Bước đi mới vào thương mại điện tử của TikTok
Không chỉ là nơi để các thương hiệu trả một khoản hoa hồng nhỏ khi bán sản phẩm trên nền tảng, bước đi mới của TikTok sẽ mang ý nghĩa rất khác...
Theo tờ Wall Street Journal, TikTok đang có bước chạy đà cần thiết, chuẩn bị tham gia cùng những “gã khổng lồ” Trung Quốc như là Shein và Temu để tranh giành thị phần trên thị trường thương mại điện tử toàn cầu. Nền tảng chia sẻ video dạng ngắn đang chuẩn bị tung ra một chương trình giúp các thương nhân Trung Quốc bán hàng hóa sang Mỹ và hơn thế nữa.
Cũng giống như chương trình “Được bán bởi Amazon” của Amazon, TikTok sẽ cung cấp một loạt dịch vụ cho người bán, bao gồm lưu trữ, tiếp thị, giao dịch và hậu cần, theo Semafor, trang tin tức được thành lập vào năm 2022 bởi Ben Smith, cựu tổng biên tập của BuzzFeed News và người phụ trách chuyên mục truyền thông tại The New York Times, Justin B. Smith.
Theo báo cáo của WSJ, chương trình này dự kiến sẽ được ra mắt chính thức vào tháng 8, đồng thời cho biết thêm rằng nó đã được thử nghiệm ở Anh. Đầu tháng 6, TikTok đã xác nhận một phần mua sắm “Trendy Beat” trong ứng dụng mới, nơi cung cấp các sản phẩm để bán được vận chuyển và bán bởi một công ty con của ByteDance, đã có mặt ở Vương quốc Anh. Vào ngày 30 tháng 5, công ty đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cho “Trendy Beat” tại Mỹ.
Có gì mới so với TikTok Shop?
Cũng theo WSJ, chương trình mới này có tính năng khác biệt với tính năng “Shop” mà TikTok đã chạy ở Mỹ, Vương quốc Anh và Châu Á, bao gồm cả Việt Nam.
Tính năng “Shop” trước đây nhằm mục đích tái tạo ngành công nghiệp mua sắm trực tiếp trị giá 400 tỷ USD của Trung Quốc bên ngoài đại lục. Các thương hiệu chỉ trả một khoản hoa hồng nhỏ để bán sản phẩm của họ trên nền tảng thông qua việc livestreams, giúp tiếp xúc với các doanh nghiệp địa phương.
Tuy nhiên, các giao dịch của TikTok Shop lại không thực sự mang lại nhiều tiền cho TikTok. Người bán lưu trữ các chương trình phát sóng mua sắm trên nền tảng, nhưng cuối cùng người tiêu dùng cần kiểm tra thông qua trang web của các thương hiệu và đối tác vận chuyển bên thứ ba thực hiện các đơn đặt hàng.
Nhưng, đối với dự án thương mại điện tử mới, TikTok sẽ mua hàng tồn kho và vận hành mạng lưới hậu cần của riêng mình. Điều này có nghĩa là họ sẽ thực sự kinh doanh trong không gian thương mại điện tử, giống như các nền tảng khác bao gồm Amazon, Shein hay là Temu.
Hướng đi toàn cầu của TikTok?
Trên thực tế, TikTok được khởi nguồn từ Trung Quốc nhưng ngày nay họ đang tự coi mình là một công ty toàn cầu. Công ty mẹ ByteDance của nó đã chuyển trụ sở chính đến Singapore như một phần trong chiến lược tách mình ra khỏi quốc gia xuất xứ khi căng thẳng Mỹ - Trung gia tăng.
Giám đốc điều hành TikTok Shou Chew cũng là người Singapore thế hệ thứ ba và hơn 60% cổ phần của công ty thuộc sở hữu của các nhà đầu tư tổ chức toàn cầu như Carlyle Group, General Atlantic và Susquehanna International Group.
Tương tự như vậy, chương trình mới không chỉ nhằm phục vụ doanh nghiệp Trung Quốc mà còn phục vụ các thương gia trên toàn cầu. Các doanh nghiệp Trung Quốc có thể sẽ là điểm khởi đầu của chương trình, do có quá nhiều thương nhân và các quy tắc xuất khẩu vững chắc, cũng như khả năng khai thác các kẽ hở trong luật nhập khẩu của Hoa Kỳ và tránh thuế quan cao.
Theo các nhà phân tích, TikTok đang có hàng tỷ lý do để ra mắt thương mại điện tử. “Lợi thế của TikTok so với các nền tảng ngang hàng T (Temu) và S (Shein) là chúng tôi có một tỷ người dùng hoạt động hàng tháng trên toàn cầu”, người phát ngôn của TikTok đã trích dẫn trong WSJ.
Có một điều đáng chú ý, việc TikTok tiến vào không gian thương mại điện tử xã hội chỉ diễn ra vài tháng sau khi một “gã khổng lồ” khác của Mỹ rút lui khỏi lĩnh vực này. Vào tháng 1 năm nay, Instagram thuộc sở hữu của Meta đã loại bỏ tab cửa hàng khỏi bố cục trang chủ của nó. Hai tháng sau, nền tảng này đã khai tử tính năng mua sắm trực tiếp và thay vào đó hướng tài nguyên đến quảng cáo truyền thống.
Tổng thống Trump ra tay, liệu TikTok có được cứu? 
Dân mạng ngỡ ngàng trước 'báu vật vườn nhà' xưa nay hiếm, bám tường trổ quả như mưa