Càng đấu thầu vàng, giá càng vút bay
(Thị trường tài chính) - Giá vàng tăng cao như hiện nay được các chuyên gia chỉ ra do nhiều yếu tố. Trong đó, một phần nguyên nhân không nhỏ là bởi việc tổ chức các phiên đấu thầu vàng gần đây đã mang lại tác dụng ngược.
Thời gian gần đây, giá vàng liên tục lập đỉnh, lần đầu tiên vượt ngưỡng 90 triệu đồng chỉ trong chớp mắt. Ở phiên giao dịch hôm qua (10/5), giá vàng chốt phiên đã tăng nóng tới hơn 3 triệu đồng/lượng so với ngày trước đó, đưa giá vàng niêm yết ở mức 92,4 triệu đồng/lượng.
Đổ thêm "dầu vào lửa"?
Trao đổi với phóng viên Chuyên trang Thị trường Tài chính, Báo Kinh tế & Đô thị về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định, trước hết, phải thừa nhận rằng giá vàng đang biến động do yếu tố khách quan. Đó là xu hướng chung của thế giới trước các biến động về chính trị, về kinh tế, sức mua và tích trữ của các ngân hàng Trung ương. Nhất là của Trung Quốc, Ấn Độ và một số quốc gia khác.
Cùng với đó, xu hướng đồng USD và dầu đang tăng giá, cộng thêm những yếu tố bất định về kinh tế đã tạo ra tâm lý hoảng loạn nhất định khiến người dân tìm kiếm những “bến đỗ” an toàn về tài chính.
Cũng theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, yếu tố chủ quan trong câu chuyện giá vàng tăng hiện nay cũng được xác định là do chúng ta đang có sự can thiệp vào thị trường vàng, khiến cho vàng không mang tính thị trường.
“Nó thể hiện ở chỗ là giá vàng trong nước và nước ngoài chênh nhau rất cao. Trong lịch sử chưa bao giờ chênh lệch tới 20 triệu đồng như hiện nay. Đấy là chưa kể nó còn có sự chênh lệch giữa giá mua – bán, chênh lệch giá vàng SJC và các thương hiệu vàng khác, thậm chí ngay cả vàng miếng SJC và vàng nhẫn SJC cũng có sự lệch giá rất lớn”, chuyên gia phân tích.
Hơn thế nữa, chuyên gia chỉ ra rằng, thị trường vàng trong nước hiện nay đang mất cân đối cung cầu do NHNN một thời gian dài không tung vàng miếng ra thị trường một cách chính thức, trong khi đó người dân lại có nhu cầu tích trữ cao. Từ đó, tạo ra sự chênh lệch giá ngày càng cao.
Yếu tố quan trọng nhất được vị chuyên gia nhắc tới, chính là hoạt động đấu thầu vàng. Thay vì kéo giá vàng xuống, hoạt động này như “đổ thêm dầu vào lửa”, kéo vàng lên cao chưa từng có.
“Giá tối thiểu quá cao, điều này đã vô tình loại trừ rất nhiều đơn vị có nhu cầu mua vàng. Thêm nữa, các điều kiện giao vàng cũng không mang tính thị trường. Tức là phải chờ đấu giá xong, nếu NHNN mua được vàng thì mới chắc chắn được. Ngược lại, kết quả sẽ bị hủy bỏ. Chính điều đó khiến các doanh nghiệp không mấy mặn mà”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định.
Theo vị chuyên gia này, với mức giá tối thiểu như hiện nay, chắc chắn không thể kéo giá vàng trong nước và thế giới gần nhau được. Bởi lẽ, “NHNN đáng nhẽ phải đấu giá để kéo giá xuống thì lại lấy luôn mức giá thị trường hiện nay thành giá tối thiểu”. Như vậy giá vàng sẽ chỉ có nước tăng lên. Cộng với số lượng thành công ít, tạo ra sức ép tăng giá rất mạnh, thậm chí còn mạnh hơn thời điểm trước khi đấu thầu.
Mỗi ngày một kỷ lục
Giá vàng trong nước sáng nay (11/5) tiếp tục được điều chỉnh tăng mạnh, với mức tăng cao nhất hơn 3 triệu đồng/lượng so với cùng thời điểm sáng qua.
Theo đó, Tập đoàn DOJI tại khu vực Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM cùng điều chỉnh tăng giá vàng miếng lên 3,3 triệu đồng/lượng chiều mua và 3,1 triệu đồng/lượng chiều bán. Giá niêm yết hiện tại ở nhà vàng này là 90,1 - 91,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng điều chỉnh tăng 3,1 triệu đồng/lượng ở cả chiều mua và chiều bán, nâng giá vàng miếng lên mức 89,9 – 92,2 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết ở mức 90,1 - 92,4 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 2,9 triệu đồng/lượng ở cả 2 chiều mua – bán.
Vàng miếng tăng chóng mặt kéo theo cả sự biến động mạnh của vàng nhẫn. Theo đó, tại DOJI, nhà vàng này đã tăng tới 2 – 1,9 triệu đồng/lượng (mua – bán), niêm yết ở mức 75,95 – 77,45 triệu đồng/lượng.
Nhẫn tròn trơn tại Bảo tín Minh Châu niêm yết ở mức 75,43 – 76,93 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra). So với cùng thời điểm sáng qua, vàng nhẫn tại đây đã được điều chỉnh tăng tới 1,41 triệu đồng/lượng ở cả 2 chiều mua bán.
Với tình hình thị trường vàng biến động mạnh như giai đoạn hiện nay, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, NHNN cần xem lại việc đấu thầu theo hướng tăng cung nhưng giá phải thấp hơn giá thị trường đang mua bán. Bên cạnh đó, cần thiết phải tăng tự do hóa thị trường vàng, có thể là tự do hóa mua vào nguyên liệu để chế tác vàng trang sức hoặc có thể sản xuất các thương hiệu vàng khác để tăng sức cạnh tranh.
Giá vàng hôm nay 11/5: tiếp tục tăng “nóng”, SJC tăng đến hơn 3 triệu đồng/lượng 
Giá vàng miếng SJC vượt 92 triệu đồng, tiến tới mốc 100 triệu ngay trước mắt?