Xã hội

Cây gỗ quý 2.000 năm tuổi được xếp vào nhóm nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam có đường kính thân 5,5m, nằm trong lòng Khu dự trữ sinh quyển thế giới lớn nhất ĐNÁ

Thùy Dung 07/11/2024 08:32

Hiện nay, cây gỗ quý này đang được bảo tồn nghiêm ngặt tại vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An.

Tại thượng nguồn Khe Bu, thuộc Vườn quốc gia Pù Mát (xã Châu Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) có một cây sa mu dầu cao lớn với chiều cao khoảng 70 m và đường kính thân hơn 5,5 m. Cây sa mu dầu này đã hơn 2.000 năm tuổi từng được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (VACNE) công nhận là “Cây Di sản Việt Nam” vào tháng 10/2010.

Chia sẻ với Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Trần Xuân Cường, Giám đốc Vườn quốc gia Pù Mát cho biết, cây sa mu dầu này là niềm tự hào của không chỉ riêng vườn quốc gia mà còn của cả tỉnh Nghệ An. Ông nhấn mạnh: "Nhiệm vụ của vườn là luôn bảo vệ cây sa mu dầu một cách tốt nhất để phục vụ công tác bảo tồn và phát triển nguồn gen quý của loại cây này". Cây vẫn đang phát triển bình thường, với tán lá thưa hình nón hẹp, thân thẳng và không có bạnh gốc.

Cây gỗ quý 2.000 năm tuổi được xếp vào nhóm nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam có đường kính thân 5,5m, nằm trong lòng Khu dự trữ sinh quyển Thế giới lớn nhất ĐNÁ - ảnh 1
Hình ảnh cây sa mu dầu cao lớn với chiều cao khoảng 70 m và đường kính thân hơn 5,5 m. Ảnh: Tài nguyên & Môi trường

Để chiêm ngưỡng “Cây Di sản Việt Nam” này, du khách phải vượt qua hành trình khá gian nan, đi bộ và lội suối trong gần một ngày trời. Thậm chí, khi các cán bộ Vườn quốc gia Pù Mát phát hiện ra cây, họ đã phải nhờ người dân bản địa dẫn đường và gùi lương thực, mất tới 7 ngày mới đến được vị trí cây sa mu dầu này. "Việc phát hiện cây sa mu dầu một lần nữa khẳng định rừng nguyên sinh Pù Mát ẩn chứa nhiều giá trị bảo tồn quý báu cần được nghiên cứu và bảo vệ nghiêm ngặt", ông Cường cho biết thêm.

Cây sa mu dầu này có tên khoa học là Cunninghamia konishii hayata, thuộc họ Taxodiaceae. Trong ngôn ngữ của đồng bào Thái ở Con Cuông, cây được gọi là Mậy Pẹc một tên gọi thân thuộc nhưng cũng đầy tôn kính với loài cây cổ thụ.

Cây gỗ quý 2.000 năm tuổi được xếp vào nhóm nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam có đường kính thân 5,5m, nằm trong lòng Khu dự trữ sinh quyển Thế giới lớn nhất ĐNÁ - ảnh 2
Cây sa mu dầu này là niềm tự hào của không chỉ riêng vườn quốc gia mà còn của cả tỉnh Nghệ An. Ảnh: Tài nguyên & Môi trường

Loài sa mu dầu là cây gỗ quý, có nguy cơ cao tuyệt chủng do cây mẹ đã già mà không có cây con tái sinh. Gỗ của sa mu dầu bền chắc, ít bị mối mọt, có vân hoa và màu sắc đẹp, rất được ưa chuộng trong sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, các vật dụng gia đình và trong xây dựng. Đây là một trong những lý do loài cây này cần được bảo vệ chặt chẽ.

Hiện nay, nhằm bảo tồn phát triển loài sa mu dầu, các cán bộ Phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế (Vườn Quốc gia Pù Mát) đang tiến hành thử nghiệm nhân giống bằng giâm hom. Ở Việt Nam, loại cây này phân bố hẹp, nằm rải rác dọc biên giới Việt Lào từ huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) đến huyện Kỳ Sơn (Nghệ An).

Cây gỗ quý 2.000 năm tuổi được xếp vào nhóm nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam có đường kính thân 5,5m, nằm trong lòng Khu dự trữ sinh quyển Thế giới lớn nhất ĐNÁ - ảnh 3
Cây sa mu dầu cao lớn với chiều cao khoảng 70 m. Ảnh: Tài nguyên & Môi trường

Pù Mát là Khu dự trữ sinh quyển thế giới (DTSQTG) được Tổ chức Khoa học, Giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận từ tháng 9/2007. Và đến ngày 29/4/2011, UBND tỉnh Nghệ An long trọng tổ chức lễ công bố quyết định công nhận Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An cho Vườn quốc gia Pù Mát.

Khu DTSQTG trải dài trên 9 huyện miền núi phía Tây của tỉnh Nghệ An với diện tích 1.303.285 ha (lớn nhất Đông Nam Á). Trung tâm “xanh” của KDTSQTG được liên kết bởi Vườn quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.

Cây gỗ quý 2.000 năm tuổi được xếp vào nhóm nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam có đường kính thân 5,5m, nằm trong lòng Khu dự trữ sinh quyển Thế giới lớn nhất ĐNÁ - ảnh 4
Xung quanh "cụ" sa mu nghìn năm tuổi này còn có hàng loạt các cây sa mu "con". Ảnh: Tài nguyên và Môi trường

Đây là khu vực có đặc tính đa dạng sinh học rất cao, đại diện cho hầu hết các kiểu rừng mưa nhiệt đới phía Bắc dãy Trường Sơn. Mật độ che phủ rừng toàn khu vực trên 70% với nhiều đỉnh núi cao như Pù Xai Lai Leng, Pù Đen Đinh, Pù Mát.Giá trị bảo tồn đa dạng sinh học của Khu dự trữ sinh quyển thể hiện ở sự có mặt của 70 loài thực vật và 80 loài động vật được liệt kê trong sách đỏ Việt Nam.

Bênh cạnh đó, KDTSQTG còn là nơi sinh sống của 884.000 người thuộc 7 dân tộc: Kinh, Thái, Khơ Mú, Thổ, H'Mông, Đan Lai, Ơ đu (chỉ còn lại khoảng 340 người). Sự hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên và không gian văn hóa đang tạo nên sức hấp dẫn kỳ lạ của khu vực này - địa điểm quan trọng cho các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, bản sắc văn hóa và tiến hành các chương trình phát triển kinh tế xã hội bền vững của tỉnh Nghệ An.

>> Loại cây gỗ quý hiếm được coi như 'khối vàng lộ thiên' ở bờ Hồ Hoàn Kiếm, được bảo vệ nghiêm ngặt ngày đêm

Cây gỗ quý hiếm cao 17m, nặng 10 tấn phát trầm từ rễ đến ngọn, trị giá hàng chục tỷ đồng ở Việt Nam

Cây gỗ quý được cho là chứng tích của trận thủy chiến lớn bậc nhất trong lịch sử Việt Nam, từng được công nhận là di tích lịch sử

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/cay-go-quy-2000-nam-tuoi-duoc-xep-vao-nhom-nguy-cap-trong-sach-do-viet-nam-co-duong-kinh-than-55m-nam-trong-long-khu-du-tru-sinh-quyen-the-gioi-lon-nhat-dna-129775.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Cây gỗ quý 2.000 năm tuổi được xếp vào nhóm nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam có đường kính thân 5,5m, nằm trong lòng Khu dự trữ sinh quyển thế giới lớn nhất ĐNÁ
    POWERED BY ONECMS & INTECH