Tập đoàn đa ngành đến từ Ấn Độ bày tỏ sự quan tâm tới nhiều dự án hạ tầng đầy tiềm năng của tỉnh nằm ở Duyên hải Nam Trung Bộ.
Theo báo Phú Yên, ngày 7/5, UBND tỉnh Phú Yên đã có buổi chào xã giao với Tập đoàn Kanoria đến từ Ấn Độ về một số dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tại cuộc gặp, tập đoàn đa ngành của Ấn Độ bày tỏ sự quan tâm đến dự án cảng nước sâu Bãi Gốc tại Khu kinh tế Nam Phú Yên. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng có nhu cầu tìm hiểu về dự án nhà máy lọc dầu  và dự án đầu tư xây dựng sân bay quốc tế Tuy Hòa.
Theo Quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2021, cảng Bãi Gốc phục vụ và phát triển Khu công nghiệp Hòa Tâm thuộc Khu kinh tế Nam Phú Yên. Diện tích sử dụng đất và mặt nước của dự án là 220ha, trong đó diện tích mặt đất là 134ha, diện tích mặt nước là 86ha, cách mép bờ 20m, độ sâu mực nước cảng khoảng từ -20m ÷ -25m.
Cảng Bãi Gốc có chức năng phục vụ trực tiếp nhu cầu hình thành và phát triển khu công nghiệp Bãi Gốc, liên hiệp lọc dầu, luyện kim và ngành năng lượng, có bến tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí. Cảng đón được cỡ tàu tổng hợp trọng tải đến 250.000 tấn.
Tập đoàn Kanoria là một tập đoàn đa ngành của Ấn Độ, chuyên về lĩnh vực cơ sở hạ tầng cảng biển. Được biết trước đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát cũng đã ký biên bản ghi nhớ về việc nghiên cứu đầu tư 3 dự án tại Phú Yên, trong đó có dự án cảng Bãi Gốc với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 120.000 tỷ đồng (gần 5 tỷ USD).
Theo đó, 3 dự án đã được Tập đoàn Hòa Phát  ký kết biên bản ghi nhớ gồm: Dự án Cảng Bãi Gốc (khoảng 24.000 tỷ đồng); dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Tâm (13.300 tỷ đồng); dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát tại Khu công nghiệp Hòa Tâm (86.000 tỷ đồng).
Vào năm 2023, Tập đoàn Hòa Phát cũng đã có báo cáo đề xuất phương án bố trí mặt bằng quy hoạch cảng Bãi Gốc. Trong báo cáo có đề cập đến một số nội dung về quy mô cảng, công suất, đê chắn sóng, quy mô nhà máy thép. Bên cạnh đó là việc phân tích ưu, nhược điểm của từng phương án và đề xuất phương án khả thi… Việc bố trí mặt bằng khu vực cảng được phân chia riêng biệt cho các khu chức năng như cảng dầu, cảng phục vụ nhà máy thép, bến cảng tổng hợp, bến công vụ.
>> Diễn biến mới về dự án cao tốc là điểm đầu Hành lang kinh tế Đông - Tây được đầu tư gần 14.000 tỷ