Căn nhà được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn bó lâu nhất lúc sinh thời
Ngôi biệt thự xây từ thời Pháp, rộng khoảng 200m2 với sân vườn và mặt tiền hướng ra đường Hoàng Diệu.
18h09, thứ Sáu, ngày 4/10/2013 tại Bệnh viện 108 , Đại tướng Võ Nguyên Giáp  đã đi vào cõi vĩnh hằng. Thông tin được Báo điện tử VnExpress đưa tin đầu tiên lúc 20h42 cùng ngày làm chấn động toàn thể người dân cả nước.
Chỉ vài giờ sau, các tờ báo trong nước bắt đầu đưa tin, tiếp đó các trang báo quốc tế đăng các bài về Đại tướng, "Người anh cả" của Quân đội nhân dân Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh … đã ra đi mãi mãi ở tuổi 103.
Với mỗi người dân Việt Nam, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mãi mãi là tượng đài bất tử. Lịch sử Việt Nam khắc tên Đại tướng - con người nhân cách, tài năng xuất chúng, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Đại tướng mất đi là sự mất mát vô cùng lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân...
11 năm kể từ ngày Đại tướng đi về cõi người hiền, căn nhà số 30 Hoàng Diệu - nơi Người từng sinh sống vẫn im lìm giữa chốn phồn hoa như vốn dĩ. Những hàng cây vẫn rì rào kể cho nhau nghe câu chuyện về một người dành cả cuộc đời cho đất nước.
Hiện nay, căn nhà này là nơi nhiều người thường xuyên lui tới để tưởng nhớ Đại tướng. Hằng năm, các dịp kỷ niệm của dân tộc, sinh nhật Đại tướng Võ Nguyên Giáp... vẫn có hàng nghìn người đến đây thắp nến tưởng nhớ.
Được biết, căn biệt thự  cổ kính 30 Hoàng Diệu là nơi ở trong suốt 60 năm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nằm trong khuôn viên xanh mát bởi cây xanh, ao cá, vườn hoa. Ngôi biệt thự xây từ thời Pháp, rộng khoảng 200m2 với sân vườn và mặt tiền hướng ra đường Hoàng Diệu, một trong những con đường luôn rợp mát và ít xe cộ đi lại tại Hà Nội.
Căn nhà này là nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng gia đình sinh sống từ sau ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954). Bên kia đường Hoàng Diệu là Tổng hành dinh  - nơi suốt ngày đêm, Đại tướng điều hành cuộc chiến đấu tại các mặt trận cho đến ngày toàn thắng.
Ngoài vườn là những lối nhỏ lúc sinh thời Đại tướng vẫn thường đi dạo sau những giờ làm việc. Bên trong là những giò phong lan - loài hoa mà Đại tướng thích nhất. Các cột của giàn hoa phong lan được hàn nối bằng hàng chục vỏ đạn đại bác 155 ly, dưới giàn hoa là một bể cá, nơi hàng ngày Đại tướng vẫn cho cá ăn.
Bộ bàn đá cũ đặt chính diện với lối dẫn vào phòng khách trước đây, bây giờ là nơi thờ phụng Đại tướng.
Bà Võ Hòa Bình - con gái Đại tướng Võ Nguyên Giáp xúc động kể lại, ngày 5/7/1967, trước ngày Đại tướng Nguyễn Chí Thanh , theo sự phân công của Bộ Chính trị, vào chỉ đạo chiến trường miền Nam, hai người cầm quân đã trải tấm bản đồ chiến sự lên bàn đá này để bàn bạc. Nào ngờ, đó cũng là cuộc gặp gỡ cuối cùng của hai vị Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam . Ngày hôm sau, 6/7/1967, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã đột ngột ra đi mãi mãi do một cơn đau tim nặng, để lại niềm tiếc thương khôn nguôi cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cho toàn quân, toàn dân ta.
Bên cạnh khu vườn là nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ở đây, ấn tượng nhất là đôi câu đối của Giáo sư Vũ Khiêu đề tặng Đại tướng: “Võ công truyền quốc sử. Văn đức quán nhân tâm” (Một vế nghĩa là võ công ghi vào sử đất nước, công lao của đồng chí về mặt quân sự sẽ tồn tại mãi mãi; vế kia là đạo đức và văn chương của đồng chí trùm lên lòng người).
Nhà làm việc của Đại tướng hiện tại như một bảo tàng thu nhỏ với hàng nghìn kỷ vật, tranh, ảnh, tượng, bức trướng của đồng bào, chiến sĩ khắp cả nước và bạn bè quốc tế trao tặng Đại tướng. Hai chiếc ghế đặt chính giữa cùng bàn làm việc là nơi Đại tướng và phu nhân thường ngồi tiếp khách một thời.
Trong ngôi nhà vẫn còn nguyên những kỷ vật kháng chiến, hình Đại tướng cười, hình những người lính năm xưa ngồi bên nhau bên chiến hào vẫn còn đó, sáng rỡ một góc 30 Hoàng Diệu...
Kỷ niệm 11 năm ngày Đại tướng về với thế giới người hiền, cũng như suốt 11 năm qua, mỗi người dân Việt Nam vẫn mãi mang trong mình niềm kính yêu và tiếc thương vô hạn dành cho Người - vị Đại tướng sống mãi trong lòng dân!