Địa phương đang lấy ý kiến để xây dựng đề án cảng này trở thành một cảng nước sâu lớn mang tầm cỡ quốc tế.
Hồi tháng 5/2023, Báo Chính phủ đưa thông tin: Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Hãng tin Tài chính S&P Global Market Intelligence công bố bảng xếp hạng về Chỉ số CPPI (Container Port Performance Index - chỉ số hoạt động cảng container) cho 348 cảng container toàn cầu.
Theo xếp hạng này, cảng Cái Mép – Thị Vải  đứng vị trí thứ 12, cao hơn một số cảng biển lớn của các quốc gia phát triển như Cảng Singapore (vị trí thứ 18), Cảng Yokohama - Nhật Bản (vị trí thứ 15), Cảng Busan - Hàn Quốc (thứ 22).
Cảng Cái Mép – Thị Vải đang được xây đề án trở thành cảng trung chuyển quốc tế
Dự án cảng quốc tế Cái Mép – Thị Vải là một trong những dự án phát triển cơ sở hạ tầng quan trọng nhất của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam. Khi dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần tăng thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài và là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Dự án phát triển Cảng quốc tế Cái Mép - Thị Vải được đầu tư tại huyện Tân Thành, với tổng mức đầu tư 12.891 tỷ đồng, bằng vốn vay của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng của Việt Nam. Dự án được khởi công năm 2008, gồm sáu gói thầu xây lắp và hai gói thầu dịch vụ tư vấn. Trong đó, quan trọng là gói thầu số 1 xây dựng cảng container  Cái Mép và gói thầu số 2 xây dựng cảng hàng tổng hợp Thị Vải, năng lực thông qua từ 1,6-2 triệu tấn/năm.
Ngày 15/5, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với Đề án “Tiếp tục phát triển, hiện đại hóa Cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép – Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn nhất cả nước và có tầm cỡ khu vực châu Á và thế giới”.
Ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần thúc đẩy các thủ tục đầu tư, khai thác trung tâm logistics Cái Mép Hạ một cách hiệu quả, đảm bảo cho Cái Mép-Thị Vải trở thành một trung tâm kết nối không chỉ trong phạm vi quốc gia Việt Nam mà còn của khu vực Đông Nam Á và quốc tế.
Bên cạnh đó, Đề án cần bổ sung nghiên cứu chi tiết về thị trường vận tải  toàn cầu, thị phần vận tải của từng hãng tàu trên thế giới và các cảng biển đã được các hãng tàu lựa chọn làm bản doanh trung chuyển, phân phối hàng hóa.
Bộ Chính trị cũng đề ra nhiệm vụ hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ.
Cảng Cái Mép - Thị Vải có vị trí cửa ngõ vùng Đông Nam Bộ. Cảng nằm ở cửa sông Thị Vải và sông Cái Mép, là cụm cảng biển nước sâu lớn nhất Việt Nam với tổng chiều dài hơn 14km. Cùng với việc xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An, đường Vành đai 4 TP. HCM, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải và khu thương mại tự do gắn với cảng biển sẽ là động lực phát triển của cả vùng Đông Nam Bộ trong thời gian tới.
Với việc đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng luồng vào cảng, đường kết nối cảng, dự án đã góp phần quan trọng trong việc thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, các hãng vận tải biển lớn của thế giới từ Mỹ, Đan Mạch, Singapore, Nhật Bản, Hongkong… tham gia đầu tư và hình thành một hệ thống cảng container hoàn chỉnh, hiện đại tầm cỡ khu vực và thế giới, tạo điều kiện mở rộng thông thương quốc tế, đưa hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam đi trực tiếp tới các cảng châu Âu, châu Mỹ.
Vào tháng 9/2023, theo thông báo từ Nhà Trắng, Công ty điều hành cảng SSA Marine (trụ sở tại Seattle, Mỹ) và Công ty Gemadept (trụ sở TP. HCM) sẽ công bố ý định hợp tác trong các dự án cảng chiến lược ở miền Nam Việt Nam, bao gồm mối quan tâm chung trong việc phát triển Trung tâm Logistics Cái Mép Hạ trị giá 6,7 tỷ USD.
Ngoài doanh nghiệp quốc tế, siêu cảng Cái Mép Hạ còn được nhiều doanh nghiệp tên tuổi trong nước quan tâm như Liên doanh Geleximco-ITC, Liên danh Besix-Boskalis-Hateco, IMG Innovations, CTCP Xuất nhập khẩu Quốc tế Tân Đại Dương, Tập đoàn Mặt Trời, Saigontel, TCT Tân Cảng Sài Gòn .