Cấm xuất cảnh với đại diện doanh nghiệp nợ thuế là giải pháp mạnh mẽ và đúng quy định
Thông tin trên được Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ quý II/2024 của Bộ Tài chính được tổ chức mới đây trước thông tin nhiều cá nhân cho rằng, không nắm được nợ thuế và lo lắng sẽ trở thành đối tượng bị hoãn xuất cảnh.
Quản lý thuế được triển khai đồng bộ, hiệu quả
Tại buổi họp báo, nội dung hỏi xoay quanh việc quản lý thuế đối với thị trường vàng, quản lý nợ thuế, mã số thuế và quy định về cấm xuất cảnh nếu pháp nhân chưa thực hiện nghĩa vụ thuế được dư luận quan tâm đã được Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi và Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh đã trả lời.
Trong đó, đối với các quy định cấm xuất cảnh  với người nợ thuế. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh khẳng định đây là giải pháp mạnh mẽ để giảm nợ thuế và là chế tài được quy định trong pháp luật thuế nhằm phòng, chống tình trạng cố tình trốn thuế.
“Quy định về tạm hoãn xuất cảnh khi nợ thuế đã có từ trước, trong Luật Quản lý thuế số 38 và Nghị định hướng dẫn Luật của Chính phủ. Theo đó, việc tạm hoãn xuất cảnh là một trong những biện pháp để đảm bảo thực hiện thu hồi các khoản thuế, chống chây ỳ nợ thuế.” - Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho biết.
Theo Phó Tổng cục trưởng, biện pháp này chủ yếu “nhắm” vào đối tượng là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp, thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.
Công tác quản lý nợ công được kiểm soát chặt chẽ. Các chỉ tiêu nợ công, các nghĩa vụ nợ dự phòng của NSNN, nợ chính quyền địa phương, đảm bảo các chỉ tiêu trong giới hạn an toàn nợ. Cùng với đó, Bộ Tài chính đã kịp thời tham mưu đề xuất và tập trung triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp về quản lý, điều hành giá, nhằm đảm bảo kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Về quy trình áp dụng biện pháp này được ngành Thuế triển khai rất chặt chẽ và đúng quy định của pháp luật. “Khi phát sinh trường hợp nợ thuế dây dưa kéo dài, cơ quan Thuế sẽ nhắn tin, liên hệ đôn đốc nhắc nhở, dùng rất nhiều các biện pháp theo đúng quy định của pháp luật. Sau các biện pháp đó, người nộp thuế vẫn chưa nộp tiền thuế nợ, cơ quan thuế mới tới gửi thông tin cho cơ quan xuất cảnh để thực hiện biện pháp tạm hoãn theo đúng quy định”, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh khẳng định.
Vừa qua, nhiều cá nhân có thắc mắc không nắm được nợ thuế, lo lắng việc trở thành đối tượng bị hoãn xuất cảnh. Phó Tổng cục trưởng chia sẻ, ngành Thuế đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người nộp thuế. Ví dụ như đưa vào ứng dụng eTax Mobile - đây là một công cụ hỗ trợ rất cập nhật, rất cụ thể về nghĩa vụ thuế của các cá nhân, hộ kinh doanh, pháp nhân… Ứng dụng này giúp cho người nộp thuế rà soát thông tin kịp thời để thực hiện nghĩa vụ với ngân sách, không chỉ trong năm qua mà còn rà soát cả của nhiều năm trước.
Về vấn đề quản lý thị trường vàng đang nhận được nhiều sự quan tâm từ phía các chuyên gia, trong đó có đề xuất để bình ổn thị trường thì cần quản chặt về thuế, thêm vào đó là “đánh thuế” giao dịch vàng. Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khẳng định, về đề xuất đánh thuế với giao dịch vàng để giảm bớt nhu cầu của một số bộ phận nhà đầu tư và thị trường, đặc biệt mục đích đầu cơ, thao túng giá, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu, nghiên cứu và đánh giá tác động với đề xuất này.
“Đối với đề xuất đưa thêm sắc thuế mới, cần phải có đánh giá toàn diện về tác động, tính khả thi, chứ không chỉ tác động trực tiếp của giao dịch vàng. Bộ Tài chính sẽ tiếp thu đề xuất, nghiên cứu, báo cáo cơ quan có thẩm quyền”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết.
Trả lời về câu hỏi về việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ có nhiều chỉ đạo bình ổn thị trường vàng, trong đó có giao Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) kiểm soát chặt việc xuất HĐĐT với các giao dịch bán vàng, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh khẳng định, như nhiều ngành nghề khác, hoạt động kinh doanh vàng luôn chịu sự quản lý của cơ quan Nhà nước, trong đó có cơ quan Thuế. Ngành Thuế thời gian qua đã đẩy mạnh quản lý trong lĩnh vực này.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát việc xuất hóa đơn trong thực hiện các giao dịch mua, bán vàng, trong thời gian vừa qua, ngành Thuế đã tiếp tục tăng cường triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc áp dụng HĐĐT từ máy tính tiền để kiểm soát các giao dịch mua, bán vàng. Bên cạnh tăng cường quản lý về thuế, Bộ Tài chính đề xuất thanh toán không dùng tiền mặt đối với hoạt động mua bán vàng.
Đối với kết quả thanh tra, kiểm tra việc giao dịch, kinh doanh vàng, Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho biết, Tổng cục Thuế đã yêu cầu các chi cục thuế trên địa bàn cả nước giám sát chặt các cửa hàng kinh doanh vàng để tránh các vi phạm. Bên cạnh đó, cơ quan thuế đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức thanh tra thị trường vàng và hiện nay đang trong quá trình tiếp tục kiểm tra.
Theo thống kê cả nước có khoảng 12.500 doanh nghiệp, cá nhân và hơn 5.500 hộ cá nhân mua bán, chế tác, gia công vàng bạc, đá quý.
Thu ngân sách đạt khá so với dự toán và tăng trưởng so với cùng kỳ
Thông tin về tình hình thực hiện các nhiệm vụ tài chính - ngân sách nửa đầu năm và định hướng triển khai cuối năm 2024 tại buổi họp báo, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, thu NSNN đạt khá so với dự toán và tăng trưởng so với cùng kỳ. Tổng thu NSNN đến ngày 15/6/2024 đạt khoảng 946,1 nghìn tỷ đồng, bằng 55,6% dự toán, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Chi NSNN ước đạt 719,7 nghìn tỷ đồng, bằng 34% dự toán. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 23,4% dự toán (tỷ lệ giải ngân ước đạt 23,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), chi trả nợ lãi ước đạt 46,9% dự toán, chi thường xuyên ước đạt 40,4% dự toán.
“Công tác thu ngân sách tăng trưởng đã góp phần quan trọng trong việc chi ngân sách để đáp ứng các nhu cầu chi phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản trả nợ đến hạn, đảm bảo chi trả kịp thời các khoản lương, lương hưu, trợ cấp xã hội từ NSNN, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.
Cùng với đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình cấp thẩm quyền ban hành các chính sách giảm thuế, phí, lệ phí cho DN, người dân có quy mô khoảng 68 nghìn tỷ đồng. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kéo dài thời gian thực hiện giảm 2% thuế giá trị gia tăng đến hết năm 2024.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ cắt giảm chi phí cho DN, người dân, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành thông tư theo trình tự thủ tục rút gọn, dự kiến sẽ giảm 36 loại phí, lệ phí.
“Bộ Tài chính đang trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định về gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2024 (với quy mô dự kiến khoảng 84 nghìn tỷ đồng) và Nghị định về gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong năm 2024 (với quy mô dự kiến khoảng 8,56 nghìn tỷ đồng).” - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết.
>> Nợ thuế dưới 1 triệu cũng tạm hoãn xuất cảnh, Bộ Tài chính nói gì? 
Nợ thuế vài trăm nghìn cũng bị cấm xuất cảnh có cứng nhắc? 
Cấm xuất cảnh mọi cá nhân nợ thuế: liệu có cứng nhắc?