Doanh nghiệp

Cảng Cái Mép đứng top đầu Đông Nam Á về tuyến tàu mẹ đi thẳng Mỹ và châu Âu

Hoàng Ngân 17/10/2024 - 11:26

Cảng Cái Mép đã đón các siêu tàu container có trọng tải lớn nhất thế giới, lên tới 232.000 tấn, đưa khu vực này trở thành một trong những cảng biển hiện đại và quy mô hàng đầu thế giới.

Tính đến đầu tháng 10/2024, cảng biển khu vực Cái Mép - Thị Vải đã ghi nhận sự phát triển vượt bậc với 22 tuyến dịch vụ tàu mẹ đi thẳng đến Hoa Kỳ và châu Âu. Theo thông tin từ Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, trong số 50 tuyến tàu container hàng tuần ghé cảng, có 4 tuyến đi châu Âu, 1 tuyến đi châu Âu - Mỹ, 7 tuyến đi bờ Đông Hoa Kỳ, 8 tuyến đi bờ Tây và 1 tuyến đi Mỹ - Canada. Đây là minh chứng cho sự lớn mạnh của hệ thống cảng biển Việt Nam, đặc biệt là khu vực Cái Mép, trong việc kết nối trực tiếp với các nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Ngoài các tuyến vận tải xa, hàng tuần còn có 14 tuyến tàu container từ các hãng tàu lớn vận hành trong khu vực Nội Á và 14 tuyến tàu gom hàng nội địa của các doanh nghiệp Việt Nam. Điều này đã giúp hệ thống cảng Cái Mép trở thành một trung tâm logistics quan trọng trong khu vực Đông Nam Á.

Cảng Cái Mép đứng top đầu Đông Nam Á về tuyến tàu mẹ đi thẳng Mỹ và châu Âu
Cụm cảng Cái Mép

Với số lượng tuyến tàu mẹ lớn, cảng Cái Mép hiện nay chỉ đứng sau Singapore tại Đông Nam Á về khả năng cung cấp các tuyến dịch vụ tàu container đi thẳng tới Hoa Kỳ và châu Âu. Sự phát triển này đã giúp các doanh nghiệp Việt Nam cắt giảm chi phí logistics, giảm sự phụ thuộc vào các cảng trung chuyển quốc tế, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng Bà Rịa - Vũng Tàu đạt hơn 100 triệu tấn, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng sản lượng container qua khu vực Cái Mép - Thị Vải (bao gồm cả hàng container nội địa) đạt gần 8 triệu TEUs, tăng 37% so với năm trước. Số lượt tàu có trọng tải trên 80.000 tấn đến cảng cũng đạt con số 1.661 lượt, tương đương hơn 6 lượt mỗi ngày.

Đáng chú ý, cảng Cái Mép cũng đã đón các siêu tàu container có trọng tải lớn nhất thế giới, lên tới 232.000 tấn, đưa khu vực này trở thành một trong những cảng biển hiện đại và quy mô hàng đầu thế giới. Việc Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận cho phép cảng Gemalink tại Cái Mép tiếp tục khai thác tàu có trọng tải đến 232.500DWT cho đến tháng 6/2025 đã mở ra cơ hội đón tiếp nhiều tàu lớn hơn nữa, thúc đẩy tăng trưởng trong những năm tới.

Cảng Cái Mép đã đạt một cột mốc quan trọng khi lọt vào top 10 cảng container hoạt động hiệu quả nhất thế giới, đứng ở vị trí thứ 7 trong báo cáo Chỉ số Hoạt động Cảng Container 2023 do Ngân hàng Thế giới và S&P Global Market Intelligence công bố. Đây là thành tích ấn tượng, đánh dấu bước nhảy vọt từ vị trí thứ 12 trong năm 2022. Cảng Cái Mép cũng là cảng biển có thành tích cao thứ 5 tại khu vực châu Á và chỉ đứng sau cảng Tanjung Pelepas (Malaysia) trong khu vực Đông Nam Á.

Cảng Cái Mép đứng top đầu Đông Nam Á về tuyến tàu mẹ đi thẳng Mỹ và châu Âu
Cảng Cái Méplọt vào top 10 cảng container hoạt động hiệu quả nhất thế giới. Nguồn: Kinh tế Sài Gòn Online

>> Kho cảng LNG thứ hai trị giá 500 triệu USD của Việt Nam sắp vận hành

Việc cảng Cái Mép vươn lên vị trí cao trong bảng xếp hạng toàn cầu phản ánh những cải tiến mạnh mẽ trong quy trình tiếp nhận tàu, đẩy nhanh tiến độ làm hàng và sự hiệu quả của quá trình nạo vét luồng hàng hải, giúp tàu lớn ra vào dễ dàng hơn và chở thêm nhiều hàng hóa.

Bên cạnh việc nâng cao năng suất và chất lượng dịch vụ, cảng Gemalink thuộc khu vực Cái Mép đang triển khai giai đoạn II của dự án để tăng công suất tiếp nhận hàng hóa. Đồng thời, sự hợp tác giữa bến Tân Cảng Cái Mép - Thị Vải (TCTT) và bến Quốc tế Cái Mép (CMIT) đã tạo ra liên minh bến cảng đầu tiên trong khu vực, góp phần tạo nên mạng lưới logistics mạnh mẽ và đồng bộ hơn.

Với các bước tiến hiện tại, cụm cảng Cái Mép được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì vị trí hàng đầu trong khu vực và thế giới về hiệu quả hoạt động và năng lực tiếp nhận hàng hóa. Điều này không chỉ giúp nâng cao khả năng cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam mà còn góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế vùng và quốc gia.

Thông tin từ báo Giao Thông, tàu mẹ là thuật ngữ chỉ các tàu chạy vượt đại dương. Tàu mẹ thường là các tàu container cỡ lớn có sức tải từ 10.000Teus trở lên, được đóng để phục vụ cho việc vận tải hàng hóa bằng đường biển với khoảng cách xa. Trong vận tải biển, tàu mẹ chỉ phục vụ giữa các cảng lớn và sẽ thực hiện tuyến vận tải chính đường dài. Ở hai đầu hành trình của tàu mẹ sẽ có các tàu nhỏ hoặc sà lan phục vụ cho tàu mẹ trong việc bốc hàng lên hoặc dỡ hàng xuống, để chuyển hàng đến các cảng đích.

>> Cần làm rõ và chính xác mức đầu tư 67 tỷ USD cho dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Nhà thầu lớn nhất tại dự án đường Long Sơn - Cái Mép bị phạt 210 triệu vì hủy hoại đất

Cụm cảng Cái Mép xuất sắc lọt Top 7 cảng container hiệu quả nhất thế giới

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/cang-cai-mep-dung-top-dau-dong-nam-a-ve-tuyen-tau-me-di-thang-my-va-chau-au-254280.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Cảng Cái Mép đứng top đầu Đông Nam Á về tuyến tàu mẹ đi thẳng Mỹ và châu Âu
    POWERED BY ONECMS & INTECH