Cả 3 thành phần đều suy yếu, muốn tăng trưởng cao và bền vững phải thúc đẩy tổng cầu

22-04-2024 09:46|Khúc Văn

Năm 2023 sự suy giảm tổng cầu khiến tăng trưởng của Việt Nam khó khăn nhất trong 10 năm vừa qua.

Tổng cầu suy giảm do đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng đều suy yếu

Bình luận về tổng cầu cho nền kinh tế, GS TS. Tô Trung Thành, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, năm 2023 sự suy giảm tổng cầu khiến tăng trưởng của Việt Nam khó khăn nhất trong 10 năm vừa qua, trừ hai năm chịu tác động của dịch COVID-19.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng sự sụt giảm mạnh từ phía tổng cầu khiến nền kinh tế Việt Nam khó khăn, do cả ba thành phần là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng đều suy yếu.

Cả 3 thành phần đều suy yếu, muốn tăng trưởng cao và bền vững phải thúc đẩy tổng cầu

Cụ thể, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong năm 2023 theo giá hiện hành chỉ tăng 6,2% so với năm trước (năm 2022 tăng 11,2%). Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước năm 2023 chỉ đạt 85,3% kế hoạch năm và tăng 21,2% so với năm trước.

Vốn thực hiện từ khu vực ngoài Nhà nước chỉ tăng 2,7%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 8,9% trong năm 2022. Tương tự, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam năm 2023 chỉ tăng 5,4% (năm 2022 tăng 13,9%).

>>TS. Lê Quốc Phương: “Triển vọng phục hồi xuất khẩu của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào tổng cầu thế giới"

Trong khi đó, động lực chi tiêu cũng có xu hướng suy giảm. Tính chung năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 9,6% so với mức tăng 20% của năm 2022; thu nhập của người dân giảm sút dẫn đến cầu tiêu dùng hàng hóa giảm.

Số liệu của năm 2023 cho thấy, tiêu dùng cuối cùng chỉ tăng 3,52% so với năm trước (năm 2022 tăng 7,09%). Về dịch vụ du lịch, mặc dù đã có nỗ lực trong việc thu hút khách quốc tế quay trở lại Việt Nam, trong năm 2023, lượt khách quốc tế ước đạt 12,6 triệu người, gấp 3,4 lần năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 70% so với năm 2019 là năm chưa xảy ra dịch Covid-19. “Về thương mại quốc tế, những vấn đề liên quan đến tài chính ở Châu Âu và Mỹ như nợ công và lãi suất tăng cao đã góp phần kìm hãm nền kinh tế và giảm tổng cầu thế giới và tác động không nhỏ tới các nước có chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu như Việt Nam”, ông Hiển nêu rõ.

Tính chung năm 2023, kim ngạch xuất và nhập khẩu đều giảm mạnh so với năm trước, lần lượt giảm 4,4% và 8,9% do nhu cầu từ các thị trường chính của Việt Nam như Mỹ, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên minh Châu Âu (EU) và một số quốc gia Đông Á đều giảm.

Lượng xuất khẩu tới thị trường Mỹ giảm mạnh nhất ở mức 11,6%, lượng nhập khẩu từ Hàn Quốc chứng kiến mức giảm 15,5% lớn nhất trong các thị trường chính. Điều này khiến cho sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Việt Nam giảm mạnh so với năm 2022.

Để đạt mục tiêu tăng trưởng phải thúc đẩy tổng cầu

Từ thực tế trên, các chuyên gia cho rằng việc thúc đẩy tổng cầu là chìa khoá để thúc đẩy nền kinh tế quay trở lại mức tăng trưởng cao và bền vững trong thời gian tới.

>>Giảm 2% thuế VAT: “Liều doping” kích thích tổng cầu, khơi thông tắc nghẽn cho doanh nghiệp

Dự báo tăng trưởng kinh tế do các tổ chức quốc tế đưa ra ở mức 5,5-6,0%, thấp hơn so với kế hoạch 6,0-6,5% do Quốc hội đề ra. Nhìn chung, kinh tế Việt Nam sẽ đối diện với nhiều tác động bất ổn, khó lường và tiêu cực từ kinh tế thế giới.

Từ thực tế đó, khuyến nghị chính sách để đạt mục tiêu tăng trưởng cao ngay trong năm 2024, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ sẽ phải dựa chủ yếu vào các chính sách thúc đẩy tổng cầu. Đầu tư tư nhân về cơ bản khó tăng mạnh do khó khăn của khu vực doanh nghiệp nên việc gia tăng giải ngân và chất lượng vốn đầu tư công đóng vai trò then chốt.

“Nền kinh tế về dài hạn không thể trông chờ vào đầu tư công, cần có giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, khơi thông lại nguồn lực đầu tư tư nhân trở thành động lực tăng trưởng chính và quan trọng nhất. Chính sách tiền tệ cần đẩy mạnh hơn nữa trong việc cải thiện thủ tục để tăng cường khả năng tiếp cận vốn đối với khu vực đầu tư tư nhân”, ông Thành khuyến nghị.

Về tiêu dùng cần gia tăng trợ cấp an sinh xã hội cho người nghèo, người bị mất việc làm ở cả khu vực chính thức và phi chính thức; Nâng mức thu nhập chịu thuế và giảm thuế suất thu nhập cá nhân; Giảm VAT hàng thiết yếu nội địa để tăng nhu cầu chi tiêu và tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương nhằm kích thích tiêu dùng, góp phần tăng tổng cầu.

Theo ông Thành, nếu chúng ta quản lý tốt được tổng cầu thì vẫn có thể đạt mức tăng trưởng cao mà không gây ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô.

>>60% tăng trưởng kinh tế toàn cầu chủ yếu do hai quốc gia châu Á này thúc đẩy

Thị trường bao bì giấy ước đạt 2,6 tỷ USD, thuộc nhóm ngành tăng trưởng nhanh nhất tại Việt Nam

60% tăng trưởng kinh tế toàn cầu chủ yếu do hai quốc gia châu Á này thúc đẩy

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ca-3-thanh-phan-deu-suy-yeu-muon-tang-truong-cao-va-ben-vung-phai-thuc-day-tong-cau-231663.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Cả 3 thành phần đều suy yếu, muốn tăng trưởng cao và bền vững phải thúc đẩy tổng cầu
    POWERED BY ONECMS & INTECH