Trước thềm cả nước sáp nhập, thành phố này vừa xác lập kỷ lục chưa từng có về kinh tế
Thành phố này nằm trong nhóm 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh không thực hiện sáp nhập.
UBND thành phố Huế cho biết, tốc độ tăng trưởng GRDP của thành phố trong quý I/2025 ước đạt 9,9%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay, điều này sẽ tạo nền tảng và động lực cho tăng trưởng từ 10% trở lên trong năm 2025.
Về lĩnh vực dịch vụ, nhiều hoạt động lễ hội văn hóa đặc sắc được tổ chức, đặc biệt tổ chức rất thành công Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia gắn với Festival Huế đã tạo điểm nhấn, kích cầu du lịch trong những tháng đầu năm.
Trong quý I/2025, lượng khách đến thành phố ước đạt gần 1,5 triệu lượt, tăng 62% so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế ước đạt hơn 650 nghìn lượt, tăng gần 50%; doanh thu từ du lịch ước đạt hơn 2.600 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ.
>>TP.HCM sau sáp nhập: Dân số, diện tích và GRDP so sánh ra sao với Thượng Hải, Bangkok, Singapore?
![]() |
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Trong quý I/2025, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 3.520 tỷ đồng, bằng 28,5% dự toán và tăng 28% so với cùng kỳ. Trong đó: Thu nội địa ước đạt 3.232 tỷ đồng, bằng 28,6% dự toán, bằng 22,4% so với chỉ tiêu phấn đấu và tăng 26% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 287 tỷ đồng, bằng 27,4% dự toán, và tăng 55,4% so với cùng kỳ; thu viện trợ, huy động đóng góp 1,5 tỷ đồng, bằng 21,9% dự toán, bằng 23,1% so với chỉ tiêu phấn đấu và giảm 16,7% so với cùng kỳ.
Giải ngân kế hoạch đầu tư công đạt 23% kế hoạch, cao hơn mức trung bình cả nước và thuộc nhóm 10 địa phương dẫn đầu. Đặc biệt, trong quý I thành phố đã tạo điều kiện hỗ trợ, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc để nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục khởi công một số dự án trọng điểm...
Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I ước tăng 16,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2024 tăng 1,2%). Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 318 triệu USD, tăng 23% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 244,8 triệu USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 15.700 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ; lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, văn hóa xã hội cũng có nhiều điểm sáng…
Tại Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW về phương án sắp xếp 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh. Trong đó, 11 đơn vị hành chính cấp tỉnh không thực hiện sáp nhập gồm: Hà Nội, Huế, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Cao Bằng.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương với 458/461 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành. Nghị quyết này chính thức có hiệu lực từ 1/1/2025.
Theo đó, thành phố Huế được thành lập trên cơ sở giữ nguyên 4.947,11 km2 diện tích tự nhiên cùng quy mô dân số 1.236.393 người của tỉnh Thừa Thiên Huế, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam.
Tại thời điểm thành lập, thành phố Huế đã xô đổ hàng loạt kỷ lục ở Việt Nam như: thành phố rộng nhất Việt Nam (trước là Hà Nội), thành phố trực thuộc Trung ương có ít quận nhất Việt Nam với 2 quận là Phú Xuân và Thuận Hóa (trước là Cần Thơ với 5 quận); thành phố trực thuộc Trung ương có số dân ít nhất với 1.236.393 người và thưa dân nhất (khoảng 249 người/km2).