Căn nhà làm từ gỗ quý rộng 500m2, không dùng đinh vẫn tồn tại gần 300 năm, là nơi lưu giữ nhiều cổ vật quý
Đây là một trong những ngôi nhà cổ còn lại nguyên vẹn và đẹp nhất Việt Nam.
Tọa lạc giữa trung tâm phố cổ Hội An  (Quảng Nam), nhà cổ Tấn Ký rộng khoảng 500m2, được mệnh danh là "bảo tàng sống" lưu giữ những giá trị văn hóa, nghệ thuật và lịch sử của phố cổ Hội An. Xây dựng từ năm 1741, ngôi nhà là nơi sinh sống của 7 thế hệ dòng họ Lê. Đến nay, gia chủ vẫn sống ở tầng trên, trong khi tầng trệt mở cửa đón khách tham quan.
Theo Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An, chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà Tấn Ký là ông Lê Tư Hiên, còn có tên gọi khác là Lê Công. Mồ côi từ khi mới 7 tuổi, ông lớn lên dưới sự nuôi dưỡng của người cậu. Nhờ tài trí và sự tháo vát trong buôn bán, ông Hiên nhanh chóng trở thành thương gia giàu có tại xã Minh Hương lúc bấy giờ.
Để xây dựng căn nhà phù hợp với sự thành đạt của mình, ông tích lũy gỗ mít, lim, kiền kiền… trong suốt 10 năm và mời thợ làng nghề Kim Bồng tài hoa đục đẽo suốt 3 năm mới hoàn thành ngôi nhà vào năm 1741.
Ngôi nhà gồm 2 tầng, 3 gian với lối kiến trúc kết hợp giữa ba nền văn hóa Việt - Hoa - Nhật, là một trong những ngôi nhà cổ đẹp và nguyên vẹn nhất Việt Nam. Kiến trúc Việt thể hiện qua nhà 3 gian, mái ngói âm dương, các cột và kèo được chạm trổ tinh xảo với các họa tiết như đầu cá đuôi rồng, quả lựu, trái bí đỏ, quả đào và hình ảnh con dơi.
Phòng khách của ngôi nhà mang đậm phong cách Nhật Bản, xây dựng theo phong thủy ngũ hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ) với mái ngói âm dương hài hòa. Ngôi nhà có hình ống đặc trưng của kiến trúc Trung Hoa, với nhiều gian và phòng riêng biệt bên trong.
Điểm đặc biệt của ngôi nhà cổ  này là không có cửa sổ, nhưng lại không ngột ngạt hay nóng bức. Giữa nhà còn thiết kế giếng trời nhằm tận dụng tối đa nguồn ánh sáng tự nhiên và điều hòa luồng không khí trong nhà.
Vật liệu nội thất trong nhà chủ yếu làm từ các loại gỗ quý  được chạm trổ, điêu khắc rất tinh xảo thể hiện sự sung túc của các thế hệ chủ nhân. Kèo và sườn nhà được làm bằng gỗ lim, cửa được làm bằng gỗ mít, bàn ghế làm bằng gỗ kiền kiền. Bên cạnh đó còn có đá mang về từ Thanh Hóa, gạch lát nền là loại gạch Bát Tràng giúp ngôi nhà mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông.
Một điểm thú vị và đặc biệt của ngôi nhà cổ Tấn Ký là không có sự xuất hiện của bất kỳ chiếc đinh nào. Tất cả các cột, kèo đều được dựng lên và khớp với nhau bằng mộng, rất kiên cố và vững chắc.
Nhà cổ Tấn Ký lưu giữ nhiều hoành phi, liễn đối mang giá trị nghệ thuật và triết lý sâu sắc, nổi bật như bức "Tích đức lưu tôn" (khuyên bảo con cháu giữ gìn đức tốt cho thế hệ sau), "Tâm thường thái" (giữ tâm yên tĩnh)... Đặc biệt, bộ liễn đối "Bách Điểu" được chạm khắc với 100 nét hình con chim, là tác phẩm độc đáo trong giới khảo cổ.
Nhưng quý giá hơn cả, có lẽ là chiếc “chén Khổng Tử” - một báu vật vô giá, gắn với tích xưa về Khổng Tử, khuyên con người phải biết kiềm chế hành vi, giữ mình ở trạng thái trung hòa, không thái quá. Nội dung thuyết này khá khó hiểu với người đời, nên các môn đệ của ông đã làm ra chiếc chén không đầy như trên để người đời dễ hiểu và làm theo.
Một điều đặc biệt nữa làm nên tên tuổi của nhà cổ Tấn Ký, đây là ngôi nhà cổ đầu tiên vinh dự trở thành Di sản Quốc gia  và cũng là ngôi nhà cổ ở Hội An hân hạnh đón tiếp các nguyên thủ quốc gia, chính khách trong và ngoài nước. Nhiều đoàn làm phim cũng từng đóng phim tại đây.
Hiện nay, nhà cổ Tấn Ký nằm trong diện bảo tồn đặc biệt của Hội An, trở thành nơi tham quan lý tưởng của khách du lịch khi đến với phố cổ và muốn tìm hiểu các giá trị văn hóa lịch sử lâu đời.