Bình Thuận chịu trách nhiệm toàn diện về dự án hồ chứa nước Ka Pét
Liên quan đến dự án hồ chứa nước Ka Pét, Chính phủ lưu ý tỉnh Bình Thuận chịu trách nhiệm toàn diện trước Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng về tiến độ, hiệu quả, chất lượng của dự án cũng như việc chuyển mục đích sử dụng rừng, trồng rừng thay thế.
Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng vừa thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện dự án hồ chứa nước Ka Pét, tỉnh Bình Thuận.
Chưa nhận được báo cáo đánh giá tác động môi trường
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, công tác kiểm kê đánh giá hiện trạng rừng đã hoàn thành và được các ban, ngành liên quan của tỉnh Bình Thuận thẩm định.
UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo Sở NN-PTNT rà soát cụ thể từng vị trí nhằm đảm bảo diện tích trồng rừng cho toàn bộ 1.844,54 ha diện tích cần trồng rừng thay thế của dự án và yêu cầu phải thực hiện trồng bằng các loài cây bản địa như dầu, sao đen,…
Hiện nay, các đơn vị chủ rừng trên địa bàn toàn tỉnh đang khảo sát, rà soát quỹ đất lâm nghiệp đủ tiêu chí trồng rừng thay thế để đăng ký Sở NN-PTNT trình UBND tỉnh phê duyệt làm cơ sở triển khai trồng rừng, đảm bảo hoàn thành cùng thời điểm hoàn thành dự án hồ chứa nước Ka Pét vào cuối năm 2025.
Về công tác lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, Bộ trưởng KH-ĐT cho biết, hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa nhận được báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.
Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xem xét, đánh giá cẩn trọng, kỹ lưỡng các biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường trong quá trình thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận, báo cáo đánh giá tác động môi trường phải bổ sung thêm tài liệu mô hình ứng phó sự cố vỡ đập và đánh giá đa dạng sinh học do dự án có tác động đến rừng trong khu bảo tồn.
Qua rà soát hồ sơ năng lực thì đơn vị tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường không đủ năng lực để tổ chức thực hiện 2 mô hình nêu trên.
Hiện nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận (Ban Quản lý dự án) đã làm việc với nhà thầu và đi đến thống nhất chấm dứt hợp đồng.
Trên cơ sở đó, Ban Quản lý dự án sẽ trình cấp thẩm quyền xin chủ trương lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực tiếp tục thực hiện các công việc liên quan để hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đảm bảo đúng tiến độ.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng thông tin thêm, công tác khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đã thực hiện xong.
Ngày 23/7, UBND tỉnh Bình Thuận trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.
Ngày 4/8, Cục Quản lý xây dựng công trình - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản số 1199 đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận rà soát, bổ sung hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.
Hiện nay, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án và các sở, ban ngành có liên quan khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ theo yêu cầu của Cục Quản lý xây dựng công trình.
Đánh giá khách quan những vấn đề mà dư luận xã hội còn băn khoăn
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng báo cáo Quốc hội một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, tỉnh Bình Thuận đã thực hiện xong hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường vào tháng 9/2020. Tuy nhiên, do dự án phải trình Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư nên chưa đủ cơ sở trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Thêm vào đó, sau khi dự án được Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư thì phải tiến hành lập lại hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường theo các biểu mẫu của nghị định mới ban hành.
Trong đó phải bổ sung thêm tài liệu mô hình ứng phó sự cố vỡ đập và đánh giá đa dạng sinh học do dự án có tác động đến rừng trong khu bảo tồn. Việc này đã làm ảnh hưởng đến thời gian phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và thời gian quyết định đầu tư dự án.
Ngoài ra, sau phản ảnh của dư luận vào đầu tháng 9 vừa qua, ngày 12/9, UBND tỉnh Bình Thuận làm việc với Bộ NN-PTNT và Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường.
Ngày 21/9, UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn gửi Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường. Ngày 25/9, Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức hội nghị cán bộ nguyên lãnh đạo tỉnh báo cáo làm rõ thông tin báo chí đăng tải về việc Bình Thuận phá 600 ha rừng làm dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
Báo cáo Chính phủ chỉ rõ, trách nhiệm của UBND tỉnh Bình Thuận khẩn trương hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định và phê duyệt theo đúng quy định của pháp luật; trong đó cần rà soát, đánh giá khách quan những vấn đề mà dư luận xã hội còn băn khoăn theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.
Cạnh đó, Bình Thuận khẩn trương thực hiện lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án và các thủ tục pháp lý liên quan để tổ chức thực hiện dự án hoàn thành đúng tiến độ được giao theo Nghị quyết số 101/2023 của Quốc hội.
Chính phủ cũng lưu ý, tỉnh Bình Thuận chịu trách nhiệm toàn diện trước Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng về tiến độ thực hiện dự án, hiệu quả đầu tư, chất lượng dự án, chuyển mục đích sử dụng rừng, trồng rừng thay thế đúng quy định, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước theo quy định đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.
Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 93/2019 và điều chỉnh chủ trương đầu tư tại mục 5 Nghị quyết số 101/2023.
Mục tiêu dự án cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp; cấp nước thô cho khu công nghiệp và sinh hoạt của người dân; phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận.
Dự án có hồ điều tiết dung tích toàn bộ 51,21 triệu m3, dung tích hữu ích 47,41 triệu m3, dung tích chết 3,8 triệu m3. Ngoài ra, dự án còn có hệ thống kênh và các công trình phụ trợ khác. Tổng diện tích sử dụng đất của dự án là 697,73 ha; tổng mức đầu tư 874,089 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương 519,927 tỷ đồng; ngân sách địa phương 354,162 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ 2019-2025.
Chỉ đạo mới nhất về thời hạn phá dỡ biệt phủ 600m2 xây trái phép tại Bình Thuận 
Bình Thuận chốt phương án tháo dỡ biệt phủ không phép của đại gia khoáng sản