Cận cảnh cầu vượt sông nối 2 tỉnh thành giàu top 3 miền Bắc 1 tháng nữa hoàn thành
Công trình không chỉ thay thế bến phà Lại Xuân, mà còn tạo cú hích quan trọng cho giao thông và kinh tế giữa hai địa phương.
Dự án cầu Lại Xuân , với tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, đang trong giai đoạn hoàn thiện. Cây cầu này sẽ kết nối huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) với TP. Đông Triều (Quảng Ninh), tạo điều kiện thuận lợi cho giao thông và phát triển kinh tế giữa hai địa phương.
Cầu Lại Xuân có chiều dài 840m được xây dựng bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực. Dự án bao gồm việc xây mới cầu vượt sông Đá Bạch và cải tạo, mở rộng đường tỉnh 352 với chiều dài 14km, mặt cắt ngang nền đường rộng 12m.
> > Sân bay lớn nhất Việt Nam sắp hoàn thành nhiều hạng mục lớn 

Cầu có điểm đầu tại vị trí giao cắt với Quốc lộ  10 (QL10) thuộc địa phận xã Thiên Hương (TP Thủy Nguyên), điểm cuối tuyến kết nối với đường tỉnh 333 trên địa bàn TP. Đông Triều. Dự án đầu tư xây dựng cầu Lại Xuân và cải tạo, mở rộng đường tỉnh 352 có tổng mức đầu tư gần 1.350 tỷ đồng.
Cầu Lại Xuân là công trình thứ tư kết nối Hải Phòng và Quảng Ninh, sau các cầu Đá Bạc, Bạch Đằng và Bến Rừng. Việc hoàn thành cầu Lại Xuân sẽ thay thế phà Lại Xuân hiện tại, nâng cao năng lực vận tải, kết nối giao thông liên vùng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế giữa các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tại thành phố Thủy Nguyên và thành phố Đông Triều.

Sau hơn hai năm thi công, các hạng mục chính của cầu Lại Xuân đã hoàn thành. Được biết, ngay từ thời điểm khởi công, chủ đầu tư và các nhà thầu đã đặt mục tiêu rút ngắn tiến độ, Hiện nay, các đơn vị thi công đang tập trung hoàn thiện các hạng mục còn lại và phấn đấu thông xe vào cuối tháng 5/2025.

Đồng thời, công trình sẽ là hành lang giao thông đường bộ  thứ 4 nối Quảng Ninh - Hải Phòng sau các công trình QL10, cầu Bạch Đằng và cầu Bến Rừng, trở thành động lực quan trọng kết nối đồng bộ hầu khắp các khu vực liền kề của hai địa phương, góp phần nâng cao năng lực phục vụ về giao thông, đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải giữa các KCN, CCN và chuỗi đô thị đang hình thành; phát huy dư địa đất đai, mở rộng không gian phát triển mới, tạo lực đẩy cho phát triển cộng sinh trong giao thương hàng hóa, trong cung ứng nguồn nhân lực của vùng.