Cảnh báo sầu riêng Việt xuất khẩu tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, tuân thủ ATTP
Không chỉ EU phát hiện tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, sầu riêng Việt Nam lại bị Trung Quốc cảnh báo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.
Năm 2024, xuất khẩu sầu riêng  của nước ta ước thu về 3,3 tỷ USD, tăng hơn 1 tỷ USD so với năm 2023. Song, loại trái cây tỷ USD này của Việt Nam liên tục nhận được những cảnh báo liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật.
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết, cơ quan này vừa nhận được cảnh báo đối với lô hàng trái cây tươi (sầu riêng và mít) xuất khẩu từ Việt Nam không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm (ATTP) của các nước nhập khẩu, đặc biệt là của Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
"Tình trạng này nếu không được kiểm soát tốt sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, có nguy cơ cao sẽ đánh mất thị phần", ông Nguyễn Quang Hiếu - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, nhấn mạnh.
Để tăng cường quản lý chất lượng các lô hàng trái cây tươi xuất khẩu và bảo đảm việc tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật và ATTP, tránh nguy cơ bị áp các biện pháp kiểm soát từ nước nhập khẩu, thậm chí là dừng ngành hàng, Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố, các Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng, các tổ chức và cá nhân liên quan tăng cường quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu.
Trong đó, tiếp tục bố trí nguồn lực để thực hiện kiểm tra, giám sát các vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu. Phải xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện chương trình giám sát về an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn chất lượng trái cây xuất khẩu tại các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số.
Cùng với đó, tuyên truyền, tập huấn để phổ biến rộng rãi quy định của nước nhập khẩu. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thông báo tạm dừng toàn bộ mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đối với các trường hợp không tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật và ATTP.
Cơ quan này cũng yêu cầu các vùng trồng, cơ sở đóng gói thực hiện việc kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng và thực hiện truy xuất nguồn gốc như một điều kiện bắt buộc trong việc cấp và duy trì mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
Ngoài ra, nhằm hạn chế các trường hợp giả mạo, gian lận trong sử dụng mã số xuất khẩu, Cục Bảo vệ thực vật đề nghị chủ mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong trường hợp không trực tiếp xuất khẩu mà cho phép các tổ chức, cá nhân khác xuất khẩu sản phẩm từ vùng trồng và đóng gói tại cơ sở đóng gói của mình phải chủ động gửi thông báo bằng văn bản về cơ quan chuyên môn cấp tỉnh.
Từ ngày 20/1, các Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng dựa trên các báo cáo tổng hợp của cơ quan chuyên môn cấp tỉnh làm cơ sở để thực hiện thủ tục kiểm dịch cho các lô hàng trái cây tươi không do chủ sở hữu mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trực tiếp xuất khẩu.
Cuối tháng 12/2024, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng phải phát đi thông báo khẩn cấp, bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ trước tình trạng một số đối tượng đã lợi dụng gian lận, sao chép trái phép mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói sầu riêng xuất khẩu.
Các đối tượng đã thông qua các hình thức hợp đồng ủy quyền sử dụng mã số với các con dấu, chữ ký giả, tự chế... để lừa đảo doanh nghiệp, qua mặt các cơ quan chức năng nhằm trục lợi, thông quan xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Hay mới đây, sầu riêng Việt Nam cũng bị EU tạm thời tăng tần suất kiểm tra tại biên giới từ 10% lên 20%. Nguyên nhân do không tuân thủ các quy định về mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Cơ quan chức năng của EU đã phát hiện nhiều hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật còn tồn dư cao trên sầu riêng như: Carbendazim, Fipronil, Azoxystrobin, Dimethomorph, Metalaxyl, Lambda-cyhalothrin, Acetamiprid.
Liên quan đến câu chuyện quản lý chất lượng an toàn thực phẩm của cơ quan chuyên môn ngành nông nghiệp, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan lưu ý, mỗi hành động của chúng ta không chỉ để đảm bảo rằng thực phẩm đến tay người tiêu dùng là an toàn, mà còn góp phần mang lại niềm tin cho người dân và thị trường quốc tế về chất lượng sản phẩm nông sản Việt Nam.
Với mỗi sản phẩm thực phẩm, từ rau quả tươi, thịt cá cho đến các sản phẩm chế biến sẵn, chúng ta không chỉ kiểm tra chất lượng mà còn dồn hết tâm huyết vào từng công đoạn.
“Bằng cái tâm, chúng ta mong muốn đưa mỗi nông sản Việt chất lượng, an toàn đến mọi gia đình trong nước và vươn ra thế giới. Không chỉ bảo vệ sức khỏe, mà còn làm cho nông sản Việt được biết đến, yêu mến và tin dùng trên toàn cầu", Bộ trưởng nói. Ông cho rằng, an toàn là nền tảng của sự phát triển bền vững. Và sự bền vững này không chỉ có lợi cho người tiêu dùng, mà còn cho chính những người sản xuất, chế biến và đưa sản phẩm ra thế giới.
Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, từ AI, IoT, đến Big Data, cơ quan chức năng ngành nông nghiệp có cơ hội để nâng cao hiệu quả kiểm soát chất lượng, giúp việc bảo vệ an toàn thực phẩm ngày càng được thực hiện một cách chính xác, nhanh chóng và hiệu quả hơn.
>> Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam 
Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam 
Trung Quốc có ‘siêu công thức’ sầu riêng, Việt Nam thần tốc đua với Thái Lan