Mỹ áp thuế đối ứng 46%: Kinh tế TP.HCM ứng phó thế nào?
Sáng 9/4, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Được chủ trì hội thảo về kịch bản tăng trưởng kinh tế của thành phố trước tác động từ chính sách thuế quan mới của Mỹ.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho biết, Mỹ là thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nổi bật là các mặt hàng điện, điện tử, gỗ, dệt may, da giày… Cán cân thương mại chỉ ra rõ, TP.HCM có thặng dư thương mại rất cao đối với các đối tác của thị trường Mỹ, xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu.
Ông Vũ cho biết thêm, nếu áp dụng chính sách thuế quan của Mỹ sẽ gây nhiều ảnh hưởng chung như làm giảm xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ. Nhiều quốc gia phản ứng và sau đó nhận được mức thuế cao hơn. Do đó, nếu “đánh qua đánh lại” sẽ xảy ra các cuộc “thương chiến” làm suy thoái kinh tế khu vực và thế giới.
Bên cạnh đó, còn làm ảnh hưởng đến dòng FDI sản xuất đang dịch chuyển vào Việt Nam; tỷ giá chịu thêm sức ép do Việt Nam tăng cường nhập khẩu từ Mỹ để thu hẹp thặng dư thương mại với nước này.
Từ đó, ông Vũ đưa ra 3 kịch bản về tăng trưởng tương ứng với các mức thuế từ Mỹ gồm: Kịch bản tăng trưởng thấp – bi quan nhất nếu Mỹ giữ nguyên chính sách thuế 46%; kịch bản tăng trưởng trung bình nếu Việt Nam đàm phán được một phần, giảm mức thuế còn 20-30%; kịch bản tăng trưởng tốt - lạc quan nhất nếu mức thuế còn 10-15%.
Ông Vũ cho biết, tương ứng với 3 kịch bản trên, GDP dự kiến giảm 2-2,5%; 1,6-1,9% và 1-1,3%.
![]() |
Toàn cảnh hội thảo về kịch bản tăng trưởng TP.HCM trước chính sách thuế đối ứng của Mỹ - Ảnh: NGUYÊN VŨ |
Riêng TP.HCM, nếu áp thuế 46% thì tăng trưởng kinh tế thành phố năm 2025 khoảng 4,63-5,75%; nếu áp thuế 25% thì thành phố tăng trưởng 6,23–7,35% và nếu áp thuế 15% thì thành phố tăng trưởng 7,37-8,49%.
Từ đó, ông Vũ đề xuất 7 nhóm giải pháp gồm: Thúc đẩy xuất nhập khẩu; đầu tư công, tăng trưởng khả năng hấp thụ vốn đầu tư; thúc đẩy chi tiêu công, kích cầu tiêu dùng, du lịch và bình ổn thị trường; cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; thúc đẩy dự án phục vụ an sinh xã hội; thúc đẩy động lực tăng trưởng mới; thúc đẩy ngoại giao kinh tế, đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Tại phiên họp về tình hình, kết quả kinh tế - xã hội quý I; nhiệm vụ và giải pháp quý II/2025 diễn ra vào chiều 2/4, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết trong quý I/2025, kinh tế TP.HCM tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng hơn 7,5% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2020 đến nay.
Xuất khẩu hàng hóa đạt khoảng 11,7 tỷ USD (tăng 5,55%), nhập khẩu khoảng 15,6 tỷ USD (tăng 15%). “Mặc dù nhập khẩu tăng nhanh hơn nhưng nhiều doanh nghiệp đã nhận đủ đơn hàng xuất khẩu đến hết quý 2, thể hiện tín hiệu tích cực cho những tháng tới”, Sở Tài chính Thành phố cho biết.
Phát biểu tại phiên họp, TS. Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho biết, mức tăng trưởng 7,51% là tốt nhưng chưa đạt so với mục tiêu năm nay của TP.HCM.
Bên cạnh đó, ông Vũ cho biết, với quy mô GRDP 1,7 triệu tỷ đồng hiện nay, nếu TP.HCM muốn tăng trưởng đột biến trong ngắn hạn thì buộc phải tăng tổng cầu và dồn lực đầu tư.
Cụ thể, ông Vũ nhấn mạnh cần thúc đẩy đầu tư tư nhân bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Bên cạnh đó, tăng trưởng của TP.HCM cần gắn rất chặt với tăng trưởng toàn vùng Đông Nam Bộ, do đó cần tăng cường liên kết vùng để thúc đẩy động lực tăng trưởng.
Ngoài ra, ông Vũ kiến nghị TP.HCM khoán tăng trưởng cho cả các doanh nghiệp tư nhân, có thể thông qua cách làm tương tự như khi Thủ tướng đặt hàng các tập đoàn, doanh nghiệp lớn tham gia các dự án lớn của quốc gia.
>>Việt Nam sẽ tăng trưởng ra sao năm 2025? Dự báo mới nhất từ ADB
Mỹ áp thuế đối ứng 46%: Đầu tư gì để không lỗ?
Thủ tướng đề nghị Mỹ hoãn áp thuế với Việt Nam ít nhất 45 ngày