Vĩ mô

TS. Lê Quốc Phương: “Triển vọng phục hồi xuất khẩu của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào tổng cầu thế giới"

Khúc Văn 16/01/2024 - 00:14

Chuyên gia cho rằng xuất khẩu năm 2024 của Việt Nam dự kiến tăng hơn 21,5 tỷ USD so với năm 2023, tuy nhiên, tất cả mọi thứ sẽ phụ thuộc vào tổng cầu thế giới.

Trong năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm. Nhiều quốc gia, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam tăng trưởng chậm lại.

Lạm phát đã hạ nhiệt, song vẫn neo ở mức cao dẫn đến nhiều nền kinh tế lớn duy trì chính sách tiền tệthắt chặt, lãi suất cao, nhu cầu suy giảm, tác động trực tiếp tới các quốc gia có độ mở kinh tế lớn, trong đó có Việt Nam.

>>Khủng hoảng ở Biển Đỏ có thể phá tan hi vọng phục hồi kinh tế toàn cầu

2023 là năm khó khăn hiếm có của thương mại hàng hóa

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 683 tỷ USD, giảm 7% so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 355,5 tỷ USD, giảm 4% so với năm 2022, nhập khẩu khoảng 327,5 tỷ USD, giảm 9%.

Nhận định về vấn đề này, TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp - Thương mại (Bộ Công Thương)cho biết, Việt Nam cũng không nằm ngoài vòng xoáy của lạm phát cao và suy thoái kinh tế toàn cầu. Theo đó,2023 là năm khó khăn hiếm có của thương mại hàng hóa dẫn đến đơn hàng giảm, xuất khẩu đi xuống cả về lượng và giá.

TS. Lê Quốc Phương: “Triển vọng phục hồi xuất khẩu của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào tổng cầu thế giới
TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp - Thương mại (Bộ Công Thương).

Nhìn lại về lịch sử, đây là năm thứ hai kể từ năm 1986, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam giảm mạnh. Trước đó, đợt giảm đầu tiên diễn ra vào năm 2009, sau khủng hoảng tài chính toàn cầu. Điều này cho thấy tác động của kinh tế thế giới đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Lí do ông Phương cho rằng, bởi kinh tế Việt Nam có độ mở hơn 200%, chúng ta đã ký 16 hiệp định thương mại (FTA) với khoảng 60 nền kinh tế lớn trên thế giới, giao thương với 240 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện được xem là cường quốc xuất khẩu trên thế giới, đứng thứ 20 về kim ngạch xuất khẩu. Khi kinh tế thế giới phát triển thì chúng ta được lợi, còn khi kinh tế khó khăn thì chúng ta chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Đánh giá về con số kỷ lục xuất siêu 28 tỷ USD năm 2023, theo TS. Lê Quốc Phương, đối với nhiều nước, nhập khẩu giảm là điều tốt, tuy nhiên với Việt Nam thì không hẳn như vậy.

“Bản chất, Việt Nam vẫn là nền kinh tế gia công, lắp ráp, đặc biệt là những ngành như điện tử, dệt may, da giày, ô tô,… Do đó, chúng ta cần nhập khẩu nguyên liệu, máy móc để sản xuất, xuất khẩu”, ông Phương cho hay.

Thêm với đó, trong năm ngoái, nhiều doanh nghiệp cũng gặp khó khăn, thiếu đơn hàng, điều này khiến sản xuất kinh doanh chậm nhịp, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa đi xuống. Chính vì nhập khẩu giảm sâu, chúng ta mới có con số xuất siêu cao kỷ lục.

>>Doanh nhân Việt vượt khó, đại gia ngoại đổ tiền: Kinh tế trên đà phục hồi

Tất cả mọi thứ sẽ phụ thuộc vào tổng cầu thế giới

Quay trở lại với vấn đề triển vọng phục hồi xuất khẩu, theo TS. Lê Quốc Phương, điều chúng ta đang kỳ vọng hiện tại là lạm phát toàn cầu sẽ hạ nhiệt, từ đó các quốc gia, đặc biệt là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam sẽ có động thái giảm lãi suất điều hành, kích thích đầu tư, sản xuất kinh doanh. Mặt khác, khi lãi suất cao, mọi thứ dường như “đứng lại”, không thể làm ăn, kinh doanh được.

TS. Lê Quốc Phương: “Triển vọng phục hồi xuất khẩu của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào tổng cầu thế giới
Xuất khẩu năm 2024 của Việt Nam dự kiến tăng hơn 21,5 tỷ USD so với năm 2023

Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã có đơn hàng trở lại, tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, số đơn hàng này chủ yếu do tồn kho ở các thị trường cạn dần, chứ không phải nội lực từ tổng cầu thế giới.

Tổng cầu chỉ tăng khi lãi suất giảm, đầu tư và tiêu dùng khởi sắc. Mà theo ông Phương dự đoán, ít nhất phải qua quý I năm nay lãi suất mới giảm dần, tùy từng khu vực, quốc gia sẽ có sự điều chỉnh sớm hoặc muộn. Các nước thận trọng trong việc điều chính lãi suất bởi họ vẫn lo ngại lạm phát sẽ quay trở lại.

Trong trường hợp tổng cầu phục hồi, có thể Việt Nam sẽ nhập siêu trở lại thì theo ông Phương, đây cũngkhông phải là điều quá đáng ngại. Bởi, kinh tế nước ta là nền kinh tế mở, gia công xuất khẩu, do vậy các doanh nghiệp vẫn phải nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu cho sản xuất.

Minh chứng, trong giai đoạn từ 2012 đến nay, xu thế xuất siêu đang chiếm ưu thế, chúng ta chỉ nhập siêu không đáng kể vào năm 2015. Xuất siêu của Việt Nam hiện vẫn đến từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nên xu hướng này sẽ tương đối bền vững.

Ngoài ra, chuyên gia cũng dự báo, xuất khẩu năm 2024 dự kiến tăng hơn 21,5 tỷ USD so với năm 2023. Con số này có thể thực hiện được vì năm 2023 xuất khẩu tăng trưởng âm, mức nền thấp.

“Tôi cho rằng mức tăng trưởng 6% là khả thi. Tuy nhiên, tất cả mọi thứ sẽ phụ thuộc vào tổng cầu thế giới”, ông Phương nói.

>>PGS.TS Trần Đình Thiên: ‘Việt Nam cam kết đạt Net Zero vào 2050 gây sửng sốt cho toàn nhân loại’

Luật tín dụng (sửa đổi): Ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm

Diễn biến cổ phiếu ngân hàng ngày 15/1: Khối ngoại hút ròng lượng lớn CTG, STB, HDB và BID

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ts-le-quoc-phuong-trien-vong-phuc-hoi-xuat-khau-cua-viet-nam-se-phu-thuoc-vao-tong-cau-the-gioi-219918.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    TS. Lê Quốc Phương: “Triển vọng phục hồi xuất khẩu của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào tổng cầu thế giới"
    POWERED BY ONECMS & INTECH