Bước thụt lùi của Nhật Bản: Sức mua của đồng yên giảm 1/3 so với 30 năm trước
Sự suy giảm của đồng yên khiến việc mua hàng hóa từ nước ngoài trở nên đắt đỏ hơn, tạo áp lực lớn lên chi tiêu của các hộ gia đình và nền kinh tế Nhật Bản.
Những phiên gần đây, đồng yên đã rớt giá xuống mức thấp nhất kể từ năm 1986. Tình thế vô vọng khiến chính phủ Nhật Bản phải quyết định thay thế các nhà lãnh đạo có liên quan.
Chi phí sống trung bình cho mỗi hộ gia đình ở Nhật Bản năm nay sẽ tăng 90.000 yên (560 USD) so với 2023 |
Ngày 28/6, Bộ Tài chính Nhật Bản thông báo bổ nhiệm ông Atsushi Mimura, sẽ trở thành Thứ trưởng phụ trách vấn đề tiền tệ quốc tế từ ngày 31/7, thay thế ông Masato Kanda, người được coi là nhà ngoại giao tiền tệ hàng đầu Nhật Bản, hiện đang đảm nhận vai trò dẫn dắt các nỗ lực kiểm soát đà giảm giá đồng nội tệ.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng động thái này ít có tác động trực tiếp đến xu hướng thị trường. Đà sụt giảm của đồng yên liên quan nhiều hơn đến các đợt mua vào USD của các công ty nhập khẩu và các nhà đầu tư. Thậm chí, khi đồng USD tăng giá, làn sóng mua vào USD và bán ra yên đã ảnh hưởng tới tỷ giá. Yên đã giảm xuống mức 172 yên/ euro vào 28/6, phá vỡ mức thấp kỷ lục được thiết lập vào cuối tháng 4. Yên cũng ở mức thấp nhất so với đô la Úc kể từ năm 2007.
Sự suy giảm rộng khắp của đồng yên đã làm tăng chi phí mua hàng hóa từ nước ngoài, như thực phẩm và năng lượng. Theo Saisuke Sakai, nhà kinh tế trưởng của Mizuho Research & Technologies, nếu đồng yên duy trì ở mức 160 yên đổi 1 USD, gánh nặng chi phí trung bình cho mỗi hộ gia đình sẽ tăng 90.000 yên (560 USD) so với năm ngoái, ngay cả khi có các biện pháp đối phó với tình trạng giá cả tăng cao.
Bên cạnh đó, nếu các hộ gia đình thắt chặt chi tiêu , mức tiêu thụ có thể bị ảnh hưởng. Thủ tướng Fumio Kishida đã cam kết cung cấp thêm trợ cấp điện và khí đốt từ tháng 8 đến tháng 10 để giảm bớt tác động của lạm phát. Tuy nhiên, sức mua suy giảm đã làm Nhật Bản mất cơ hội mua một số mặt hàng quan trọng vào tay các người mua từ các thị trường khác.
Việc nhập khẩu thịt từ Hoa Kỳ, thành phần chính trong món thịt bò gyudon phổ biến tại Nhật Bản, đã trở nên khó khăn hơn. Giá thịt từ các nhà sản xuất Hoa Kỳ đã tăng 30% trong một năm do sản lượng giảm, và các nhà nhập khẩu Nhật Bản không thể theo kịp, một phần do chi phí tăng do đồng yên yếu.
Thực phẩm nhập khẩu như thịt bò Mỹ dùng cho món gyudon (ở giữa) đang trở nên đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng Nhật Bản |
"Các quốc gia khác đang thâu tóm những gì chúng ta không thể mua", một đại diện phụ trách ngành chăn nuôi  của Sojitz Foods cho biết. Lượng thịt bò nhập khẩu từ Hoa Kỳ trong tháng 1 đến tháng 4 đã giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sự suy giảm sức mua được phản ánh trong tỷ giá hối đoái thực tế có hiệu lực, bao gồm tỷ giá hối đoái trung bình của đồng yên so với các loại tiền tệ khác cũng như lạm phát ở Nhật Bản và các nền kinh tế khác.
Tỷ giá này, được Ngân hàng Thanh toán Quốc tế biên soạn và công bố, cho thấy tỷ giá hối đoái thực tế của đồng yên vào tháng 5 gần đạt mức thấp nhất từ trước đến nay và chỉ bằng một phần ba so với đỉnh điểm vào tháng 4/1995. Đồng yên yếu bị cản trở bởi khoảng cách lãi suất của Nhật Bản và lạm phát thấp hơn so với các đối tác thương mại lớn.
Chỉ số giá nhập khẩu tháng 5 tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước theo đồng yên, trong khi giảm 3% theo hợp đồng tiền tệ, theo dữ liệu từ Chỉ số giá hàng hóa doanh nghiệp của Ngân hàng Nhật Bản. Đà sụt giảm của đồng yên đã làm tăng đáng kể chi phí nhập khẩu, khiến các công ty không thể hưởng lợi từ việc giá quốc tế giảm.
Tỷ giá hối đoái thực tế giảm sẽ hỗ trợ khả năng cạnh tranh xuất khẩu trong nước, nhưng nền kinh tế Nhật Bản không được hưởng lợi nhiều từ việc thúc đẩy xuất khẩu, một phần vì nhiều nhà sản xuất lớn đã chuyển dây chuyền sản xuất ra nước ngoài.
Theo Asia Nikkei
>> Reuters: BoJ sẽ giảm mua gần 100 tỷ USD trái phiếu trong năm đầu tiên thắt chặt định lượng