Cây gỗ quý được cho là chứng tích của trận thủy chiến lớn bậc nhất trong lịch sử Việt Nam, từng được công nhận là di tích lịch sử
Không chỉ là chứng tích lịch sử, hai cây lim còn gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây.
Với người dân phường Quảng Yên, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh, hai cây lim  giếng Rừng không còn là điểm đến xa lạ.
Theo VnExpress, hai cây lim nằm dưới chân núi Tiên Sơn, có tuổi đời hơn 700 năm. Đây chính là dấu tích của khu rừng cổ mà quân và dân nhà Trần đã lấy gỗ dựng trận địa cọc, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Bạch Đằng, đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông vào ngày 8/3 năm Mậu Tý 1288. Lim giếng Rừng gần sông Bạch Đằng, cách bãi cọc Yên Giang khoảng 2km. Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 dưới sự chỉ huy của Trần Hưng Đạo  được coi là trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử Việt Nam.
Tuy nhiên, thông tin từ Báo Quảng Ninh đăng năm 2023, về mặt sinh học thì hai cây lim này là giống lim muồng, thân không thẳng lại có rất nhiều cành nên việc làm cọc có phần khó khăn. Hơn nữa, về mặt niên đại của hai cây lim này cũng chưa có những chứng cứ xác đáng để khẳng định là lim cùng thời với những cây đã được đóng cọc xuống sông ở trận Bạch Đằng năm 1288.
Trải qua hàng trăm năm với nhiều sự biến động và tàn phá của chiến tranh, nhưng hai cây lim cổ thụ vẫn xanh tốt, nằm giữa trung tâm thị xã Quảng Yên.
Một cây cao khoảng 30m, chu vi gốc 5,5m, cành lá xum xuê, xanh tốt, tán lá vươn rộng 20m. Cây thứ hai to hơn, cao khoảng 30m, chu vi gốc tới 7,2m, tán lá vươn rộng khoảng 25m. Trên cây lim còn có một số thực vật ký sinh sống.
Năm 2008 và 2011, hai cây lim có biểu hiện khô lá do ảnh hưởng của thời tiết. Người dân đã cứu cây bằng cách cắt tỉa cành khô, tưới hóa chất sinh trưởng và bổ sung chất dinh dưỡng, nên chúng tươi tốt như ngày nay.
Không chỉ là chứng tích lịch sử , hai cây lim còn gắn liền với đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây. Nhờ bóng mát của cây, nơi đây trở thành chỗ vui chơi của trẻ nhỏ và là nơi người già tập thể dục mỗi chiều.
Hai cây lim có giá trị lớn về mặt lịch sử, được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích cấp Quốc gia năm 1998 và thuộc cụm di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng. Ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng Khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 là Di tích Quốc gia đặc biệt.