Cách nhiều nước đánh thuế sở hữu bất động sản, hạn chế đầu cơ đất
Đánh thuế bất động sản được các nước trên thế giới áp dụng với nhiều phương thức khác nhau nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ và điều tiết thị trường nhà ở.
Trong khi ở một số quốc gia, nhiều đại gia làm giàu nhờ phân lô bán nền, người dân đua nhau mua đất để dành, qua đó đẩy giá nhà tăng cao, thì tại nhiều nước khác, việc áp đặt mức thuế và các chính sách điều tiết hợp lý khiến điều này trở nên phi thực tế.
Vậy các nước này có chính sách đánh thuế bất động sản  như thế nào?
Singapore
Là một trong những thị trường có tỷ lệ sở hữu nhà cao nhất thế giới, với 90% cư dân có nhà ở hoặc căn hộ đứng tên cá nhân, Singapore là điểm đến đầy hấp dẫn đối với nhà đầu tư ở các nước láng giềng như Malaysia, Indonesia và đặc biệt là Trung Quốc. Chính bởi lượng cầu luôn dồi dào khiến giá nhà ở đảo quốc này tăng hơn 60% trong giai đoạn 2009-2013.
Trước bối cảnh trên, Chính phủ Singapore đã áp dụng các biện pháp mạnh tay để kiềm chế đà tăng giá bất động sản. Theo đó, bất cứ người Singapore nào mua nhà đều phải trả phí 20% giá trị bất động sản cho căn nhà thứ 2, 30% cho căn nhà thứ 3. Đối với người nước ngoài mua tài sản cá nhân, dù là bất cứ ngôi nhà nào, thuế suất phải nộp sẽ tăng gấp đôi lên 60% từ mức 30% trước đó.
Trường hợp người mua bất động sản rồi bán ngay trong năm đầu sẽ phải đóng thuế 6% giá trị bất động sản, bán vào năm thứ 2 đóng thuế 8%, năm thứ 3 là 4%. Phải đến năm 4, người bán mới không phải đóng thuế. Bên cạnh đó, mức vay ngân hàng để mua bất động sản ở Singapore sẽ giảm dần nếu số lượng bất động sản nhiều lên. Ngân hàng sẽ chỉ cho vay 80% để mua căn nhà thứ nhất, và dần giảm xuống 60% ở căn thứ 2, và 40% ở căn thứ 3.
Các chính sách trên đã có tác động lớn đến thị trường bất động sản ở Singapore. Cụ thể, lượng giao dịch bất động sản giảm tới 40%. Giá bất động sản phân khúc cao cấp giảm nhiều nhất do sức mua của đối tượng người nước ngoài giảm 35 – 40%, nhưng phân khúc bình dân vẫn duy trì ở mức ổn định. Điều này tạo thêm cơ hội cho những người có thu nhập trung bình và thấp ở Singapore sở hữu căn nhà của riêng mình.
Mỹ
Thuế bất động sản đã được áp dụng ở Mỹ từ cách đây 226 năm. Tại đây, người mua bất động sản phải thanh toán nhiều loại thuế cả cấp liên bang lẫn tiểu bang. Thậm chí ở một số khu vực, người sở hữu nhà đất phải chi trả thêm một số loại thuế phí khác, như thuế phát triển cơ sở hạ tầng hay phí hiệp hội dân cư... nhằm phát triển trường học, bệnh viện và các công trình công cộng.
Thuế liên bang được đồng nhất trên toàn bộ lãnh thổ nước Mỹ, trong khi thuế tiểu bang được quy định theo từng khu vực. Chẳng hạn, mức thuế trên tổng giá trị căn nhà tính theo giá mua ở bang California là 1%, còn ở bang Texas là 3%, nhưng giá nhà ở đây lại rẻ hơn California.
Theo các chuyên gia, thuế đất tương đối cao cùng sự quản lý nghiêm khắc của chính quyền khiến việc mua nhà để dành làm của cải tích trữ hay làm quỹ đất để phân lô bán nền là điều phi thực tế tại Mỹ. Nếu không đóng thuế, chủ sở hữu sẽ bị phạt, nếu không đóng phạt thì chính phủ sẽ đưa khoản nợ đó vào hồ sơ giao dịch để khấu trừ khi bán nhà.
Trong trường hợp người mua vay tiền ngân hàng, lãi suất tiền vay sẽ được khấu trừ vào lợi nhuận phát sinh từ khu đất, qua đó giảm số tiền đóng thuế của chủ sở hữu. Đây là một trong những lý do chính khiến nhiều đại gia bất động sản ở Mỹ như cựu Tổng thống Donald Trump phải vay tiền ngân hàng dù họ không thiếu vốn.
Các quốc gia khác
Tại Malaysia, thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản bị đánh thuể ở mức 30% đối với các loại bất động sản được cá nhân nắm giữ trong vòng 1 - 3 năm trước khi bán, 20% nếu là 4 năm, 15% nếu là 5 năm, và 0% nếu là 6 năm trở đi. Đối với doanh nghiệp tư nhân, mức thuế bất động sản nắm giữ từ 1 - 3 năm trước khi bán là 30%, 4 năm là 20%, 5 năm là 15%, và từ 6 năm trở đi là 10%.
Thái Lan là quốc gia duy nhất tại Đông Nam Á chưa áp dụng thuế bất động sản hàng năm. Tuy nhiên, người dân lại phải trả thuế chuyển nhượng khoảng 2% giá trị bất động sản mà họ sở hữu. Tùy từng loại hình, thuế trước bạ đối với giao dịch bất động sản tại Thái Lan dao động từ 0,05% đến 0,5%. Công dân Thái Lan sở hữu căn hộ nhưng vẫn có phí quản lý hàng năm sẽ không bị đánh thuế, song người nước ngoài không được phép mua đất hoặc nhà đất ở quốc gia này.
Theo dự thảo kế hoạch ngân sách năm 2023 của Chính phủ Pháp, đối với những ngôi nhà bỏ trống, thuế suất dự kiến sẽ tăng từ 12,5% lên 17% trong năm đầu tiên, và các năm tiếp theo lần lượt là 25% và 34%. Quy định này được áp dụng đối với các bất động sản đã bỏ trống từ 1 năm trở lên, trong các khu vực đông đúc có xu hướng thiếu nhà ở. Điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy chủ sở hữu các bất động sản bỏ trống sớm bán tài sản của mình, giúp giảm căng thẳng cho thị trường nhà đất.
Chính phủ Vương Quốc Anh đã áp dụng chính sách thuế cao đối với bất động sản thứ 2 nhằm kiểm soát thị trường bất động sản và hạn chế đầu cơ. Ngoài ra, các căn nhà bỏ hoang từ năm thứ 3 trở đi sẽ phải đóng thuế công ích, nhằm tạo áp lực cho các chủ sở hữu sử dụng tài sản của họ một cách hiệu quả hơn. Những chính sách này được thiết kế nhằm giảm thiểu tình trạng đầu cơ cá nhân và tạo điều kiện bình đẳng hơn trong quyền sở hữu nhà ở cho công dân.
>> Dòng tiền 'đổ' vào bất động sản vẫn chờ được 'khơi thông'