BYD vượt Tesla về doanh thu lần đầu tiên trong lịch sử
Trong bối cảnh nhu cầu xe điện hoàn toàn giảm, BYD giữ vững lợi thế cạnh tranh nhờ chuỗi cung ứng tự chủ và các khoản trợ cấp từ Chính phủ.
Hãng xe điện Trung Quốc BYD đã ghi thêm một chiến thắng nữa trước Tesla vào ngày 30/10, sau khi công bố doanh thu hàng quý vượt qua nhà sản xuất ô tô của Elon Musk lần đầu tiên kể từ khi cả 2 bắt đầu cạnh tranh trực tiếp trong thị trường xe điện  toàn cầu.
Doanh thu của hãng xe bán chạy nhất Trung Quốc đã tăng vọt 24% lên 201,1 tỷ NDT (28,2 tỷ USD) trong quý III/2024, thấp hơn ước tính nhưng vẫn vượt doanh số 25,2 tỷ USD của Tesla  trong cùng kỳ.
Lợi nhuận ròng của BYD tăng 11,5% lên mức kỷ lục 11,6 tỷ NDT, vượt dự báo và đạt biên lợi nhuận gộp 21,9%. Tuy nhiên, lợi nhuận của công ty vẫn bị lu mờ trước 2,2 tỷ USD mà Tesla kiếm được.
Trong 9 tháng đầu năm, BYD có lợi nhuận ròng là 25,2 tỷ NDT với doanh thu 502,3 tỷ NDT.
BYD và Tesla đã nổi lên như 2 mối đe dọa hàng đầu đối với các nhà sản xuất ô tô truyền thống, đặc biệt là khi Volkswagen, Ford, Stellantis và General Motors đang vật lộn trong việc chuyển đổi sang xe điện có lãi.
Khi nhu cầu tiêu dùng đối với xe điện hoàn toàn suy yếu, BYD được đánh giá có lợi thế hơn Tesla nhờ vào dòng xe hybrid mạnh mẽ.
Xe hybrid là một yếu tố chính góp phần vào doanh thu của BYD, với một số mẫu xe được nâng cấp hệ truyền động có khả năng đi được hơn 2.000km.
Một lợi thế khác của BYD là chuỗi cung ứng tích hợp theo chiều dọc, cho phép sản xuất nhiều bộ phận trong nội bộ và tạo ra lợi thế về chi phí cũng như quy mô để sản xuất xe rẻ hơn.
Trong khi đó, Tesla lại có dòng xe thuần điện hạn chế và ngày càng lỗi thời. Công ty Mỹ này hiện đang tập trung hơn vào việc tăng cường sản xuất dòng Cybertruck và mở rộng hệ thống tự động hóa bán phần mang tên Full Self-Driving.
Tiềm năng AI của Tesla cùng với vị thế dẫn đầu về doanh số bán xe thuần điện đã giúp hãng củng cố vị trí là nhà sản xuất ô tô giá trị nhất thế giới. BYD đứng thứ ba, sau Toyota Motor nhưng xếp trước VW, Mercedes và ba “ông lớn” xe hơi tại Detroit.
Hãng xe cũng được hưởng lợi từ nhu cầu trong nước phục hồi ở Trung Quốc, nhờ vào các khoản trợ cấp của chính quyền địa phương và quốc gia nhằm thu hút người tiêu dùng đổi xe xăng sang xe điện và xe hybrid.
Doanh số bán trong nước đã giúp BYD giảm bớt tác động từ sự phản đối của thị trường nước ngoài đối với việc mở rộng của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc.
Tuần này, Liên minh châu Âu đã áp dụng mức thuế quan cao hơn, đạt đỉnh 45% đối với xe điện Trung Quốc, làm gia tăng căng thẳng thương mại giữa các cường quốc xuất khẩu hàng đầu thế giới.
Hiện tại, BYD đang trên đà hoàn thành mục tiêu doanh số cả năm là 4 triệu xe, với khoảng 2,74 triệu xe đã bán ra tính đến tháng 9. Citibank ước tính BYD có thể bán được tới 500.000 xe/tháng vào tháng 11.
Cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông của BYD đóng cửa giảm 0,7% vào ngày 30/10, cắt giảm mức tăng trong năm xuống còn 38%. Cổ phiếu của Tesla tăng 4,4% trong năm nay.
>> BYD bất ngờ vươn lên trở thành tập đoàn ô tô lớn nhất Trung Quốc, dẫn đầu cuộc cách mạng xe xanh