Bỏ dở đại học, không biết tiếng Trung nhưng dám vay 12.000 USD tới Trung Quốc mở nhà máy, anh em tỷ phú xây dựng nên đế chế đồ chơi toàn cầu
Từ gara gia đình ở New Zealand đến nhà máy rộng lớn ở Trung Quốc, hai anh em Nick và Mat Mowbray phát triển Zuru Group thành một đế chế đồ chơi giá rẻ toàn cầu với doanh thu hàng tỷ USD.
Ở tuổi 18, Nick Mowbray bỏ học đại học tại New Zealand để cùng anh trai Mat chuyển đến Trung Quốc khởi nghiệp. Không biết tiếng Trung, không có quan hệ và cũng chẳng nhiều kinh nghiệm kinh doanh, hai anh em chỉ mang theo một ý tưởng: xây dựng một nhà máy sản xuất đồ chơi giá rẻ tại Quảng Châu  – thành phố cảng đang phát triển mạnh ở miền Nam Trung Quốc.
Với khoản vay 20.000 đô la New Zealand (khoảng 12.000 USD) từ cha mẹ, họ mua một máy ép phun nhựa  và bắt đầu hành trình khởi nghiệp đầy gian nan. "Chúng tôi sống với chỉ một đô la mỗi ngày," Nick Mowbray – đồng sáng lập Zuru Group – chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn. "Chúng tôi chỉ ăn cơm và rau."
Câu chuyện khởi nghiệp của Zuru bắt đầu từ một giải nhất hội chợ khoa học quốc gia New Zealand cuối những năm 1990. Khi đó, anh Mat Mowbray đã sáng tạo ra khinh khí cầu  thu nhỏ từ lon nước ngọt và túi nhựa. Với sự hỗ trợ của cha, Mat và em trai Nick đã biến ý tưởng này thành mô hình kinh doanh nhỏ, tự sản xuất trong gara và bán tận nhà.
Bước đột phá đầu tiên đến khi họ được phép lập xưởng sản xuất trong một chuồng trại tại trang trại gia đình ở Tokoroa, một thị trấn nông thôn thuộc Đảo Bắc New Zealand. Để đổi lại cơ hội này, hai anh em phải giúp gia đình phun thuốc diệt cỏ và vắt sữa bò hàng tuần.
Quyết tâm theo đuổi giấc mơ kinh doanh, Mat là người đầu tiên bỏ học đại học, sau đó Nick cũng nối gót. Họ dành thời gian ăn ngủ tại nơi làm việc - Mat tại nhà máy còn Nick tại phòng trưng bày ở Hồng Kông . Sau này, chị gái Anna cũng tham gia điều hành mảng kinh doanh châu Á trước khi rời đi với một khoản mua lại không được tiết lộ.
Hai mươi năm sau, Zuru Group đã trở thành một đế chế đồ chơi giá rẻ hàng đầu thế giới. Các sản phẩm của công ty, từ súng bắn phi tiêu cạnh tranh trực tiếp với thương hiệu Nerf của Hasbro, đến loạt đồ chơi hộp mù hấp dẫn và bộ dụng cụ bóng nước phục vụ mùa hè, đều có mặt tại các hệ thống bán lẻ lớn như Walmart  và Target. Thành công này không chỉ đưa Nick và Mat Mowbray vào danh sách tỷ phú mà còn mở ra tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ cho đế chế của họ.
Dự kiến, doanh thu của Zuru sẽ đạt 3 tỷ đô la New Zealand (tương đương 1,72 tỷ USD) vào năm 2024, với tốc độ tăng trưởng hàng năm lên đến 30%. Trong đó, đồ chơi chiếm hai phần ba doanh thu, phần còn lại đến từ các khoản đầu tư vào lĩnh vực hàng tiêu dùng khác.
Với chiến lược đột phá thị trường truyền thống và chuỗi cung ứng chi phí thấp, Zuru đang từng bước thách thức vị thế của các "ông lớn" trong ngành đồ chơi như Mattel và Hasbro. Công ty này tập trung vào việc sản xuất các sản phẩm có chất lượng vừa phải nhưng giá thành thấp hơn đáng kể so với đối thủ.
"Họ đã tìm ra công thức để tạo ra sản phẩm với chi phí thấp hơn nhiều so với thị trường", chuyên gia Arpine Kocharyan từ UBS nhận định. Chiến lược này giúp Zuru tăng trưởng theo cấp số nhân, dù vấp phải không ít tranh cãi từ đối thủ cạnh tranh.
Điển hình là vụ kiện đang diễn ra tại tòa án New Zealand, khi Lego cáo buộc Zuru vi phạm nhãn hiệu về tính tương thích của sản phẩm gạch nhựa. Mặc dù thua trong phiên điều trần đầu tiên, Zuru vẫn tiếp tục kháng cáo.
Hiện có trụ sở tại Hồng Kông, Zuru đã mở rộng quy mô lên hơn 5.000 nhân viên tại 30 quốc gia. Công ty không chỉ dừng lại ở mảng đồ chơi mà còn vươn sang các lĩnh vực khác như dầu gội, thức ăn cho chó và tã em bé với các thương hiệu Millie Moon và Rascals - cạnh tranh trực tiếp với Huggies và Pampers.
Tuy nhiên, việc phụ thuộc vào sản xuất tại Trung Quốc có thể trở thành thách thức lớn khi Tổng thống đắc cử Donald Trump cam kết tăng thuế đối với hàng hóa từ nước này. "Thuế quan rõ ràng không có lợi cho chúng tôi", Nick Mowbray, 39 tuổi, CEO của Zuru thừa nhận. "Nhưng chuỗi cung ứng Trung Quốc vẫn không thể thay thế, ngay cả khi có thuế".
Đáng chú ý, trong đại dịch Covid-19, Zuru đã tận dụng cơ hội từ đồng nhân dân tệ suy yếu để mua lại nhiều nhà máy với giá hời. "Chúng tôi quyết định tăng gấp đôi, gấp ba đầu tư vào Trung Quốc", Nick Mowbray khẳng định.
Sau thành công trong ngành đồ chơi, Zuru đang hướng đến một dự án đầy tham vọng: tự động hóa hoàn toàn quy trình sản xuất nhà ở giá rẻ. Công ty đã đầu tư vào nhà máy rộng 10ha tại Trung Quốc và lên kế hoạch thử nghiệm tại Los Angeles vào năm tới.
Trọng tâm của dự án là phần mềm DreamCatcher - công cụ cho phép khách hàng tự thiết kế  nhà với giao diện đơn giản đến mức "trẻ 10 tuổi cũng có thể sử dụng", theo chia sẻ của Nick Mowbray. Phần mềm sẽ tự động chuyển đổi thiết kế thành hướng dẫn chi tiết cho nhà máy.
"Dự án nhà ở này có thể sẽ là thành tựu lớn nhất của chúng tôi", Nick khẳng định. Với quy mô đầu tư lớn, Zuru đang cân nhắc phương án IPO để huy động vốn, đánh dấu bước ngoặt mới sau thời gian dài tự chủ về tài chính kể từ khoản vay khởi nghiệp ban đầu.
Theo BNN
>> Cơn sốt Labubu giúp cổ phiếu Pop Mart tăng vọt 370%, đứng số 1 Trung Quốc