Cận cảnh diện mạo mới của cây cầu ngói 400 năm tuổi, biểu tượng của 'thành phố đẹp bậc nhất thế giới' tại Việt Nam sau đại trùng tu
Ngay khi diện mạo mới của cây cầu ngói này lộ diện, nhiều du khách nổ ra tranh luận, khiến chính quyền địa phương phải lên tiếng.
Sau gần 2 năm che chắn phục vụ trùng tu, di tích Chùa Cầu  (TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) đã lộ diện với ngoại hình mới, thu hút đông đảo du khách tới thăm quan, chụp ảnh. Dự kiến, di tích  sẽ khánh thành, đưa vào sử dụng vào đầu tháng 8 tới đây.
Đến thời điểm hiện tại, toàn bộ phần khung sắt và mái tôn bao bọc xung quanh chùa đã được tháo dỡ sau thời gian trùng tu. Chùa Cầu đã được hoàn thành toàn bộ các hạng mục trùng tu gồm: hệ nền, móng, mố, trụ cầu; hệ sàn, khung gỗ, mái; hệ thống điện, chống mối công trình...
Trước đây, Chùa Cầu là một công trình kiến trúc  cổ, nhuốm màu cổ kính, rêu phong và có phần xuống cấp do ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Sau khi trùng tu, công trình đã mang một diện mạo hoàn toàn mới.
Nhìn tổng thể, di tích Chùa Cầu trông mới, sáng và bắt mắt hơn hẳn. Màu sơn đỏ nổi bật giữa bức tranh phố phường cổ kính.
Các chi tiết trên bờ nóc, bờ quyết các hoa văn trang trí, Hán tự được viết và sơn quét lại. Phần mái được lợp đan xen ngói cũ và ngói mới, nổi bật phía trên là các họa tiết uốn lượn, mềm mại. Phần trụ cột di tích gần như giữ nguyên, sơn màu gỗ.
Một số khung gỗ hư hỏng, mục rỗng trước đó đã được thay mới hoàn toàn, những phần gỗ còn tốt được giữ lại tối đa.
Hiện nay, việc trùng tu cơ bản đã hoàn thành, đơn vị phụ trách trùng tu đang hoàn thiện những chi tiết cuối cùng bên trong di tích. Vì thế, du khách chưa thể vào thăm quan bên trong. Nhưng nhìn từ ngoài, sàn của Chùa Cầu sau tu bổ vẫn giữ nguyên mặt sàn cong.
Theo Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An , dù tư liệu lịch sử trước năm 1986 đều cho thấy sàn bằng và việc nâng sàn vào lần tu bổ năm 1986 không nêu rõ lý do nhưng với gần 40 năm tồn tại, hình ảnh sàn cong như hiện nay đã in đậm vào tiềm thức, ký ức người dân Hội An cũng như bạn bè, du khách gần xa.
Chưa kể, hình ảnh, hình thức kiến trúc Chùa Cầu cong đã tồn tại từ trước khi Đô thị cổ Hội An được UNESCO  công nhận là Di sản văn hóa thế giới, trong đó Chùa Cầu được xem là một hạt nhân nổi bật.
Đồng thời, mặt sàn ở giữa cầu cong có sự đồng điệu với nét cong của lan can, hành lang, mái ngói sẽ tôn thêm nét duyên dáng cho Chùa Cầu.
Chùa Cầu là công trình kiến trúc cổ dạng cầu, nối giữa phố Trần Phú và phố Nguyễn Thị Minh Khai nằm trong khu phố cổ Hội An, bắc qua một con lạch nhỏ thông ra sông Hoài. Nơi đây được biết đến là biểu tượng du lịch của TP. Hội An - nơi từng được Tạp chí du lịch Travel+Leisure bình chọn là một trong những "thành phố đẹp nhất thế giới" vào đầu năm 2023.
Cây cầu còn được biết đến với tên gọi cầu Nhật Bản hay Lai Viễn Kiều. Cầu ban đầu chỉ là cầu gỗ được các thương nhân Nhật Bản góp tiền xây dựng vào thế kỷ XVII. Sau này, người dân địa phương dựng thêm phần chùa, nối liền vào lan can phía Bắc, nhô ra giữa cầu, từ đó hình thành nên tên gọi Chùa Cầu.
Trong quá khứ, gần 400 năm qua, Chùa Cầu đã được tu bổ lớn ít nhất 7 lần vào các năm 1763, 1817, 1875, 1917, 1962, 1986, 1996. Lần gần nhất là năm 1996.
Ngày 28/12/2022, Chùa Cầu được khởi công tu bổ với tổng vốn đầu tư hơn 20 tỷ đồng. Dự kiến, di tích sẽ được khánh thành vào chiều ngày 3/8 trong khuôn khổ các hoạt động của sự kiện "Giao lưu Văn hóa Hội An – Nhật Bản" lần thứ 20, năm 2024.
Tuy nhiên, ngay khi những hình ảnh đầu tiên của Chùa Cầu được chia sẻ lên mạng xã hội đã thu hút nhiều ý kiến trái chiều, có nhiều người cho rằng công trình trùng tu xong không giữ được vẻ cổ kính ban đầu.
Lý giải về điều này, đại diện Trung tâm Bảo tồn di sản văn hóa Hội An, màu sắc sau tu bổ của Chùa Cầu giữ nguyên màu hiện trạng của chi tiết cũ, không sơn vẽ gì thêm; cấu kiện thay mới hoặc thành phần gia cố chỉ quét phủ chất bảo quản không màu. Tương tự phần thân mố, trụ cầu cũng hoàn toàn giữ nguyên không can thiệp về màu sắc.
Riêng về phần mái, màu sắc hiện tại được phục hồi dựa theo một số vị trí còn tồn màu cũ, kết hợp với kết quả khảo sát các công trình tín ngưỡng truyền thống tương tự ở Hội An như đề xuất của các chuyên gia. Việc phục hồi, dù thế nào cũng không thể tránh làm cho di tích có phần "mới" ra, nhưng điều quan trọng là giữ gìn được tính nguyên gốc, đảm bảo tính nguyên tắc trong tu bổ di tích.
Chủ tịch UBND TP. Hội An Nguyễn Văn Sơn cũng khẳng định, Chùa Cầu được trùng tu công khai, minh bạch, được giám sát bởi các nhà chuyên môn, chuyên gia đến từ Nhật Bản, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đảm bảo các nguyên tắc cơ bản là nguyên gốc, nguyên bản và tính chân xác.
Theo Chủ tịch UBND TP. Hội An, muốn Chùa Cầu có rêu phong, nhuốm màu cổ kính như xưa thì phải để cho công trình này có thời gian. Tuy nhiên, ngay lúc này, màu sáng mới của vôi hơi đậm, thành phố sẽ cho sơn lại màu công trình phù hợp hơn, sát với màu cũ của công trình.
>> 'Biểu tượng phố Hội' gây tranh cãi sau trùng tu: TP Hội An lên tiếng
Cây cầu thép nặng 60 tấn trị giá 3,5 triệu USD bất ngờ bị đánh cắp đem đi bán phế liệu 
Tỉnh giàu nhất miền Tây xin 'trợ lực' 3 cây cầu gần 5.000 tỷ mở rộng cửa ngõ Tây Nam Bộ