Vĩ mô

Bộ Nội vụ đề xuất thuê tổ chức độc lập tuyển dụng công chức với số lượng lớn

Nguyễn Thảo 09/04/2025 08:50

Bộ Nội vụ đề xuất ưu tiên hình thức xét tuyển. Đối với cơ quan có chỉ tiêu tuyển dụng ít thì phân cấp cho cơ quan tự tuyển dụng. Đối với cơ quan có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn, nên thuê tổ chức tuyển dụng độc lập.

Sau khi sắp xếp lại các đơn vị hành chính, số tỉnh, thành từ 63 đơn vị dự kiến còn 34 đơn vị, cấp xã từ hơn 10.000 xã dự kiến còn 5.000 xã, cán bộ, công chức cấp tỉnh và huyện có thể được đưa về xã. Trong vòng 5 năm sau khi sắp xếp, các đơn vị hành chính phải tinh giản, thu gọn bộ máy.

Bộ Nội vụ cũng đề xuất thực hiện chế độ công chức thống nhất từ Trung ương đến địa phương, không phân biệt công chức cấp xã với cấp tỉnh.

Chủ trương mới đặt ra vấn đề tuyển dụng, chọn lọc công chức như thế nào để đáp ứng được yêu cầu công việc mới.

Góp ý xây dựng Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Bộ Nội vụ đã tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia về tuyển dụng công chức và đưa ra một số đề xuất.

Ưu tiên hình thức xét tuyển

Theo nghiên cứu của Bộ Nội vụ, trong kỳ thi tuyển công chức, các quốc gia thường không tổ chức thi môn kiến thức chung mà tập trung thi tuyển hoặc phỏng vấn về chuyên môn theo yêu cầu của vị trí việc làm.

Không phải vị trí việc làm nào cũng yêu cầu ngoại ngữ và công chức trong quá trình làm việc phải cam kết sử dụng được ngoại ngữ trong công việc. Nếu không đáp ứng sẽ ảnh hưởng đến kết quả đánh giá công việc của công chức.

W-IMG_6818.jpg
Trong kỳ thi tuyển công chức, các quốc gia thường không tổ chức thi môn kiến thức chung mà tập trung thi tuyển hoặc phỏng vấn về chuyên môn theo yêu cầu của vị trí việc làm. Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng

Về kiến thức chung, trong quá trình tập sự, công chức sẽ được người hướng dẫn truyền đạt và tự tìm hiểu kiến thức về hệ thống chính trị, hành chính và pháp luật. Như vậy, sẽ tiết kiệm chi phí cho cơ quan tuyển dụng và công sức của thí sinh.

Về hình thức thi tuyển, Bộ Nội vụ đề xuất ưu tiên hình thức xét tuyển. Đối với cơ quan có chỉ tiêu tuyển dụng ít thì phân cấp cho cơ quan tự tuyển dụng. Đối với cơ quan có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn, nên thuê tổ chức tuyển dụng độc lập.

Bộ cũng đề xuất bổ sung hình thức tuyển dụng nội bộ: Ưu tiên những người có kinh nghiệm trong khu vực công hoặc những người đang làm việc theo chế độ hợp đồng, tạo động lực thăng tiến trong nền công vụ.

Một số nước như Australia, Thái Lan và Nhật Bản sử dụng danh sách trúng tuyển theo thứ tự ưu tiên - khoảng 5 người có số điểm cao nhất cho một vị trí tuyển dụng. Nếu người đứng vị trí thứ nhất không thể nhận việc do vi phạm quy trình tuyển dụng, bằng cấp hay sức khỏe… thì cơ quan quyết định tuyển dụng người đứng ở vị trí thứ 2.

Những người có điểm số cao nhất này cũng có thể được bổ sung vào các vị trí tương đương trong cơ quan. Như vậy sẽ sử dụng tối đa kết quả tuyển dụng và tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí tổ chức tuyển dụng công chức.

Bộ Nội vụ cho rằng, Việt Nam nên cân nhắc việc sử dụng danh sách 5 thí sinh có số điểm cao nhất theo thứ tự ưu tiên để dự phòng cho các vị trí khuyết.

Ngoài ra, Nhật Bản, Thái Lan… quy định thời gian tập sự, thử việc chỉ từ 3-6 tháng để dành thời gian cho các công tác đào tạo, bổ nhiệm, tính thâm niên cho công chức.

Hiện nay, thời gian tập sự ở Việt Nam là 12 tháng, nếu công chức không vi phạm pháp luật thì đa số công chức được nhận xét và đạt yêu cầu tập sự. Vì vậy, nên cân nhắc việc rút ngắn thời gian tập sự, thử việc để công chức sớm được bổ nhiệm chính thức và thực hiện quy trình sử dụng, quản lý công chức.

Đánh giá công chức: Tránh bình bầu tập thể

Ngoại trừ Trung Quốc có nhiều nét tương đồng với Việt Nam, các quốc gia đánh giá công chức dựa trên hiệu suất làm việc. Kết quả đánh giá là căn cứ để thưởng cũng như đưa ra những biện pháp cải tiến, nâng cao hiệu quả làm việc của công chức. Họ không nặng về đánh giá các tiêu chí khó lượng hóa như chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống. Nếu công chức vi phạm quy tắc đạo đức, ứng xử giao tiếp sẽ bị xử lý kỷ luật…

Phương pháp đánh giá công chức của các quốc gia cũng khác so với Việt Nam. Ở nhiều nước, người có thẩm quyền và công chức ngồi tại một phòng riêng, công chức trình bày kết quả làm việc và tự nhận mức độ hoàn thành công việc. Người có thẩm quyền sẽ đánh giá và đưa ra nhận xét và tìm hiểu lý do tại sao công chức không làm việc hiệu quả như: Sức khỏe, hoàn cảnh gia đình hay thiếu hụt về đào tạo, chuyên môn để đề ra biện pháp hỗ trợ công chức giải quyết vấn đề của họ.

Ở Việt Nam hiện nay, công tác đánh giá nhiều khi mang tính hình thức, nể nang, né tránh và không gắn với đãi ngộ lương, thưởng. Vì vậy, Bộ Nội vụ cho rằng cần xem xét sửa đổi quy định đánh giá, xếp loại kết quả làm việc của cán bộ, công chức theo hướng xây dựng quy trình đánh giá khách quan, minh bạch, thực chất, đảm bảo lượng hóa kết quả thực hiện công việc, tăng quyền hạn cho người sử dụng công chức trong việc đánh giá.

Bộ khuyến khích cách đánh giá 1-1 (trong buổi đánh giá chỉ có người sử dụng và công chức được đánh giá), tránh tình trạng cả cơ quan cùng tham gia đánh giá sẽ gây ra tình trạng nể nang, e ngại, hình thức và không thực chất.

Kết quả đánh giá, xếp loại mức độ hoàn thành công việc của cán bộ, công chức phải là căn cứ duy nhất để thực hiện công tác bổ nhiệm, tăng lương và thưởng cho cán bộ, công chức.

>> Bộ Nội vụ hướng dẫn cách tính chính sách, chế độ với cán bộ, công chức nghỉ hưu sớm

Thay đổi lớn trong tính lương cán bộ, công chức, cụ thể thế nào?

Bộ Nội vụ hướng dẫn cách tính chính sách, chế độ với cán bộ, công chức nghỉ hưu sớm

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/bo-noi-vu-de-xuat-thue-to-chuc-doc-lap-tuyen-dung-cong-chuc-voi-so-luong-lon-2389082.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Bộ Nội vụ đề xuất thuê tổ chức độc lập tuyển dụng công chức với số lượng lớn
    POWERED BY ONECMS & INTECH