Vĩ mô

Cần một đạo luật riêng về xử lý tài sản bảo đảm

Khúc Văn 23/04/2025 - 16:23

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng các nhóm vấn đề lớn trong dự thảo (thu giữ tài sản, xử lý tài sản liên quan thi hành án, xử lý vật chứng) đều cần được luật hóa trên nguyên tắc minh bạch, cân bằng lợi ích và tính khả thi cao. Ông Hiếu cũng đề xuất rằng cần tiến tới ban hành một đạo luật riêng về xử lý tài sản bảo đảm, để đảm bảo tính hệ thống, thay vì xử lý lẻ tẻ qua nhiều luật khác nhau.

Tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế hiện vào khoảng 4 triệu tỷ đồng

Nghị quyết 42 được Quốc hội ban hành năm 2017 nhằm tạo lập cơ sở pháp lý giúp xử lý nợ xấu nhanh hơn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, Nghị quyết 42 đã kết thúc sứ mệnh vào ngày 31/12/2023. Từ đó đến nay, việc xử lý nợ xấu bộc lộ nhiều vấn đề.

TS Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng dẫn chứng: Ngày 31/12/2023, Nghị quyết số 42 chính thức hết hiệu lực, tổng số nợ xấu là 4,55%, nếu tính cả nợ tiềm ẩn là 6,41%. Tính đến ngày 31/12/2024, tổng nợ xấu khoảng 5,46% với số tiền là 1.030.000 tỉ đồng, đây là con số rất lớn.

“Trong số hơn 40.000 các vụ việc có hiệu lực thi hành, chuyển sang thi hành án, năm 2024, chỉ giải quyết được 15% vụ án với số tiền nhỏ so với bản án có hiệu lực. Có thể thấy, sau khi Nghị quyết số 42 hết hiệu lực, ý thức trả nợ của khách hàng kém đi”, ông Hùng nói.

23 ngân hàng giảm lãi suất tiết kiệm
Nghị quyết 42 hết hiệu lực, ý thức trả nợ kém đi.

Ông Hoàng Hải Vương, Giám đốc Khu vực Nam sông Hồng, Ngân hàng Eximbank Hoàng Hải Vương cho biết các ngân hàng phải trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu. Điều này ảnh hưởng ngay tới lợi nhuận nên ngân hàng phải huy động và cho vay với lãi suất cao hơn.

“Nếu có cơ chế giải quyết nợ xấu hiệu quả sẽ giúp khơi thông nguồn lực này, qua đó giúp ngân hàng giảm lãi suất, tăng trưởng tín dụng phục vụ cho tăng trưởng hai con số”, ông Vương nói.

TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam, cũng chia sẻ, với tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế hiện vào khoảng 4 triệu tỷ đồng, nếu tỷ lệ nợ xấu rơi vào khoảng 6 - 7% thì con số tuyệt đối tương đương khoảng hơn 1 triệu tỷ đồng. Như vậy, hơn 1 triệu tỷ đồng này là nguồn vốn không được sử dụng hiệu quả và là nguồn vốn chết.

“Nguồn vốn chết, ở đây gồm cả vốn của ngân hàng, vốn của người dân và vốn của nền kinh tế. Ngoài ra, những tài sản được thế chấp cũng không được sử dụng. Như vậy, tác hại gấp đôi là không chỉ nguồn vốn bị đóng băng mà tài sản liên quan cũng không được sử dụng, khai thác do vướng rủi ro pháp lý”, ông Bình nêu.

Theo ông Bình, tỷ lệ nợ khó đòi 6% trên tổng dư nợ là khá cao so với các quốc gia đang phát triển. Ở các quốc gia khác, tỷ lệ này chỉ khoảng 2 - 3%, một số nước khác cao nhất cũng chỉ đến 4%. Với 6% này, ngân hàng bắt buộc phải trích lập dự phòng rủi ro, thực hiện các biện pháp tính phí. Như vậy, lãi suất sẽ gia tăng, khiến lãi suất hiện nay cao như vậy.

Cho rằng đây là một điểm nghẽn rất lớn, ông Bình nêu rõ chỉ cần giảm nợ xấu xuống khoảng 3 hoặc 2%, việc sử dụng nguồn lực của nền kinh tế sẽ tăng lên đáng kể; chi phí giảm lãi vay cho các doanh nghiệp sẽ đem lại nhiều lợi ích và sự an toàn của hệ thống ngân hàng, hệ thống tài chính sẽ được cải thiện.

>>Ngân hàng Big4 đầu tiên báo lãi hơn 9.400 tỷ đồng quý I/2025

Cần tiến tới một đạo luật riêng về xử lý tài sản bảo đảm

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đề xuất luật hóa 3 nhóm chính sách tại Nghị quyết 42.

Một là, các tổ chức tín dụng được quyền thu giữ tài sản bảo đảm trong trường hợp có thỏa thuận đồng ý giữa khách vay và tổ chức tín dụng.

Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu thông tin nợ nhóm 5 của nhiều ngân hàng tăng
Cần tiến tới một đạo luật riêng về xử lý tài sản bảo đảm.

Hai là, tài sản của bên phải thi hành án đang được sử dụng làm tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu chỉ bị kê biên trong trường hợp thi hành bản án, quyết định về cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc được sự đồng ý của các tổ chức tín dụng.

Ba là, đối với tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, sau khi hoàn tất thủ tục xác nhận chứng cứ và xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý và thi hành án thì cơ quan tiến hành tố tụng hoàn trả vật chứng này cho các tổ chức tín dụng.

Cho rằng việc luật hóa 3 nội dung cơ bản là đủ và cần thiết, ông Nguyễn Quốc Hùng lưu ý, cần quy định hết sức cụ thể, đặc biệt là quyền thu giữ tài sản với các điều kiện, trình tự thủ tục rõ ràng, minh bạch, công khai, hiệu quả, bảo đảm hài hòa lợi ích các bên.

Nói về quyền thu giữ tài sản, ông Lê Duy Bình cho rằng đó là quyền đương nhiên và được bảo vệ bởi các quy định pháp luật. Khi khách hàng tham gia giao dịch dân sự với tổ chức tín dụng, đó là hợp đồng.

“Rõ ràng, nhiều quy định pháp luật khác chưa làm rõ vấn đề này và chưa bảo vệ quyền lợi của ngân hàng, doanh nghiệp. Đặc biệt, doanh nghiệp này không chỉ dùng tiền của ngân hàng, cổ đông để vay, mà phải huy động 70 - 80% vốn từ nguồn vay. Đây là tiền của người gửi tiền vào ngân hàng, chứ không phải tiền của các ông chủ ngân hàng”, ông Bình nói.

Theo đó, ông Bình nhấn mạnh quyền thu giữ tài sản, đất đai, và các quy trình tố tụng phải hiệu quả, minh bạch và nhanh chóng. Tuy nhiên, đây là trách nhiệm của hệ thống tư pháp và cần phải làm tốt hơn.

Ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội - cho rằng các nhóm vấn đề lớn trong dự thảo (thu giữ tài sản, xử lý tài sản liên quan thi hành án, xử lý vật chứng) đều cần được luật hóa trên nguyên tắc minh bạch, cân bằng lợi ích và tính khả thi cao.

Ông Hiếu cũng đề xuất rằng cần tiến tới ban hành một đạo luật riêng về xử lý tài sản bảo đảm, để đảm bảo tính hệ thống, thay vì xử lý lẻ tẻ qua nhiều luật khác nhau.

Ông Hoàng Hải Vương cũng nêu rằng quyền thu giữ tài sản không nên chỉ dừng lại ở văn bản pháp luật, mà cần có quy định rõ về trách nhiệm cá nhân khi để xảy ra nợ quá hạn, nợ xấu, hạn chế tối đa việc lạm dụng để "o bế", lạm trục lợi việc bán tài sản khách hàng...

“Về phía ngân hàng cũng có những quy định kiểm soát chặt chẽ với các cán bộ, có chế tài với cán bộ khi để xảy ra nợ xấu. Eximbank kỳ vọng rằng khi luật được ban hành, ngân hàng sẽ có công cụ pháp lý đủ mạnh để xử lý nợ đến tận cùng vụ việc không để vướng mắc kéo dài, đồng thời củng cố văn hóa vay và cho vay trên cơ sở liêm chính”, ông Hoàng Hải Vương nhấn mạnh.

>>Cổ phiếu ngân hàng bứt phá giữa mùa ĐHĐCĐ: SHB tăng trần, thanh khoản gần 1.700 tỷ đồng

Chủ dự án Vinhomes Global Gate báo lãi quý kỷ lục, gấp nhiều lần ngân hàng lớn

Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển khẳng định: Mỹ áp thuế đối ứng Việt Nam ảnh hưởng không lớn tới hoạt động của ngân hàng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/can-mot-dao-luat-rieng-ve-xu-ly-tai-san-bao-dam-287644.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Cần một đạo luật riêng về xử lý tài sản bảo đảm
    POWERED BY ONECMS & INTECH