Cảm xúc trong ‘Inside Out 2’ cho ta biết gì về tâm lý của Gen Z ở chốn công sở?
Thị trường lao động lan truyền những định kiến về sự chán nản và buông xuôi của thế hệ Gen Z. Liệu bộ phim "Inside Out 2" có thể cho biết gì về tâm lý này của người trẻ?
Trưởng thành không chỉ là những thay đổi về ngoại hình, mà còn là một hành trình đầy biến động của cảm xúc. Không chỉ Riley trong "Inside Out 2" phải đối mặt với những cảm xúc khó nhằn của tuổi dậy thì, mà những người trẻ Gen Z sắp bước vào thị trường lao động cũng đang mang trong mình những mớ bòng bong cảm xúc, từ lo âu, hồi hộp đến kỳ vọng và cả những nỗi sợ vô hình…
"Những cảm xúc phức tạp mới như Lo âu, Chán nản, Ganh tỵ, Xấu hổ chiếm quyền kiểm soát trong tâm trí một cô bé tuổi dậy thì" - (phim Inside Out 2) |
Bộ phim “Inside Out 2” của Disney và Pixar do Kelsey Mann đạo diễn, lấy bối cảnh 2 năm sau các sự kiện ở phần đầu. Người xem tiếp tục theo chân cô bé Riley (Amy Poehler lồng tiếng) lúc này đã bước sang tuổi 13, có nhiều thay đổi về tâm sinh lý. Năm cảm xúc Joy (Vui Vẻ), Sadness (Buồn Bã), Disgust (Chảnh Chọe), Anger (Giận Dữ) và Fear (Sợ Hãi) vất vả giúp Riley đối phó với những thứ mới lạ trong trại hè khúc côn cầu.
Đúng lúc đó, những cảm xúc mới là Anxiety (Lo Âu), Envy (Ghen Tị), Ennui (Chán Nản) và Embarrassment (Xấu Hổ) xuất hiện trong tâm trí, cho thấy diễn biến cảm xúc phức tạp bên trong cô bé Riley đang đối mặt với những thử thách mới như trường trung học, tình bạn và sự dậy thì.
"Inside Out 2" không chỉ là phần tiếp theo của một bộ phim hoạt hình nổi tiếng, mà còn là một hành trình khám phá sâu hơn vào thế giới cảm xúc của con người, đặc biệt là ở tuổi thiếu niên. Bên cạnh những cảm xúc quen thuộc như Vui Vẻ, Buồn Bã, Giận Dữ, bộ phim giới thiệu một loạt cảm xúc mới, trong đó có "Ennui" - một từ tiếng Pháp thể hiện sự chán chường, buồn tẻ, thiếu mục đích.
Theo nhà tâm lý học Lisa Damour - cố vấn nội dung cho đoàn làm phim, ekip “Inside out 2” quyết định bổ sung cảm xúc Ennui bởi sự nản lòng là một cơ chế đối phó của thanh thiếu niên với những cảm xúc mãnh liệt của tuổi mới lớn. Buông xuôi để "thảnh thơi hoàn toàn" và xem mọi thứ là "quá cơ bản" để không phải bận tâm là cách để những người trẻ, hay những đứa trẻ ở độ tuổi nổi loạn đối diện với những thách thức quá phức tạp hay đòi hỏi sự tập trung.
Sự xuất hiện của Ennui thường gắn liền với tuổi thiếu niên nhưng cũng phần nào ẩn dụ cho những gì người trẻ đang trải qua trong môi trường làm việc hiện đại . Theo CNBC, những bạn trẻ mới bước chân vào thị trường lao động sau khi rời ghế nhà trường đa phần cảm thấy thất vọng với công việc đầu tiên của mình.
Lý do chính là công việc không như kỳ vọng hoặc không mang lại sự thử thách như mong đợi. Điều này có thể dẫn đến cảm giác nhàm chán, mất động lực và thậm chí là "mắc kẹt" trong công việc.
“Inside out” - Mọi cảm xúc đều đáng giá
Sẽ mất một khoảng thời gian, tùy vào sự thích ứng và khám phá bản thân của mỗi người, để ta nhận ra sự chán nản cũng là một cảm xúc tự nhiên và cần thiết trong hành trình trưởng thành và cân bằng thế giới “từ trong ra ngoài” .
Đôi khi “Ennui” chính là động lực để nhìn nhận lại công việc và những giá trị trong cuộc sống. Từ siêu phẩm mùa hè “ Inside Out 2", các nhà làm phim muốn truyền tải rằng việc muốn bỏ đi những trải nghiệm kém hứng thú trong cuộc sống là điều hoàn toàn tự nhiên. Ennui là một cảm xúc bình thường, không phải là dấu hiệu của bệnh lý.
Ngay cả những xúc cảm tiêu cực cũng cần thiết cho sự cân bằng trong thế giới nội tâm của mỗi người |
“Có những thời điểm trong giai đoạn đầu khởi nghiệp thật nhàm chán. ‘Inside Out’ trấn an không chỉ các em ở tuổi vị thành niên, mà còn cả những thanh thiếu niên rằng nản lòng cũng là cảm xúc bình thường,” nhà tâm lý học Lisa Damour nhận định. “Và chỉ vì nó khó chịu không có nghĩa rằng đó là bệnh và trốn tránh.”
Kỳ thực tập sau khi tốt nghiệp đại học  có thể sẽ không phải là phần thú vị nhất trong sự nghiệp, và điều đó không sao cả. Và cũng giống như những cảm xúc khác gắn liền với tuổi thanh thiếu niên, Ennui thường sẽ dịu đi theo thời gian.
Một trong những điều đi kèm với tuổi tác là học cách đối diện và chấp nhận những lựa chọn của người khác và của bản thân, đồng thời học cách hài lòng với cuộc sống của mình. Điều đó thường bắt đầu bằng việc thực sự tận hưởng những thú vui hàng ngày.
Ennui là một phần không thể tránh khỏi của cuộc sống, đặc biệt là đối với người trẻ mới bước vào môi trường làm việc. Tuy nhiên, bằng cách chấp nhận và đối mặt với nó, chúng ta có thể học cách tìm thấy niềm vui và ý nghĩa trong công việc, cũng như phát triển bản thân một cách toàn diện.