Nhu cầu lớn dành cho xe điện đã khiến nhiều nhà sản xuất ô tô mới và truyền thống đều phải tích cực chuyển sang hướng kinh doanh cho loại phương tiện này để bắt kịp với tương lai của ngành.
Cả thế giới đang “chạy đua” cùng trào lưu xe điện
Theo số liệu từ EVVolumes cho thấy thị trường toàn cầu đã tiêu thụ tới 4,16 triệu chiếc xe điện các loại, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái; và đang gần tiếp cận đến mốc 6,5 triệu chiếc trong toàn năm 2021.
Trong đó, lượng xe thuần điện (xe chạy điện hoàn toàn) lên tới 3,05 triệu chiếc, chiếm thị phần khoảng 8,8% doanh số ô tô trên toàn cầu trong khi xe Hybrid sạc ngoài (PHEV) chỉ đạt 1,11 triệu chiếc, chiếm khoảng 3,2% thị phần ô tô toàn cầu.
Ngoài việc nhu cầu tăng do sự thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng, chính sách ưu tiên của các quốc gia dành cho xe xanh nhằm giảm mức phát thải khí độc hại cũng có đóng góp không nhỏ cho sự tăng trưởng và chuyển dịch sang các dòng xe điện trên toàn cầu.
Hiện tại, Trung Quốc vẫn là thị trường xe điện lớn nhất toàn cầu với 2,4 triệu chiếc xe điện bán ra trong nửa đầu năm 2022, chiếm khoảng 55% doanh số trên toàn cầu. Với mức tăng trưởng 118% hàng năm, Trung Quốc cũng là thị trường phát triển xe điện nhanh nhất và dự kiến đạt trên 5 triệu chiếc sau khi kết thúc năm 2022, nước này thậm chí nâng mức dự báo doanh số xe điện lên tới 6 triệu chiếc.
Tuy nhiên, các thị trường châu Âu và Mỹ cũng đang tăng tốc theo hướng điện hóa ô tô với những chính sách mới được áp dụng. Trong đó, châu Âu đang tăng tốc mạnh mẽ với việc toàn khối EU sẽ dừng bán xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch từ năm 2035.
Na Uy là quốc gia đi đầu về xe thuần điện hiện tại, và đặt mục tiêu kể từ 2025 sẽ chỉ toàn ô tô điện, và là xe thuần điện BEV chứ không phải là HEV, PHEV... Và thống kê trong năm 2021 vừa qua, Na Uy đã đạt 64,5% tổng số ô tô bán ra đều là xe điện.
Theo công ty chuyên về dữ liệu thị trường và người tiêu dùng Statista, vào năm 2020 Na Uy có 81 EV/1.000 cư dân. Con số này vượt xa Iceland, nước đứng thứ hai với 36,8 EV cho mỗi 1.000 cư dân và bỏ xa Mỹ - nước đứng thứ 8 với chỉ 5,2 EV cho mỗi 1.000 cư dân. Trong khi đó, tỷ lệ sở hữu ô tô chung của Việt Nam hiện khoảng 30 chiếc/1000 cư dân.
Thị trường Mỹ lớn thứ 2 thế giới cũng đang tích cực chuyển đổi sang xe điện với các chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp này trong thời gian gần đây với mục tiêu 50% ô tô mới bán ra từ năm 2030 sẽ là xe thuần điện.
Các siêu thị tiện lợi tại Mỹ không thích xây trạm sạc xe điện
Theo hãng tin CNN, việc các siêu thị tiện lợi xây trạm sạc xe điện tại Mỹ là một ý tưởng khá hợp lý khi lái xe có thể mua đồ trong lúc đợi ắc quy ô tô đầy điện. Thế nhưng bất chấp những khoản trợ cấp xây dựng trạm sạc xe điện của chính phủ Mỹ, nhiều cửa hàng vẫn không chịu tiếp cận mảng kinh doanh mới này.
Nguyên nhân chính của tình trạng này là do chi phí duy trì những trạm sạc này khiến các cửa hàng tiện lợi tốn thêm tiền và không có lời.
Thời gian sạc lâu hơn bơm xăng khiến các siêu thị sẽ có lợi nếu xây trạm sạc, nhưng không có nhiều chuỗi hào hứng với điều này.
Cụ thể, hãng tin CNN cho biết dù bản kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng của chính phủ Mỹ dành tới 7,5 tỷ USD xây dựng các trạm sạc xe điện thay thế trạm xăng nhưng mức phí duy trì cũng như sự cạnh tranh các trạm sạc được xây dựng từ chính những công ty xe điện đã khiến nhiều người ngần ngại.
Theo chuyên gia Jigar Shah của Electrify America, chi phí duy trì một trạm sạc điện tại Mỹ vào khoảng 250.000 USD/năm. Loại phí này thường khác nhau tùy từng bang và được áp dụng cho việc bảo trì, vận hành hệ thống điện.
Đặc biệt hơn là khi có sự gia tăng lượng tiêu thụ điện đột biến trong thời gian ngắn, ví dụ như 1 ô tô điện cần sạc nhanh thay vì chờ đợi sạc lâu thông thường, cũng có thể làm gia tăng phí bảo trì này tùy công ty cung ứng điện.
Theo CNN, khoảng 90% chi phí duy trì trạm sạc đến từ phí bảo trì này và có sự biến động khó kiểm soát tùy vào mức độ sạc của các phương tiện, qua đó khiến các chủ trạm sạc không thể theo dõi cũng như có biện pháp xử lý.
Về lý thuyết các siêu thị tiện lợi có thể chuyển khoản phí này đến người dùng thông qua việc nâng giá sạc điện hoặc từ những đồ ăn bán lẻ. Tuy nhiên điều này sẽ khiến nhiều người dùng bất bình hoặc làm mất lợi thế cạnh tranh với những trạm sạc khác được xây dựng bởi chính các hãng xe điện.
Xem thêm: Mỹ và châu Âu "bất lực” trong cuộc đua sản xuất pin xe điện