Bùng nợ tăng cao, cho vay tiêu dùng qua thời "gà đẻ trứng vàng"?
Nhiều công ty tài chính gặp khó khăn, phải thu hẹp quy mô hoạt động, nợ xấu tăng nhanh.
Theo số liệu mới nhất từ Ngân hàng nhà nước, đến cuối tháng 7/2023, dư nợ  cho vay phục vụ đời sống tiêu dùng mới tăng 2,93% so với cuối năm ngoái, đạt hơn 2,6 triệu tỷ đồng. Nếu so sánh với mức tăng 22% của cả năm 2022, thì con số 2,93% của 7 tháng đầu năm nay là quá khiêm tốn.
Có rất nhiều nguyên nhân, khách quan thì do khó khăn chung của nền kinh tế, khiến nhu cầu vay vốn mua sắm, tiêu dùng của người dân suy giảm. Nhưng có một nguyên nhân được nhiều công ty tài chính  đánh giá là nhân tố mới, tác động trực tiếp tới hoạt động của họ, là việc tràn lan các hội nhóm rủ nhau bùng nợ vay tiêu dùng.
Theo ghi nhận, chỉ cần tìm kiếm với từ khóa "bùng nợ" trên các mạng xã hội lập tức sẽ có hơn 100 group hiện ra. Đáng nói, những hội này lại có lượng thành viên tham gia cực khủng. Cụ thể, hội "Chuyên tư vấn bùng nợ - xóa nợ xấu" có tới 132.000 thành viên, "Hội bùng app vay tiền và cách đối phó" tới 107.000 thành viên.
Theo dõi các nhóm này, mỗi ngày có hơn chục bài đăng với nhiều nội dung như hỏi cách "bùng nợ", hướng dẫn chiêu quỵt nợ các app cho vay... và dưới mỗi bài đăng đều có hàng trăm lượt thích (like), tương tác (comment) bày tỏ sự tán thành, biểu dương và góp thêm cách để việc xù nợ được dễ dàng mà không bị phát hiện.
Chịu ảnh hưởng lớn nhất từ làn sóng bùng nợ chính là các công ty cho vay tài chính, các ngân hàng và tổ chức tính dụng… Đặc biệt, khi hoạt động thu hồi nợ bị siết chặt quản lý, người vay vốn càng chây ỳ, càng bùng nhiều hơn. Nhiều người từ chối cuộc gọi nhắc nợ, thậm chí quay lại đe dọa và hành hung nhân viên thu hồi nợ.
Theo Hiệp hội Ngân hàng, việc khách hàng chậm trả nợ khiến cho các công ty tài chính tiêu dùng phải tăng chi phí cho hoạt động nhắc nợ, đòi nợ bao gồm vận hành, nhân lực và chi phí pháp lý.
"Việc bùng nợ như vậy tạo ra cái sự xáo trộn trong hệ thống tài chính tiền tệ, làm cho việc đòi nợ, bán nợ, mua nợ và các cái hình thức khác, thậm chí có thể có cả những hình thức đòi nợ dưới dạng xã hội đen xuất hiện. Việc này sẽ gây nên cái sự xáo trộn cho xã hội và ảnh hưởng tới an ninh trật tự xã hội", PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia Tài chính, Hiệp hội Tư vân Tài chính Việt Nam, nhìn nhận.
"Cho vay thông qua phương tiện điện tử để người dân tiếp cận vốn tốt hơn, nhưng lỗ hổng quan trọng ở đây là lỗ hổng quyền của chủ nợ. Nếu như chúng ta không có những quy định cứng rắn hơn về quyền đòi nợ, chúng ta sẽ không được hưởng những tiện ích tốt nhất của kênh cho vay tiêu dùng", ông Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, cho biết.