Canon, hãng điện tử Nhật Bản nổi tiếng với máy in và máy ảnh, vừa giới thiệu công cụ quan trọng để sản xuất chất bán dẫn hiện đại nhất thế giới.
Hệ thống in thạch bản nano mới nhất của Canon cạnh tranh với ASML của Hà Lan, công ty đang thống trị thị trường máy in thạch bản cực tím (EUV). Các máy của ASML dùng để sản xuất chip tối tân, sử dụng trong iPhone mới nhất.
Công nghệ EUV của ASML ngày càng phổ biến đối với các hãng sản xuất chip hàng đầu thế giới vì vai trò của nó trong việc sản xuất chất bán dẫn từ 5nm trở xuống. Nm chỉ khoảng cách giữa các bóng bán dẫn trên chip, con số càng nhỏ, số lượng bóng bán dẫn càng nhiều, từ đó tăng sức mạnh của chip.
Canon cho biết máy in thạch bản nano FPA-1200NZ2C có thể sản xuất bán dẫn tương đương quy trình 5nm và thậm chí 2nm. Chip A17 Pro trong iPhone 15 Pro và Pro Max sản xuất trên quy trình 3nm.
TSMC và Samsung – hai công ty đúc chip lớn nhất toàn cầu – đang đặt mục tiêu sản xuất chip 2nm vào năm 2025.
Máy in thạch bản là chìa khóa để in thiết kế của con chip lên vật liệu đưa vào chất bán dẫn. Máy in của ASML sử dụng tia cực tím trong quá trình này, còn máy của Canon không cần nguồn sáng có bước sóng đặc biệt, từ đó giảm tiêu thụ điện năng.
Thế mạnh của Canon trong máy ảnh, thiết bị quang học và máy in tìm thấy công dụng mới trong ngành công nghiệp bán dẫn vào thời điểm thế giới đang cần đến nhiều con chip hơn để phục vụ những công nghệ như trí tuệ nhân tạo.
Dù bắt đầu phát triển từ năm 2004, công nghệ in thạch bản nano (NIL) vẫn chưa cất cánh trong thế giới của những con chip tinh vi, một phần vì máy in EUV hoạt động tốt hơn trong quá trình in chip.
Bán dẫn là trung tâm trong cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc do tính chất quan trọng của nó trong các lĩnh vực như AI, ứng dụng quân sự.
Thông qua các hạn chế xuất khẩu và nhiều lệnh trừng phạt khác, Mỹ tìm cách ngăn Trung Quốc tiếp cận chip và thiết bị sản xuất chip quan trọng, giữ chân nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong công nghệ mà họ vốn đã đi sau.
Chính phủ Hà Lan cấm ASML xuất khẩu máy in EUV sang Trung Quốc và chưa bán một máy nào cho nước này. Nguyên nhân vì chúng cần để sản xuất chip hiện đại nhất.
Tuy nhiên, hiện nay Canon tuyên bố máy in NIL của mình có thể giúp các hãng chip sản xuất bán dẫn tương đương 2nm. Do đó, rất có thể nó cũng lọt vào tầm ngắm giám sát.
Canon chưa trả lời câu hỏi của CNBC về khả năng bán máy cho Trung Quốc.
Trung Quốc đang vật lộn để tạo ra các doanh nghiệp máy in thạch bản, hỗ trợ ngành công nghiệp nội địa nâng cao năng lực sản xuất bán dẫn.
Huawei vừa ra mắt smartphone mới dùng chip 7nm, tiến bộ khó đạt được nếu không có máy in EUV của ASML. Điều này dấy lên câu hỏi về nguồn gốc của con chip và kéo theo các lệnh cấm vận tiềm tàng khác.
Theo Reuters, Mỹ đã cảnh báo Trung Quốc về kế hoạch cập nhật quy định liên quan đến bán chip AI và công cụ sản xuất bán dẫn.
(Theo CNBC)