Cách vay vốn rẻ nhiều năm của 'đại gia' miền Tây
Việc doanh nghiệp chung thuỷ với một ngân hàng được nhiều công ty ở miền Tây coi là bí quyết để dễ dàng được ngân hàng ưu tiên hơn và được nhà băng đảm bảo hỗ trợ kịp thời nếu không may gặp khó về dòng vốn.
Khi doanh nghiệp và ngân hàng tìm thấy điểm chung
Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thu mua lúa, chế biến và xuất khẩu gạo, CTCP Hoàng Minh Nhật (thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ) hiện có dư nợ 170 tỷ đồng tại một Ngân hàng 'Big 4' Chi nhánh Cần Thơ. Doanh nghiệp này hiện chỉ phải trả lãi suất 6,5%/năm và sẽ còn giảm theo chính sách của nhà băng.
Ông Nguyễn Văn Nhựt, Tổng Giám đốc công ty cho biết, từ khi thành lập công ty vào năm 2006, suốt 17 năm qua Hoàng Minh Nhật hầu như chỉ có quan hệ tín dụng tại chi nhánh ngân hàng này.
“Thực ra có rất nhiều ngân hàng TMCP mời chúng tôi vay vốn, thậm chí họ sẵn sàng cho vay tín chấp. Bản thân doanh nghiệp cũng đã thử sử dụng dịch vụ của một số ngân hàng khác. Nhưng tôi nhận ra việc quan hệ lâu dài với một ngân hàng sẽ giúp doanh nghiệp có được tín nhiệm cao, từ đó sẽ được hưởng những ưu đãi về lãi suất cũng như thủ tục liên quan, nhất là với doanh nghiệp xuất khẩu như Hoàng Minh Nhật”, ông Nguyễn Văn Nhựt nói.
Tuy nhiên, ông Nhựt cho rằng điều quan trọng trước tiên là doanh nghiệp phải có trách nhiệm với khoản vay. Khi đã trả nợ đúng hạn và có phương án kinh doanh tốt, các ngân hàng đều sẵn sàng cho vay tiếp.
“Kinh doanh thì có rủi ro, mình không thể loại trừ hết được. Nhưng đối với doanh nghiệp thì phải có trách nhiệm với đồng vốn mình đi vay”, ông Nhựt nói.
Bên cạnh lãi suất vay phù hợp, CEO của Hoàng Minh Nhật chia sẻ, doanh nghiệp cần xác định ngân hàng được chọn phải đạt tiêu chí về chất lượng. Đó là đảm bảo thủ tục nhanh chóng, hỗ trợ đầy đủ và kịp thời khi doanh nghiệp cần.
“Từ kinh nghiệm của doanh nghiệp, tôi cảm nhận rằng việc doanh nghiệp chung thuỷ với một ngân hàng sẽ dễ dàng được ngân hàng ưu tiên hơn. Nếu có khó khăn ngân hàng sẽ đảm bảo hỗ trợ kịp thời”, ông Nhựt chia sẻ.
Mặc dù vậy, ông cho rằng nếu lãi suất cho vay trên 6%/năm vẫn sẽ là gánh nặng cho các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lúa gạo, bởi tỷ suất lợi nhuận của ngành này chỉ từ 1-3% doanh thu. Do vậy, lãi suất chỉ nên ở mức 4 – 6%/năm.
“Khi lãi suất cho vay thấp thì cơ cấu giá thành sẽ thấp, doanh nghiệp có thể mua lúa cho bà con với giá cao hơn chút. Tất nhiên doanh nghiệp luôn muốn được vay với lãi suất thấp nhất, giống như mình đi ra chợ, thấy người ta bán cá giảm giá từ 20.000 xuống 15.000 đồng/kg rồi nhưng mình vẫn muốn trả xuống 13.000 đồng”, ông Nhựt ví von.
Hiện, Hoàng Minh Nhật sản xuất từ 70.000 – 80.000 tấn gạo mỗi năm, trong đó có đến 90% sản lượng được xuất khẩu. Doanh thu bình quân mỗi năm của công ty đạt khoảng 1.000 tỷ đồng. Từ đầu năm 2023 đến nay công ty đã được ngân hàng giảm lãi suất tới 3 lần với tổng mức giảm là 1,5%/năm.
Chia sẻ với phóng viên, chuyên viên tín dụng ngân hàng cho Hoàng Minh Nhật vay nói, mức lãi 6,5% là lãi suất theo thông báo, khi đến giai đoạn hỗ trợ, lãi suất sẽ giảm tiếp. Tất nhiên, việc hỗ trợ lãi suất phải đúng ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp.
Cũng tại ĐBSCL, ông Nguyễn Văn Hiếu, chủ hộ nuôi cá thát lát tại thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, cho biết ông khởi nghiệp với nghề nuôi cá từ năm 2010 với việc vay vốn tại một ngân hàng TMCP. Tuy nhiên, từ khi được một ngân hàng thương mại nhà nước chi nhánh Hậu Giang cho vay vào năm 2012, hơn 10 năm qua, ông chỉ vay vốn tại chi nhánh này. Hiện ông Hiếu có dư nợ 15 tỷ đồng, với lãi suất chỉ 5,5%/năm.
“Lãi suất thấp hơn, thủ tục cho vay lại đơn giản, ngân hàng hỗ trợ hết mình, thời gian giải ngân chỉ từ 1 – 3 ngày. Đó là lý do khiến tôi chung thuỷ với chỉ 1 ngân hàng trong hơn 10 năm qua”, ông Hiếu nói.
Từ chỉ 1 ao nuôi ban đầu với diện tích 4.000m2, đến nay gia đình ông Hiếu đã phát triển thành 8 ao nuôi với tổng diện tích hơn 40.000m2, sản lượng mỗi năm khoảng 500 tấn cá.
Vốn rẻ dần, doanh nghiệp tính chuyện mở rộng
Theo khảo sát tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lúa gạo và thuỷ sản ở ĐBSCL, hầu hết đơn vị đều hài lòng với lãi suất cũng như thủ tục cho vay hiện nay tại các ngân hàng.
Ông Lý Hiệp, chủ cơ sở nuôi cá thát lát và cá tra tại ấp 8, xã Hoà An, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, cho biết, cơ sở có dư nợ 9 tỷ đồng tại ngân hàng với lãi suất chỉ 5,5%/năm.
“Với người chăn nuôi như chúng tôi, được vay vốn với lãi suất ưu đãi là điều phấn khởi rồi. Mức lãi suất hiện tại đã giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đó là động lực để ông tính chuyện mở rộng quy mô chăn nuôi”, ông Hiệp nói.
Trong khi đó, ông Trần Phước Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phước Hưng (huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ) cho biết, doanh nghiệp của ông đang vay ngân hàng 45 tỷ đồng. Từ đầu năm doanh nghiệp phải vay vốn với lãi suất 9,5%/năm nhưng đến nay lãi suất đã hạ xuống còn 6,5%/năm.
Tuy nhiên, ông Hưng vẫn mong muốn lãi suất cho vay sẽ thấp hơn nữa để giảm chi phí cho doanh nghiệp, qua đó bù đắp vào phần chi phí tài chính khá lớn từ đầu năm.
“Cũng nhờ lãi suất giảm nên sắp tới công ty mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất và đầu tư lắp đặt thêm máy móc thiết bị”, ông Hưng chia sẻ.
Trong khi đó, bên lề Hội nghị tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, thuỷ sản vùng ĐBSCL cuối tuần qua, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết hiện doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với nhiều ngân hàng như VIB, VPBank, Sacombank và một số ngân hàng nước ngoài. Dù đã được vay vốn ưu đãi, nhưng ông Bình cho rằng lãi vay vẫn là “hơi cao” so với trước thời điểm tháng 10/2022.
Trước đây doanh nghiệp ngành hàng lúa gạo chỉ vay với lãi suất 6-6,5%/năm. Thế nhưng từ cuối năm 2022 lãi suất tăng vọt lên 7-9%, thậm chí hơn 10%/năm. Thời điểm hiện tại lãi suất cho vay đã giảm nhưng vẫn trên 7%/năm, trong khi quy định của NHNN là doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo được ưu tiên lãi suất dưới 5%/năm.
Tuy nhiên, ông Bình ghi nhận những năm gần đây vốn tín dụng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực thu mua lúa và xuất khẩu gạo là không thiếu.
Từ 1/1/2025, lãi suất cho vay gói 30.000 tỷ đồng giảm còn 4,7%/năm 
Ngành ngân hàng trước thách thức hạ lãi suất cho vay: Cơ hội hay nguy cơ?