Bộ Công an đưa 5 thủ đoạn chiếm đoạt tiền ra ánh sáng, đặc biệt có thủ đoạn 'rất nguy hiểm'
Năm 2023 có 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại 390.000 tỷ đồng.
Chiều 14/6, Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước (NHNN), báo Tuổi Trẻ phối hợp với Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas), Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo "Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt". Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ chương trình "Ngày không tiền mặt 2024".
Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an (A05) đã có bài tham luận về thực trạng, chiêu trò lừa đảo của tội phạm trên không gian mạng cùng giải pháp ngăn ngừa.
Năm 2023, Cổng cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam nhận được gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại hơn 390.000 tỷ đồng (tương đương 3,6% GDP). Trong đó, 91% thông tin liên quan đến lĩnh vực tài chính. Tỷ lệ người dùng thiết bị di động, mạng xã hội… nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo trực tuyến là 73%.
>> Bộ trưởng Bộ Tài chính: Kho chứa tiền giờ để không, xe chở tiền thanh lý hết 
Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an (A05) (Ảnh: QUANG ĐỊNH) |
Đại diện Bộ Công an đã đưa ra 5 thủ đoạn lừa đảo điển hình, nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân trên không gian mạng.
Thứ nhất, hình thức lừa đảo thông qua dịch vụ viễn thông. Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang thông tin, hình thức này nổi lên qua thủ đoạn thông qua sim điện thoại để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng, ví điện tử. Hình thức này yêu cầu người dùng “nâng cấp sim điện thoại” theo cú pháp được đưa ra để kiểm soát sim điện thoại của người dùng.
“Khi đó, mọi cuộc gọi đến hoặc tin nhắn của nhà cung cấp dịch vụ như tin nhắn thông báo mã OTP sẽ bị chuyển hướng đến số điện thoại của đối tượng. Tạo điều kiện thuận lợi để chiếm đoạt ví điện tử, tài khoản ngân hàng của bị hại”, Thiếu tướng cho biết.
Bên cạnh đó, diễn ra các thủ đoạn lợi dụng chủ trương cơ quan Nhà nước về chuẩn hóa thông tin số điện thoại, tài khoản ngân hàng, kê khai khấu trừ thuế, định danh tài khoản VNIED có đính kèm mã độc. Sau đó, đối tượng lừa đảo yêu cầu người dân làm theo hướng dẫn và chiếm đoạt số điện thoại, từ đó, chiếm đoạt tài sản trong tài khoản.
>> Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Người già tự mình bấm thì tay run, bấm sai 5 lần là khoá máy 
5 thủ đoạn lừa đảo điển hình, nhằm chiếm đoạt tiền của người dân (Ảnh chụp màn hình hội thảo "Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt") |
Thứ hai, hoạt động lừa đảo trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng còn diễn ra dưới hình thức giả mạo tin nhắn, thương hiệu như SMS Brandname. Các đối tượng giả mạo ngân hàng thông qua thiết bị BTS để chiếm đoạt tiền của khách hàng.
“Các thiết bị này chỉ nhỏ nhỏ như máy laptop nhưng sẽ phóng tin nhắn lên các trạm BTS, sau đó giả nhãn hiệu ngân hàng để nhắn tin vào điện thoại chúng ta. Nếu làm theo hướng dẫn trong đường link đó thì sẽ bị chiếm đoạt, chiếm quyền điều khiển”, đại diện Bộ Công an cảnh báo.
>> Bất ngờ: Bộ Tài chính bị giả mạo con dấu, chữ ký 
Các đối tượng còn giả mạo nhân viên hoặc thư điện tử của một số ngân hàng, tổ chức tài chính. Qua đó, dẫn dụ người có nhu cầu vay vốn điền thông tin tài khoản, cung cấp mã OTP để đăng ký vay online; hoặc chuyển khoản tiền làm hồ sơ vay vốn.
“Rất là nguy hiểm là một số đối tượng đã tấn công vào máy chủ nội bộ của ngân hàng để chiếm quyền quản trị cao nhất, thay đổi thông tin, số điện thoại nhận tin nhắn, mã OTP. Sau đó kích hoạt dịch vụ Smart OTP, thực hiện nhiều giao dịch chuyển tiền để chiếm đoạt”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang cảnh báo.
Quang cảnh hội thảo hội thảo "Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt" (Ảnh chụp màn hình) |
Thứ ba, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua OTT (Zalo, Facebook, Wechat) tiếp tục diễn biến phức tạp dưới nhiều hình thức. Điển hình, các đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết về chuyển, rút tiền thông qua dịch vụ Internet Banking. Từ đó, dẫn dụ người bán hàng online nhấp vào đường link, chuyển tiền và cung cấp mã OTP, chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.
Thứ tư, lừa đảo qua kêu gọi nhiều người tham gia đầu tư tài chính như kinh doanh đa cấp, tiền ảo, tiền kỹ thuật số "biến tướng"… Các đối tượng sử dụng hàng loạt thủ đoạn như giả chuyên gia, tạo tài khoản ảo có lợi nhuận tốt… khiến bị hại tin tưởng, từ đó chiếm đoạt tiền.
Thứ năm, kêu gọi làm cộng tác viên trên các sàn TMĐT (Shopee, Lazada, Tiki). Bằng thủ đoạn này, các đối tượng thông qua mạng xã hội dụ dỗ, lôi kéo người tham gia vào các công việc nhẹ nhàng, hưởng hoa hồng cao.
“Hình thức lừa đảo này hiện nay lôi kéo rất nhiều người tham gia do không hiểu biết và bị các đối tượng dụ dỗ bằng những lời lẽ hấp dẫn, việc nhẹ lương cao. Nhiều người đã mất tiền với số lượng rất lớn. Ngay cả bạn tôi đến trình báo mất 200.000 đô vì việc thực hiện xử lý đơn hàng vận tải ở nước ngoài”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Giang thông tin.
>> Liên tiếp xảy ra hiện tượng ngân hàng bị giả mạo logo, con dấu để lừa đảo 
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Người già tự mình bấm thì tay run, bấm sai 5 lần là khoá máy 
Công an TP. HCM sẽ xây dựng app nhận diện hành vi lừa đảo