Khu rừng của Việt Nam bảo tồn hàng trăm cây gỗ quý hiếm có nguồn gốc từ hơn 10 triệu năm trước, 'núi tiền' cũng không mua nổi
Loại gỗ này có mùi thơm nhẹ tựa như gỗ sưa, lúc nào cũng tiết ra nhựa dù đã làm ra sản phẩm.
Thủy tùng là một loại cây vô cùng quý hiếm , xuất hiện hơn 10 triệu năm trước và sinh cùng thời với khủng long kỷ băng hà.
Loại cây này ưa sống ở những vùng có khí hậu mát mẻ. Hiện nay, thủy tùng chỉ còn rải rác ở mọc rải rác ở tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) và tỉnh Khăm Muộn (Lào). Việt Nam là nước cuối cùng có thủy tùng và là nước duy nhất trên thế giới có quần thể thủy tùng tự nhiên.
Cây thủy tùng ở nước ta là loài cây rừng quý hiếm nằm trong Sách Đỏ. Loại cây này chỉ còn phân bố hai quần thể tự nhiên ở Đắk Lắk gồm xã Ea Ral, huyện Ea H'leo 161 cây; xã Ea Hồ, huyện Krông Năng 21 cây và 1 cây tại thị xã Buôn Hồ.
Theo Tiến sĩ Trần Vinh, hơn nửa thế kỷ nay, do nhiều yếu tố nên không một cây thủy tùng con nào sinh trưởng và phát triển, dẫn đến thủy tùng “vô sinh”, đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Để bảo vệ loài thực vật quý hiếm  trước nguy cơ tuyệt chủng, năm 2011, UBND tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt dự án bảo tồn cây thủy tùng. Đến tháng 8/2012, Ban Quản lý Khu bảo tồn sinh cảnh thủy tùng được thành lập.
Thủy tùng là một loại gỗ  tốt, có mùi thơm, thớ mịn và không bị mối mọt, nứt nẻ, cong vênh. Theo phong thủy, gỗ thủy tùng có tác dụng vượng, vì vậy các nghệ nhân hàng đầu Việt Nam thường dùng loại gỗ này làm lục bình hoặc tạc các bức tượng với ý nghĩa mang lại bình an và may mắn cho gia đình. Gỗ thủy tùng chắc, có vân rất đẹp và có mùi thơm…
Một số phần khác của cây thủy tùng còn được dùng làm thuốc chữa phong thấp, giảm đau, làm săn da. Cây có dáng đẹp, có thể trồng làm cảnh hoặc trồng ven hồ ao để giữ đất, chống xói lở rất hiệu quả.
Về giá trị kinh tế, gỗ thủy tùng đắt vì có màu viền đẹp, không bị mối mọt nên được dùng làm tượng, đồ mỹ nghệ cao cấp. Loại gỗ này cũng có nhiều màu như xanh đen, xanh ngọc bích, tím, vàng, đỏ, nâu đỏ…
Vân cũng được chia ra vân chỉ, chuối hoặc không vân (hàng gốc). Đặc biệt, gỗ mùi thơm nhẹ tựa như gỗ sưa, lúc nào cũng tiết ra nhựa dù đã làm ra sản phẩm. Một khúc gỗ thủy tùng dài 1m, đường kính 80cm đã có giá khoảng 250 triệu đồng.
Do có giá trị cao, loại cây này đã được săn lùng như vàng, số lượng cây đã ít lại càng trở nên khan hiếm. Vì vậy, những cây thủy tùng còn sót lại ở các địa phương là báu vật vô cùng quý giá.
Theo lời kể của người dân địa phương tại xã Ea Rah, huyện Ea H'leo, những cây thủy tùng mọc ở khu vực đập nước từ rất lâu đời, thậm chí có những cây còn mọc giữa lòng hồ. Tuy nhiên, mãi đến năm 2004, người ta mới biết đây là loài cây gỗ thủy tùng quý hiếm.
Trước đây, khi chưa biết giá trị quý hiếm của gỗ thủy tùng, người dân thường sử dụng loại gỗ này để xây dựng nhà cửa, đục đẽo tượng, làm bàn ghế... Hiện nay, do nhận thức được giá trị, người dân nơi đây đã không còn chặt phá gỗ thủy tùng. Những gia đình còn sở hữu đồ dùng làm từ gỗ thủy tùng đều cẩn thận gìn giữ như báu vật gia truyền.