Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, giảm thuế chỉ là một trong nhiều giải pháp để hạ nhiệt giá xăng dầu.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định: Hiện nay, nhiệm vụ cấp bách là chống được lạm phát. Việt Nam đang hội nhập kinh tế quốc tế, đồng nghĩa với việc những nguyên liệu phụ thuộc ở nước ngoài chúng ta phải theo dòng chảy, tác động chung như: Thép, phôi thép, xăng dầu…
Chống lạm phát là vấn đề hết sức quan trọng. Về giải pháp, ngoài chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá, quản lý giá… thì vấn đề hết sức quan trọng là phải tăng năng lực sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó là tái cơ cấu, tăng cường sản xuất kinh doanh trong nước.
Có như vậy mới tạo ra được sản phẩm, nâng cao được mức thu nhập của người dân và, doanh nghiệp, qua đó có sức mạnh chống lạm phát.
Với riêng xăng dầu thì có ý kiến cho rằng cần giảm thuế để hạ giá, Bộ trưởng cho rằng giảm thuế để hạ giá xăng dầu là một trong nhiều giải pháp. Muốn giảm giá xăng dầu thì phải thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Theo ông Phớc, các loại thuế chiếm khoảng 28% trong giá xăng đầu, vừa qua đã giảm 50% thuế môi trường. Còn lại là thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, một số thuế khác thì thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
“Giảm thuế là 1 biện pháp mà Bộ Tài chính sẽ cân nhắc để đánh giá tác động và sẽ báo cáo với Chính phủ, Thường vụ Quốc hội và Quốc hội về vấn đề giảm thuế trong giá xăng dầu”, ông Phớc cho biết.
Bên cạnh giải pháp giảm thuế, ông Phớc kiến nghị thắp chặt hơn việc chống buôn lậu xăng dầu khi hiện giá trong nước so với giá Lào chênh nhau 11.000 đồng; giá tại Campuchia, Thái Lan cũng chênh. Một vấn đề nữa là thúc đẩy nguồn cung, làm thế nào để nâng công suất 2 nhà máy Nghi Sơn và Dung Quất.