Chuyển biến mới tại dự án đường sắt tốc độ cao hơn 100.000 tỷ do Vingroup (VIC) đề xuất đầu tư
Theo đề xuất của Vingroup, dự án có quy mô đường đôi, khổ 1.435mm, đi trên cao, hạ tầng thiết kế với tốc độ 250km/h, tải trọng trục 17 tấn/trục.
Theo Báo Tuổi Trẻ, Văn phòng UBND TP. HCM vừa phát đi thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND thành phố Bùi Xuân Cường liên quan đến các tuyến đường sắt đô thị , trong đó có tuyến kết nối huyện Cần Giờ với sân bay Long Thành.
Cụ thể, đối với tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, UBND TP. HCM giao Sở Giao thông công chánh nghiên cứu ý kiến của Bộ Xây dựng tại công văn ngày 18/3.
Đồng thời, Sở cần khẩn trương tham mưu, đề xuất phương án đầu tư tuyến Thủ Thiêm - Long Thành để UBND TP. HCM báo cáo Thủ tướng. Phương án cần đảm bảo tính khả thi, phù hợp quy hoạch và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật.

Đối với tuyến đường sắt đô thị tốc độ cao kết nối trung tâm thành phố với huyện Cần Giờ, UBND TP. HCM giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện đúng trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề xuất dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Đồng thời, Sở Tài chính tổ chức thẩm định hồ sơ đề xuất của nhà đầu tư và tham mưu UBND TP. HCM trước ngày 15/4.
Trước đó, Thủ tướng đã yêu cầu TP. HCM khẩn trương tổ chức nghiên cứu triển khai các dự án đường sắt đô thị kết nối Cần Giờ, TP. HCM đi sân bay Long Thành; kêu gọi các nhà đầu tư, nhà thầu có năng lực tham gia đầu tư, báo cáo Thủ tướng trong tháng 4/2025.
Được biết, vào ngày 17/3, Tập đoàn Vingroup - CTCP (mã: VIC ) đã có văn bản gửi UBND TP. HCM và Sở Giao thông công chánh TP. HCM đề xuất đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao kết nối trung tâm với Cần Giờ. Phương án hướng tuyến theo đề xuất đã được xác lập trong quy hoạch TP. HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đề xuất của Vingroup, dự án có quy mô đường đôi, khổ 1.435mm, đi trên cao, hạ tầng thiết kế với tốc độ 250km/h, tải trọng trục 17 tấn/trục. Hai depot dự kiến được bố trí tại quận 7 (khu đất 20ha) và xã Long Hòa, huyện Cần Giờ (khu đất 39ha).
Về năng lực vận hành, tàu có thể chuyên chở 30.000 - 40.000 người/hướng/giờ. Giai đoạn chuẩn bị và thực hiện dự án dự kiến từ năm 2025 - 2028. Theo tính toán sơ bộ, dự này có mức vốn khoảng 102.370 tỷ đồng (4,09 tỷ USD).
Cần Giờ là huyện nằm cách trung tâm TP. HCM khoảng 50km, là huyện duy nhất của TP giáp biển với chiều dài 23km, đây cũng là huyện có đến 70% là rừng ngập mặn và sông rạch trên tổng diện tích hơn 71.300ha.
>> Chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ về dự án điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam