Khúc gỗ quý bị chôn vùi gần 4.000 năm trong bùn đất nhưng không có dấu hiệu phân hủy, chuyên gia khẳng định là 'báu vật' hiếm có
Phát hiện bất ngờ về khúc gỗ quý hiếm khiến không ít chuyên gia phải bàng hoàng.
Một phát hiện khảo cổ học đáng kinh ngạc đã được công bố trên tạp chí Science ngày 26 tháng 9. Tại Saint-Pie, Quebec, Canada, các nhà khoa học đã tìm thấy một khúc gỗ  hóa thạch với tuổi đời lên đến 3.775 năm. Khám phá này được thực hiện trong quá trình nghiên cứu các hầm gỗ cổ đại, nơi người xưa chôn vùi gỗ để giảm thiểu lượng carbon thải ra môi trường.
Ý tưởng về việc sử dụng vòm gỗ để cô lập carbon được nhà khoa học khí hậu Ning Zeng từ Đại học Maryland khởi xướng. Ông đã dành nhiều năm nghiên cứu và tìm cách thương mại hóa công nghệ này. Nghiên cứu đầu tiên của ông về việc chôn gỗ để cô lập carbon đã được công bố vào năm 2008, mở ra một hướng đi mới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Theo nhiều nguồn tin, khúc gỗ hóa thạch này thuộc loài tuyết tùng đỏ phương Đông (Juniperus virginiana), được tìm thấy chôn vùi sâu 2m dưới lớp đất sét xanh gần bờ suối. Nhà khoa học Zeng cho biết: "Rất có thể khúc gỗ này đã bị cuốn trôi đến đây trong một trận lũ lớn và bị vùi lấp dưới lớp trầm tích". Lớp đất sét dày đặc, ít oxy đã đóng vai trò như một chiếc "tủ lạnh" tự nhiên, ngăn cản sự phân hủy của gỗ và bảo vệ nó nguyên vẹn với thời gian.
Các tác giả nghiên cứu chỉ ra rằng, lignin và holocellulose trong gỗ có khả năng kháng khuẩn tự nhiên. Tuy nhiên, nếu không có lớp đất sét bảo vệ, khúc gỗ sẽ nhanh chóng bị phân hủy bởi các sinh vật. Môi trường yếm khí dưới lớp đất sét đã hạn chế sự phát triển của các vi sinh vật, tạo điều kiện cho gỗ được bảo quản tốt trong suốt hàng nghìn năm.
Các phân tích bằng phổ hồng ngoại và kính hiển vi điện tử quét cho thấy khúc gỗ cổ đại vẫn bảo tồn một lượng lớn carbon hấp thụ từ khí quyển trong suốt hàng nghìn năm. Mặc dù lượng carbon trong khúc gỗ này có thể thấp hơn khoảng 5% so với gỗ hiện đại cùng loài nhưng điều này không làm giảm giá trị của nó. Các chuyên gia khẳng định rằng đây chính là "báu vật " thực thụ, hiếm có khó tìm và không thể đong đếm bằng tiền bạc.