Chứng khoán

Các công ty niêm yết nào bị 'trúng đòn' nặng nhất từ chính sách thuế mới của Mỹ?

Hải Băng 04/04/2025 00:14

Việc Mỹ áp thuế 46% lên hàng hóa từ Việt Nam được dự báo sẽ gây tác động tiêu cực đến xuất khẩu, dòng vốn FDI và tỷ giá, đặc biệt ảnh hưởng nặng nề đến các ngành dệt may, thủy sản, đồ gỗ, bất động sản khu công nghiệp và logistics.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp mức thuế 46% lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, theo đánh giá của MBS Research, sẽ gây tác động tiêu cực lên 3 khía cạnh kinh tế chính:

Thứ nhất, thuế suất đối ứng cao làm giảm sức cạnh tranh của các mặt hàng chủ chốt của Việt Nam tại thị trường Mỹ như máy móc thiết bị, linh kiện điện tử, điện thoại, may mặc, da giày… Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh trực tiếp lại chịu mức thuế thấp hơn đáng kể, như Trung Quốc (34%), Ấn Độ (26%), Thái Lan (37%)...

Thứ hai, trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia chịu mức thuế đối ứng cao nhất, điều này có thể ảnh hưởng đến dòng vốn FDI sản xuất đang dịch chuyển vào Việt Nam theo chiến lược Trung Quốc +1.

Thứ ba, tỷ giá sẽ chịu thêm áp lực khi Việt Nam cần tăng cường nhập khẩu từ Mỹ nhằm thu hẹp thặng dư thương mại với quốc gia này.

Các công ty niêm yết nào bị 'trúng đòn' nặng nhất từ chính sách thuế mới của Mỹ?
Mức thuế mới khiến Việt Nam không còn hưởng lợi từ chiến lược Trung Quốc +1 (Ảnh: MBS Research)

Tính đến thời điểm hiện tại, mức thuế suất cụ thể đối với từng mặt hàng vẫn chưa được công bố. MBS Research cho rằng tác động đến các ngành nghề sản xuất sẽ khác nhau, phụ thuộc vào tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ trong tổng giá trị xuất khẩu cũng như các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam trong cùng phân khúc. Bên cạnh đó, một số mặt hàng còn chịu ràng buộc bởi mức thuế cam kết theo Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, có hiệu lực từ tháng 12/2001.

Các doanh nghiệp bị tác động mạnh

Đơn vị phân tích này cho rằng, nhóm dệt may, thủy sản, đồ gỗ, bất động sản khu công nghiệp (BĐS KCN), logistics là những nhóm ngành chịu tác động tiêu cực nhất.

Cụ thể, các sản phẩm điện tử, máy móc, thiết bị, dụng cụ đang xuất khẩu sang Mỹ đạt 45,2 tỷ USD. Mặt hàng này chủ yếu được sản xuất bởi các doanh nghiệp FDI như Intel, HP, Dell, Amkor, Rockwell Automation, First Solar... Đứng trước nguy cơ bị áp thuế đối ứng cao, các doanh nghiệp này có thể chủ động dịch chuyển một phần sản xuất trong khâu hoàn thiện, đóng gói sản phẩm sang các quốc gia bị áp mức thuế thấp hơn như Ấn Độ, Indonesia...

Từ đó, nhóm BĐS KCN và vận tải logistics có thể bị ảnh hưởng nặng nề. Các doanh nghiệp bị tác động mạnh nhất trong nhóm BĐS KCN gồm: KBC, BCM, VGC, IDC, SZC, SIP; trong khi nhóm vận tải logistics gồm: GMD, VSC, SCS, NCT, PHP.

Các công ty niêm yết nào bị 'trúng đòn' nặng nhất từ chính sách thuế mới của Mỹ?
BĐS KCN không còn là nhóm hấp dẫn như sóng "Trump 1.0"

Dệt may Việt Nam đang xuất khẩu 16,1 tỷ USD sang Mỹ, chiếm 43,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của nhóm ngành này. Sản phẩm dệt may gia công từ Việt Nam sẽ chịu nhiều bất lợi hơn so với các quốc gia cạnh tranh khác như Bangladesh, Ấn Độ, Trung Quốc, Sri Lanka... do mức thuế đối ứng thấp hơn. Các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ lớn sẽ chịu ảnh hưởng rõ rệt như MSH (70%), TNG (50%), TCM (25%), STK (10%).

Ngành gỗ xuất khẩu 9,1 tỷ USD sang Mỹ. Trong quá khứ, với lợi thế giá thành rẻ nhờ chi phí nhân công và nguyên liệu thấp (70% nguyên liệu là từ trong nước), Việt Nam đã vươn lên top 3 quốc gia xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất vào Mỹ. Việc bị áp thuế 46% sẽ khiến sản phẩm gỗ của Việt Nam mất đi tính cạnh tranh do giá bán ngang bằng với đối thủ lớn nhất trong khu vực là Trung Quốc. Hiện tại, Mỹ chiếm 39,9% doanh thu xuất khẩu của PTB và 12,2% của ACG.

Các sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực như tôm và cá tra đang được hưởng ưu đãi về thuế tại thị trường Mỹ. Do vậy, việc áp thuế đối ứng sẽ ảnh hưởng khá tiêu cực. Cụ thể, tổng giá trị xuất khẩu tôm sang Mỹ đạt 691 triệu USD, chiếm 18% tổng lượng tôm xuất khẩu năm 2024, trong khi phải cạnh tranh với Ecuador và Ấn Độ - hai quốc gia có mức thuế đối ứng thấp hơn. Doanh nghiệp tôm bị tác động mạnh là FMC và MPC, khi thị trường Mỹ chiếm 15 - 25% doanh thu xuất khẩu.

Với cá tra, tổng giá trị xuất khẩu sang Mỹ đạt 345 triệu USD, chiếm 17% tổng lượng cá tra xuất khẩu năm 2024. Việt Nam hiện là thị trường xuất khẩu cá tra lớn thứ 2 (sau Trung Quốc) tại quốc gia này. Thị trường Mỹ chiếm khoảng 30% doanh thu xuất khẩu của VHC, trong khi các doanh nghiệp ANV và IDI lần lượt là 6% và 5%.

Các doanh nghiệp bị tác động ở mức trung bình và thấp

MBS Research cho rằng các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm chất dẻo (AAA), cao su (GVR, PHR, DPR), giấy (TLG) sẽ bị tác động ở mức trung bình do Mỹ không phải là thị trường xuất khẩu chính.

Các công ty niêm yết nào bị 'trúng đòn' nặng nhất từ chính sách thuế mới của Mỹ?
Sắt thép không nằm trong danh sách áp thuế "có qua có lại"

Ngành sắt thép hiện xuất khẩu sang Mỹ đạt 3,1 tỷ USD, chiếm 18% tổng giá trị xuất khẩu. Các doanh nghiệp tôn mạ nội địa có tỷ trọng xuất khẩu cao sang Mỹ như GDA (16%), NKG (13%) và HSG (9%) hiện đang chịu mức thuế trung bình khoảng 25% (theo mức áp thuế mới nhất đối với các sản phẩm thép). Tuy nhiên, sắt thép không nằm trong danh sách áp thuế đối ứng của chính quyền Mỹ, do đó ngành thép không bị tác động bởi đợt áp thuế lần này.

Riêng HPG được đánh giá là "miễn nhiễm", do hiện đang chịu mức thuế khoảng 33% - 36%, vốn đã cao hơn mức 25% vừa được áp dụng.

>> Tổng thống Trump áp thuế đối ứng 46% lên Việt Nam, Hòa Phát (HPG) ‘miễn nhiễm’ với chính sách mới từ Mỹ

Nhận định chứng khoán 4/4: Thận trọng làn sóng 'call margin'

Loạt hợp đồng tỷ USD giảm thâm hụt thương mại đang trên giấy, thuế Mỹ đã giáng đòn: Việt Nam có 7 ngày để hành động

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/cac-cong-ty-niem-yet-nao-bi-trung-don-nang-nhat-tu-chinh-sach-thue-moi-cua-my-285684.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Các công ty niêm yết nào bị 'trúng đòn' nặng nhất từ chính sách thuế mới của Mỹ?
    POWERED BY ONECMS & INTECH