Bộ Xây dựng đề nghị TP.Hà Nội kiểm tra dự án chung cư tăng giá bất thường
Bộ Xây dựng vừa đề nghị UBND TP. Hà Nội kiểm tra, rà soát hoạt động giao dịch kinh doanh bất động sản, đặc biệt các dự án chung cư có hiện tượng tăng giá bất thường.
Chỉ đạo của Bộ Xây dựng diễn ra trong bối cảnh gần đây, báo chí phản ánh tại một số khu vực, dự án, khu chung cư có căn hộ, nhà ở với mức giá cao bất thường; có hiện tượng thổi giá, làm giá, đầu cơ.
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đề nghị UBND TP. Hà Nội kiểm tra, rà soát hoạt động giao dịch kinh doanh bất động sản trên địa bàn, đặc biệt là tại các dự án, khu chung cư  có hiện tượng tăng giá bất thường.
Đồng thời, có biện pháp chấn chỉnh, xử lý các hành vi thổi giá, làm giá, đầu cơ và các hành vi vi phạm pháp luật kinh doanh bất động sản (nếu có).
UBND TP. Hà Nội cần hoàn thành và gửi báo cáo về Bộ Xây dựng trước ngày 20/4.
TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, tại một hội nghị gần đây đánh giá, nhiều dự án tại Hà Nội ghi nhận đà tăng mạnh, mức tăng thấp nhất cũng lên tới 15%, có dự án tăng hơn 30%. Như chung cư tại Khu đô thị Ciputra (quận Hồ Tây) hiện hơn 100 triệu đồng/m2. Một số tòa mới ở Khu đô thị Smart City (quận Nam Từ Liêm) giá cũng trên 60 triệu đồng/m2, thậm chí hơn 80 triệu đồng/m2.
Phân tích lý do giá chung cư tăng nóng, ông Nghĩa cho rằng, là do cung cầu không còn cân đối, thậm chí đi ngược hướng vì cung liên tục giảm.
Theo PGS. TS Đinh Trọng Thịnh, giá chung cư tại Hà Nội thời gian qua tăng mạnh, lên đến 30-40%. Nhiều chủ đầu tư chuẩn bị ra hàng cũng nâng giá bán. Ông cảnh báo điều này sẽ dẫn đến tình trạng giá chung cư "bong bóng", làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng phân khúc đang diễn ra.
Giá rao bán bất động sản ở hầu hết phân khúc đều bị đẩy lên cao, nhưng trên thực tế, ghi nhận tại một số phòng công chứng ở Hà Nội, giao dịch thực tế không tăng mạnh.
Theo Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, thống kê tại Văn phòng trung tâm hồ sơ giao dịch đảm bảo tăng khoảng hơn 60%. Cụ thể, tháng 3/2023 là 3.317 hồ sơ; tháng 3/2024 là 5.049 hồ sơ. Trong khi đó, hồ sơ đăng ký biến động không tăng. Tháng 3/2023 là 5.050 hồ sơ, tháng 3/2024 là 3.112 hồ sơ.
Trong 5 tháng qua, đăng ký biến động đất đai (gồm mua bán nhà chung cư và thổ cư) trên toàn thành phố không có nhiều biến động, không có sự tăng trưởng đột biến. Biểu đồ: Hồng Khanh
Số liệu từ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Hà Đông cho thấy, trong quý I/2024, tổng số hồ sơ văn phòng tiếp nhận là hơn 7.400 hồ sơ, thấp hơn quý IV/2023 với gần 7.900 hồ sơ. Trong đó, số hồ sơ đăng ký giao dịch đảm bảo và biến động đất đai lần lượt là 3.385 và 3.990 hồ sơ.
Riêng trong tháng 3 vừa qua, từ sau Tết Nguyên đán, giao dịch đảm bảo (xoá chấp) tăng hơn 200%. Tuy nhiên, xét trong hai quý số hồ sơ tiếp nhận không có sự đột biến.
Biểu đồ: Hồng Khanh
Ông Chu Đức Hiền, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Hà Đông đánh giá, vì lãi suất ngân hàng giảm mạnh nên có tình trạng người dân đến để giải chấp, thay đổi ngân hàng để được vay vốn với mức lãi suất ưu đãi hơn. Do đó, lượng hồ sơ giao dịch bảo đảm đăng ký thế chấp và xóa thế chấp tăng cao. Hồ sơ đăng ký biến động không tăng. Từ những con số đăng ký đất đai thời gian qua có thể thấy thị trường bất động sản không có những biến động đột biến.
Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, Bộ Xây dựng cần nhanh chóng cung cấp thông tin khách quan, đầy đủ về tình hình giá nhà chung cư để giảm các thông tin nhầm lẫn và sai lệch. Tăng cường công tác giám sát để ngăn chặn các hành vi thao túng thị trường, đảm bảo sự công bằng.