẩn mình hơn 100 năm tuổi bị bỏ hoang ở Long An: Dấu tích huy hoàng của nhị phú hào đất Cần Giuộc
Mặc dù đã trải qua sương gió đến hơn trăm năm nhưng mái ngói đỏ của căn biệt thự hiện gần như vẫn giữ được nguyên vẹn.
Căn biệt thự bỏ hoang có tuổi đời hơn 100 năm
Ẩn mình trong đám lau sậy và cây dại ngập nước, ngôi biệt thự cổ ở xã Phước Vĩnh Tây chỉ để lộ phần mái ngói nâu đỏ vươn lên trên màu xanh thẫm của rừng cây.
Khi nhìn từ xa, khách tham quan chỉ có thể lờ mờ thấy được tầng lầu của công trình – như một dấu lặng lẽ giữa thiên nhiên, vừa gợi tò mò, vừa nhuốm màu thời gian.

Lối vào biệt thự phải băng qua căn nhà tạm của bà Huỳnh Thị Nga (SN 1968, ấp 2, xã Phước Vĩnh Tây) – người sống gần như cả đời bên di tích này.
Từ đây, toàn bộ kiến trúc Pháp cổ kính của biệt thự hiện ra, với một trệt, một lầu, cửa chính mái che nhô ra khỏi sân, hai lối vào uốn lượn cân xứng hai bên. Hệ thống cột và mái vòm phía trước vẫn còn lưu lại những hoa văn mềm mại, gợi vẻ duyên dáng một thuở.
Hiện nay, cửa chính đã bị dây leo phủ kín, rễ cây chằng chịt quấn quanh. Bốn mặt căn biệt thự bố trí nhiều ô cửa sổ hình chữ nhật được xem là đặc trưng kiến trúc châu Âu, từng mang đến sự thông thoáng và thẩm mỹ, nay chỉ còn trơ khung sắt.

Bên trong biệt thự là một khung cảnh đổ nát: Nền gạch vỡ vụn, tường mục loang lổ rêu phong, có đoạn nứt toác, xô lệch đến mức có thể đổ sập bất kỳ lúc nào. Cầu thang dẫn lên tầng hai đã biến mất, nhiều cột sụp đổ, để lại phần chân cột trang trí công phu.
Thế nhưng, những chi tiết hoa văn đắp nổi, bào chỉ tường, phù điêu trên mái vòm, trần nhà... vẫn tồn tại như những "mảnh ký ức kiến trúc" tinh xảo và đáng quý.
Dấu vết xa hoa của vị "nhị phú hào" đất Cần Giuộc
Bà Nga – người sinh ra và lớn lên bên cạnh căn biệt thự nhớ như in hình ảnh tòa nhà cao lớn nổi bật giữa những mái lá khiêm nhường thuở ấy.
Theo lời kể của người lớn, đây là "lầu ông phủ" – nơi ở của ông Nguyễn Khắc Cần, thường được gọi là đốc phủ Cần.
Tuy rời quê từ nhỏ, nhưng trong lần trở về, bà ngỡ ngàng khi thấy dinh thự ngày nào giờ chỉ còn là phế tích, lạnh lẽo, câm lặng và hoang dại.

Một nhà nghiên cứu văn hóa địa phương xác nhận, căn biệt thự chính là dinh thự của ông Nguyễn Khắc Cần – một trong "tứ đại phú hào" của vùng Cần Giuộc đầu thế kỷ 20.
Dân gian vẫn còn truyền lại câu: "Nhất Tránh, nhì Cần, tam Thìn, tứ Cậy" để nhắc đến bốn đại địa chủ giàu có nhất vùng: Hội đồng Tránh (Tân Tập), Hội đồng Cần (Phước Vĩnh Tây), Hội đồng Thìn (Long Phụng), và Hội đồng Cậy (Đông Thạnh).

Dù được gọi là "đốc phủ", nhưng đây không phải một chức danh phong kiến chính thức mà là cách gọi tôn kính theo địa vị xã hội lúc bấy giờ.
Theo tài liệu địa phương, biệt thự được ông Cần thuê kiến trúc sư người Pháp thiết kế, khởi công và hoàn thành vào năm 1917. Lúc bấy giờ, công trình này gồm 16 phòng, đầy đủ tiện nghi và tọa lạc trong khuôn viên rộng lớn, được quy hoạch bài bản với hoa cảnh xanh mát.

Trải qua hơn 100 năm, dấu vết thời gian đã bào mòn gần hết vẻ huy hoàng của công trình, nhưng trong ký ức người dân địa phương, biệt thự của ông Cần từng là một biểu tượng.
Ông Nguyễn Văn Võ – Trưởng ấp 2, xã Phước Vĩnh Tây – khẳng định: "Đây từng là một trong những căn nhà đẹp nhất vùng. Trước kia, nhiều đoàn làm phim đã đến đây quay hình, ghi lại nét cổ kính hiếm có".
Dẫu đã đổ nát, biệt thự cổ của ông Nguyễn Khắc Cần vẫn còn đó như một nhân chứng lặng lẽ của thời cuộc, một chứng tích kiến trúc quý giá cần được bảo tồn – không chỉ vì giá trị lịch sử, mà còn là di sản văn hóa của cả vùng đất Cần Giuộc.
Đề xuất xây thêm hai cây cầu gần 20.000 tỷ kết nối hai địa phương giàu bậc nhất Việt Nam
Huyện đảo nhỏ nhất Việt Nam dự kiến trở thành đặc khu đầy tiềm năng