Cận cảnh nhà hát 5.000m2 tọa lạc trên 'đất kim cương', thi công thần tốc chỉ trong 22 tháng, là công trình duy nhất của Việt Nam được vinh danh 'Top 10 nhà hát opera tuyệt vời nhất thế giới'
Không chỉ sở hữu trang thiết bị hiện đại ứng dụng công nghệ hàng đầu, nhà hát còn gây ấn tượng bởi phong cách thiết kế vô cùng độc đáo.
Mới đây, website 10best của tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới World Travel Awards - WTA  đã công bố danh sách "Top 10 nhà hát opera tuyệt vời nhất thế giới". Nhà hát Hồ Gươm  (Hà Nội) là đại diện duy nhất của Việt Nam có mặt trong danh sách này.
Không những vậy, nhà hát Hồ Gươm còn tự hào được đưa vào vị trí đầu tiên, sánh vai cùng những biểu tượng của thế giới gồm: nhà hát Wiener Staatsoper tại Vienna (Ý), Metropolitan Opera của New York (Mỹ), Opéra de Paris - Paris (Pháp), Teatro Alla Scala tại Milan (Ý), The Bolshoi Theater - Moscow (Nga), Royal Opera House - London (Anh), Teatro di San Carlo tại Naples (Ý), Sydney Opera House của Sydney (Úc) và nhà hát Teatro Colón tại Buenos Aires (Argentina).
Đứng đầu danh sách, công trình biểu tượng văn hóa mới của Hà Nội đã khẳng định tiềm năng và sức ảnh hưởng đạt đến phạm vi toàn cầu. Sự công nhận của các chuyên gia du lịch thế giới đã góp phần củng cố vị thế của nhà hát Hồ Gươm và tôn vinh những đóng góp của Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng vào lĩnh vực văn hóa toàn cầu.
Nhà hát Hồ Gươm tọa lạc tại số 40-40A Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm), khởi công tháng 10/2021, vừa được Bộ Công an và UBND TP Hà Nội tổ chức lễ khánh thành vào tháng 7/2023. Đây là vị trí đắc địa ở trung tâm Thủ đô, cách hồ Hoàn Kiếm chỉ 3 phút đi bộ.
Với diện tích 5.000m2, tọa lạc tại vị trí đắc địa giàu giá trị văn hóa bậc nhất của Thủ đô, cùng trang thiết bị tiên tiến, hiện đại ứng dụng công nghệ hàng đầu, nhà hát Hồ Gươm hội đủ các điều kiện để trở thành tâm điểm của các sự kiện chính trị, văn hóa nghệ thuật, góp phần quảng bá văn hóa du lịch, phát triển kinh tế xã hội của Hà Nội.
Vượt qua những khó khăn của đại dịch Covid-19, dự án nhà hát Hồ Gươm hoàn thành chỉ trong 22 tháng và gây ấn tượng bởi phong cách thiết kế tân cổ điển, có sự giao thoa văn hóa bản địa và đương đại.
Nhà hát Hồ Gươm gồm 6 khu vực: sảnh lớn và sảnh nhỏ phía trước phục vụ tiếp đón khách; lõi giao thông đứng tạo điều kiện di chuyển dễ dàng; khán phòng lớn sức chứa 900 khách và khán phòng nhỏ sức chứa 500 khách; khu vực hậu trường với sảnh diễn viên, sân khấu phụ, phòng tập, kho đạo cụ, khu văn phòng; hầm để xe cho khách và nhân viên; không gian đa năng, phòng nghỉ giải lao và sân vườn tầng 6.
Điểm nhấn kiến trúc châu Âu  xưa toát lên sự sang trọng và lộng lẫy từ 52 cột đá nguyên khối, được nhập khẩu trực tiếp từ Tây Ban Nha, cùng các khối mặt kính và mái vòm bao bọc tòa nhà.
Khán phòng lớn được trang trí cách điệu từ hình ảnh bông lúa quen thuộc, trong khi khán phòng nhỏ được thiết kế như một bông hoa đang nở với đường nét là những sóng âm lan tỏa. Hệ thống âm thanh gồm hệ thống loa Array và loa Constellation, nằm chìm trong tường, vòm, được thiết kế cách điệu hình lá lúa với các lỗ nhỏ như tổ ong, giúp khán giả tận hưởng âm thanh ở mọi góc. Dưới mỗi ghế ngồi của khán giả được trang bị miệng gió điều hòa giúp nhiệt độ được phân tán đều.
Nhà hát có trần sảnh chính lấy ý tưởng từ bầu trời đầy sao đêm với dàn đèn lộng lẫy (3.000 bóng đèn led thả xuống từ trần). Từng chi tiết thiết kế của hệ mái sảnh và nội thất bên trong nhà hát lại tái hiện một phần lịch sử của dân tộc Việt Nam qua những hoa văn truyền thống biểu trưng cho văn hóa Việt như mặt trời, chim hạc, trống đồng Đông Sơn, các nhạc cụ dân tộc… Đặc biệt ấn tượng là bức điêu khắc kính Huyền thoại hồ Gươm đặt trên khối kính màu xanh lục tại sảnh thông giữa tầng hầm 1 và hầm 2, nhằm kết nối không gian bằng hình khối và ánh sáng.
Hệ thống hội trường đa năng tạo nên địa điểm linh hoạt, có thể tổ chức các sự kiện khác nhau. Hệ thống cấu hình này hoàn toàn tự động và trong vài phút có thể cho phép thay đổi linh hoạt không gian phòng khác nhau, phù hợp cho nhiều mục tiêu khai thác.
Ánh sáng của nhà hát Hồ Gươm đáp ứng được đa dạng các loại hình nghệ thuật khác nhau, gồm hệ thống: ánh sáng để chiếu vào sân khấu, ánh sáng để theo dõi các diễn viên, ánh sáng để tạo nên các khung cảnh nghệ thuật.
Khu vực biểu diễn nghệ thuật là "trái tim" của nhà hát Hồ Gươm. Nơi đây có 2 khán phòng (sức chứa 500 và 900 chỗ), đáp ứng được mọi yêu cầu về mặt biểu diễn cho các loại hình nghệ thuật khác nhau, từ ba-lê đến nhạc kịch, từ giao hưởng phương Tây đến âm nhạc, sân khấu truyền thống của Việt Nam...
Đây là nhà hát đầu tiên tại Việt Nam được cung cấp loại máy móc thiết bị đạt tiêu chuẩn quốc tế, có khả năng đáp ứng đa dạng yêu cầu trình diễn của nhiều loại hình nghệ thuật, từ opera, nhạc giao hưởng, nhạc kịch, cho tới biểu diễn âm nhạc hiện đại, hội thảo, show truyền hình… Các thiết bị âm thanh tại đây đều được đặt hàng riêng để tương thích với thiết kế nhà hát, tuân thủ những tiêu chuẩn cao nhất.
Việc đầu tư xây dựng nhà hát Hồ Gươm - công trình văn hóa mang tầm vóc quốc tế - đã khẳng định tâm huyết của Bộ Công an và TP Hà Nội trong việc kiến tạo nên một thiết chế văn hóa đẳng cấp, góp phần thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, nhà nước về văn hóa, văn nghệ và xây dựng thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".
Nhà hát Hồ Gươm đi vào hoạt động đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật thẩm mỹ không chỉ cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân mà còn cho nhân dân Thủ đô cũng như cả nước. Nhà hát Hồ Gươm được kỳ vọng sẽ trở thành công trình biểu tượng về văn hóa, biểu tượng của du lịch Thủ đô  và Việt Nam.
Giải thưởng hơn 115 tỷ đồng của ông Phạm Nhật Vượng chính thức tìm được chủ nhân 
Hà Nội phê duyệt quy hoạch nhà hát Opera tầm cỡ quốc tế tại Quảng An, Tây Hồ