Hạ tầng - Chính sách

Bộ KH&ĐT: Đường sắt cao tốc hơn 67 tỷ USD sẽ đóng góp khoảng 0,97 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP mỗi năm trong quá trình xây dựng

Quốc Chiến 02/10/2024 14:00

Dự án dự kiến có 23 ga hành khách, trung bình mỗi ga cách nhau 67km, được đặt gần các trung tâm kinh tế, chính trị của từng địa phương.

Bộ Giao thông vận tải vừa công bố thông tin dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Theo đó, tuyến đường sắt tốc độ cao này sẽ dài khoảng 1.545km, bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (TP. Hà Nội) và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP. HCM). Đây là tuyến đường đôi, khổ ray 1.435mm với tốc độ tối đa lên tới 350km/h. Tổng mức đầu tư dự kiến cho dự án là 1,7 triệu tỷ đồng (khoảng 67,3 tỷ USD).

Đường sắt Bắc - Nam sẽ đi qua địa phận của 20 tỉnh, thành phố, chủ yếu phục vụ vận chuyển hành khách nhưng cũng đáp ứng nhu cầu quốc phòng và vận chuyển hàng hóa khi cần. Dọc tuyến đường, dự án dự kiến có 23 ga hành khách, trung bình mỗi ga cách nhau 67km, được đặt gần các trung tâm kinh tế, chính trị của từng địa phương.

Một số tỉnh như Hà Tĩnh, Bình Định, Bình Thuận sẽ có 2 ga để đảm bảo tàu chạy với tốc độ tối đa (320km/h) trên 70-80% chiều dài giữa các ga dừng. Đoạn tăng tốc của tàu là khoảng 7,2km còn đoạn giảm tốc khoảng 9,5km.

Dự án dự kiến có 23 ga hành khách, trung bình mỗi ga cách nhau 67km, được đặt gần các trung tâm kinh tế, chính trị của từng địa phương. (Ảnh minh họa)

(TyGiaMoi.com) - Dự án dự kiến có 23 ga hành khách, trung bình mỗi ga cách nhau 67km, được đặt gần các trung tâm kinh tế, chính trị của từng địa phương. (Ảnh minh họa)

Để đáp ứng nhu cầu quốc phòng, an ninh và vận chuyển hàng hóa, trên tuyến đường sẽ có 5 ga hàng đặt tại các trung tâm vận tải lớn.

Ngoài ra, dự án sẽ xây dựng 5 depot phục vụ tập kết, sửa chữa, bảo dưỡng tàu khách (ở TP. Hà Nội, Nghệ An, TP. Đà Nẵng, Khánh Hòa và TP. HCM) và 4 depot bảo dưỡng tàu hàng (tại Hà Tĩnh, Quảng Nam, Khánh Hòa và Đồng Nai).

>> Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT lý giải vì sao tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam không chọn tốc độ 250km/h?

Về vị trí cụ thể của các ga, dự kiến sẽ bao gồm: ga Ngọc Hồi (khu công nghiệp Ngọc Hồi,TP. Hà Nội), ga Phủ Lý (cách trung tâm TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam khoảng 4km), ga Nam Định (cách trung tâm TP. Nam Định khoảng 6km), ga Ninh Bình (khu vực Mai Sơn, TP. Ninh Bình), ga Thanh Hóa (phường Đông Sơn, cách trung tâm thành phố 3-4km) và ga Vinh (tại vị trí hiện tại).

Các ga tiếp theo gồm: Hà Tĩnh, Vũng Ánh (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh), Đồng Hới (Quảng Bình), Đông Hà (Quảng Trị), Huế (phường Xuân Thủy, TP. Huế), Đà Nẵng (phường Hòa Khánh Nam, cách trung tâm TP. Đà Nẵng khoảng 6km). Sau đó là các ga Tam Kỳ (Quảng Nam), Quảng Ngãi, Phù Mỹ (Bình Định), Diêu Trì (Tuy Phước, Bình Định), Tuy Hòa (Phú Yên), Nha Trang (xã Vĩnh Thạnh, Khánh Hòa), Tháp Chàm (Ninh Thuận), Tuy Phong (Bình Thuận), Phan Thiết (Bình Thuận), Long Thành (Đồng Nai) và cuối cùng là ga Thủ Thiêm (quận 2, TP. HCM).

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông vận tải cho biết, dự án sẽ kêu gọi đầu tư vào các khu dịch vụ, thương mại tại các ga và đầu tư phương tiện để khai thác khi cần. Phần phương tiện sau khi đầu tư sẽ giao cho doanh nghiệp khai thác và trả nợ chi phí đầu tư.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), dự án dự kiến sẽ đóng góp khoảng 0,97 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP mỗi năm trong quá trình xây dựng. Nguồn thu từ khai thác quỹ đất tại các khu vực TOD (Transit-Oriented Development) và hoạt động thương mại có thể mang về khoảng 22 tỷ USD, chưa kể doanh thu từ bán vé.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho các địa phương nơi có nhà ga.

>> Chính phủ lý giải về kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng/km cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Cụ thể, tốc độ di chuyển 350km/h sẽ giúp kết nối nhanh chóng các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, giảm khoảng cách địa lý, thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa, dịch vụ và lao động, từ đó thúc đẩy giao thương và hợp tác kinh tế.

Những địa phương có nhà ga sẽ thu hút thêm du khách nhờ khả năng di chuyển nhanh chóng.

Chẳng hạn, các chặng từ Hà Nội đi Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang sẽ chỉ mất lần lượt 1,3 giờ, 2,7 giờ và 4,3 giờ - nhanh hơn nhiều so với các phương tiện hiện tại. Điều này giúp các điểm đến du lịch phát triển, tạo động lực cho ngành dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, bán lẻ.

Đường sắt tốc độ cao còn là yếu tố quan trọng thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp sẽ nhìn thấy lợi thế khi đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu dịch vụ gần các nhà ga, tận dụng sự thuận tiện trong vận chuyển và logistics. Sự hiện diện của tuyến đường sắt này còn góp phần gia tăng giá trị bất động sản xung quanh các nhà ga, tạo cơ hội phát triển đô thị và kinh tế địa phương.

Việc đi lại nhanh giữa các thành phố cũng giúp mở rộng thị trường lao động, cho phép người dân ở các tỉnh xa có thể làm việc tại các trung tâm kinh tế lớn mà vẫn dễ dàng về quê, góp phần giảm áp lực dân số cho các đô thị.

>> Dự án khu dân cư hơn 5.600 tỷ đồng của DIC Group (DIG) đón tin vui

Hé lộ tiêu chí lựa chọn công nghệ xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam hơn 67 tỷ USD

Chính phủ lý giải về kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng/km cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/bo-khdt-duong-sat-cao-toc-hon-67-ty-usd-se-se-dong-gop-khoang-097-diem-phan-tram-vao-tang-truong-gdp-moi-nam-trong-qua-trinh-xay-dung-d134694.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Bộ KH&ĐT: Đường sắt cao tốc hơn 67 tỷ USD sẽ đóng góp khoảng 0,97 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP mỗi năm trong quá trình xây dựng
    POWERED BY ONECMS & INTECH