Chứng khoán

Cao điểm 1.300: Cột mốc ‘chông gai’ của VN-Index

Nhật Hà 24/12/2024 08:06

Hành trình vượt mốc 1.300 điểm của VN-Index trong năm 2024 phản ánh rõ nét những biến động của thị trường chứng khoán Việt Nam, đồng thời hé lộ những yếu tố nội tại và ngoại cảnh định hình bức tranh đầu tư trong tương lai.

cover-pc.png
tit-1(1).png

Năm 2022 ghi dấu giai đoạn đầy biến động của thị trường chứng khoán Việt Nam khi VN-Index đạt đỉnh lịch sử 1.520 điểm vào tháng 4. Tuy nhiên, cú rơi 34,78% về mức 1.004 điểm đã khiến thành quả hai năm trước bị xóa sạch, gây tổn thất lớn cho nhà đầu tư.

Sang năm 2023, thị trường đối mặt với những phiên tăng giảm thất thường do tác động kép từ địa chính trị toàn cầu, tăng trưởng kinh tế chậm lại và nhu cầu tiêu dùng yếu. Dẫu vậy, VN-Index vẫn tăng 12,2%, đóng cửa tại mức 1.129, thuộc nhóm tăng trưởng hàng đầu khu vực châu Á. Dòng tiền nhập cuộc mạnh nửa cuối năm, giúp giá trị giao dịch bình quân đạt 17.600 tỷ đồng/phiên.

asset-2.png

Bước sang 2024, thị trường đón nhận nhiều kỳ vọng từ các chính sách vĩ mô hỗ trợ tăng trưởng. Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất, kích thích dòng vốn rẻ vào nền kinh tế, trong khi gói đầu tư công 700.000 tỷ đồng dự kiến được giải ngân mạnh. Thêm nữa, thị trường bất động sản cũng được kỳ vọng hưởng lợi từ các giải pháp tháo gỡ khó khăn pháp lý và tín dụng, tạo đà cho ngành xây dựng và vật liệu.

Ngoài ra, tín hiệu đảo chiều chính sách tiền tệ từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hứa hẹn thu hút dòng vốn ngoại quay trở lại. Với những yếu tố này, thị trường kỳ vọng VN-Index sẽ sớm bứt phá, chinh phục ngưỡng kháng cự tâm lý 1.300 điểm để tiến lên.

Tuy nhiên, diễn biến từ đầu năm 2024 đến nay cho thấy thị trường vẫn loay hoay ở vùng kháng cự 1.300 điểm. VN-Index đã ít nhất sáu lần thất bại trong nỗ lực vượt cản kể từ tháng 6/2022. Áp lực chốt lời xuất hiện liên tục khiến chỉ số nhiều thời điểm lùi sâu, dòng tiền suy yếu dần còn nhà đầu tư thì ngày càng mệt mỏi. Đặc biệt, tháng 6/2024, giá trị giao dịch trung bình giảm xuống dưới 12.000 tỷ đồng/phiên - mức thấp nhất kể từ đầu năm.

asset-10(1).png

VN-Index đã loay hoay tại vùng 1.000-1.300 điểm suốt 30 tháng, khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ, chán nản và rời bỏ thị trường. Dù quy mô vốn hóa sàn chứng khoán Việt đạt hàng trăm tỷ USD, nhưng kể từ lần đầu vượt mốc 1.200 điểm hơn một thập kỷ trước, thị trường vẫn chưa thể bứt phá mạnh mẽ. Trong khi đó, các kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng hay bitcoin đã ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội. Bitcoin, chỉ ít ngày trước, đã lập kỷ lục 100.000 USD, càng khiến sự ì ạch của chứng khoán thêm phần tương phản.

Các yếu tố được kỳ vọng cuối năm 2023 như việc Fed đảo chiều chính sách, thị trường bất động sản ấm dần hay tăng trưởng doanh nghiệp, vẫn chưa đem lại kết quả rõ ràng. Ngược lại, tỷ giá USD tiếp tục căng thẳng, gây áp lực rút vốn ngoại khỏi các thị trường cận biên (trong đó có Việt Nam). Trên HoSE, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 12.000 tỷ đồng trong tháng 11, nâng tổng quy mô bán ròng từ đầu năm 2024 lên hơn 90.000 tỷ đồng, mức cao kỷ lục.

Ông Nguyễn Đức Nhân, Giám đốc Trung tâm kinh doanh Mirae Asset Hoàn Kiếm, dự báo nếu xu hướng này tiếp diễn, con số có thể chạm 110.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 4 tỷ USD.

Dòng tiền ngoại thoái vốn không chỉ gây áp lực bán lên thị trường mà còn làm lung lay tâm lý nhà đầu tư trong nước. Lực cầu bắt đáy yếu khiến thị trường rơi vào trạng thái "hồi phục ít, điều chỉnh sâu", tiếp tục bào mòn tài khoản nhiều chứng sĩ.

Hiện tại, VN-Index đang dao động ở vùng 1.250-1.280 điểm, rất gần với ngưỡng kháng cự tâm lý 1.300 điểm. Dù vậy, áp lực chốt lời và dòng tiền yếu đặt ra câu hỏi lớn: Liệu thị trường có thể cán đích ở ngưỡng 1.300 điểm vào cuối năm 2024, hay một lần nữa lỡ hẹn trước ngưỡng cản quan trọng này?

asset-4.png
tit-2(1).png

Nhìn lại năm 2024, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua những biến động mạnh mẽ dưới vòng quay đầy thách thức của nền kinh tế toàn cầu. Ngân hàng Nhà nước trong nỗ lực của mình đã triển khai loạt biện pháp giảm lãi suất điều hành, duy trì ở mức 4,5% nhằm kích thích tăng trưởng và khơi thông dòng tiền. Dẫu vậy, bất chấp chính sách tiền tệ nới lỏng và mức lãi suất thấp hơn đáng kể so với giai đoạn 2022-2023, dòng tiền vẫn chưa thể đạt trạng thái lan tỏa, để lại những trăn trở về sức bật của chứng trường năm vừa qua.

asset-11(1).png
asset-5.png

Báo cáo từ Chứng khoán DSC chỉ ra rằng, một phần nguyên nhân đến từ lo ngại về môi trường kinh tế, bao gồm áp lực tỷ giá, lạm phát và tốc độ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kỳ vọng. Các dự án hạ tầng trọng điểm như cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành được triển khai mạnh trong năm 2024 nhưng dòng tiền vào các ngành liên quan như xây dựng và vật liệu vẫn còn hạn chế. Tính đến tháng 11, tổng vốn đầu tư công thực hiện lũy kế mới đạt 73,5% kế hoạch, cách xa mục tiêu tối thiểu 95% mà Chính phủ đặt ra.

Yếu tố khác đến từ những áp lực lớn liên quan đến hoạt động đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt ở nhóm bất động sản. Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tổng giá trị trái phiếu đáo hạn năm 2024 là 329.500 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2023. Riêng hai tháng cuối năm, khối lượng đáo hạn lên tới hơn 65.685 tỷ đồng, trong đó trái phiếu bất động sản chiếm 40%, tương đương 26.255 tỷ. Áp lực này khiến nhiều cổ phiếu bất động sản Top đầu chịu áp lực bán về đáy 1-2 năm, qua đó ảnh hưởng mạnh đến tâm lý nhà đầu tư toàn thị trường.

Ngoài ra, dòng vốn ngoại cũng là một trong những yếu tố hạn chế sự bứt phá của VN-Index. Từ đầu năm 2024, tỷ giá USD/VND biến động mạnh, tăng hơn 4% vào cuối tháng 6 và lập đỉnh cao nhất trong nhiều tháng. Dù sức ép tỷ giá tạm hạ nhiệt vào giữa năm song mức ổn định này không duy trì quá lâu. Đến tháng 11, tỷ giá tiếp tục căng thẳng trước lo ngại về chính sách khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng. VND mất giá làm giảm hiệu suất của các quỹ ngoại, hạn chế khả năng hút vốn từ nước ngoài. Thậm chí, theo đánh giá của các tổ chức tài chính, xu hướng này có thể tiếp diễn trong thời gian tới.

4183639-02-01.jpg

Không chỉ chịu tác động từ tỷ giá, sự suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng là yếu tố lớn ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng toàn cầu năm 2024 và 2025 dự kiến chỉ đạt 3,2%, thấp hơn mức trung bình 3,8% trước đại dịch Covid-19. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ kéo dài nhằm kiềm chế lạm phát, khiến khả năng vay vốn và đầu tư của doanh nghiệp giảm sút, làm chậm quá trình phục hồi kinh tế. Mặc dù ECB đã giảm lãi suất trong năm 2024, các chính sách hiện tại vẫn ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu tiêu dùng và đầu tư tại châu Âu.

Trong khi đó, xung đột Nga - Ukraine tiếp tục tạo áp lực lớn lên thị trường năng lượng tại “lục địa già”. Dù đã giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga, giá năng lượng vẫn tăng cao làm suy giảm sức mua của người tiêu dùng và tăng chi phí sản xuất cho doanh nghiệp. Tình trạng bất ổn năng lượng này không chỉ ảnh hưởng đến châu Âu mà còn tác động tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

asset-12(1).png

Trong bối cảnh các yếu tố bất định từ trong nước và quốc tế, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa thể tạo đột phá bất chấp sự xuất hiện của những “ròng rọc” chính sách.

tit-3(1).png

Thực tế, nhà đầu tư từng kỳ vọng lớn vào khả năng VN-Index vượt mốc 1.300 điểm, thậm chí tiến xa hơn đến các ngưỡng 1.400-1.500 điểm. Tuy nhiên, tâm lý lạc quan này đã nhiều lần bị dội "gáo nước lạnh", đặc biệt trong các giai đoạn tháng 4, tháng 8 và cuối tháng 10.

Giới phân tích đồng quan điểm rằng, trong năm 2024, mỗi nhóm ngành đều có những câu chuyện riêng, những kỳ vọng khác biệt. Dù vậy, với những gì đã trải qua, rất nhiều kỳ vọng mới chỉ đi được nửa chặng đường.

Nhóm cổ phiếu tài chính, bao gồm ngân hàng và chứng khoán, đang ghi nhận đà phục hồi ngắn hạn sau đợt điều chỉnh gần đây. Tuy nhiên, triển vọng trung hạn của nhóm này dự kiến phân hóa rõ nét vào năm 2025 khi Thông tư 02 về giãn, hoãn nợ xấu hết hiệu lực từ cuối tháng 12/2024. Đây sẽ là thách thức lớn đối với các tổ chức tín dụng, đặc biệt là những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao và năng lực trích lập dự phòng hạn chế, khiến áp lực lên cổ phiếu ngành tài chính gia tăng đáng kể.

Năm qua, Thông tư 02 đã giúp các ngân hàng giảm áp lực trích lập dự phòng, giữ được lợi nhuận trong quỹ đạo tăng trưởng. Tuy nhiên, năm 2025 dự báo là thời điểm khó khăn khi tỷ lệ nợ xấu có thể tăng cao sau khi thông tư này hết hiệu lực. Những ngân hàng có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tăng cường trích lập dự phòng từ quý IV/2024, sẽ giữ được sự ổn định đi kèm cơ hội bứt phá. Ngược lại, các ngân hàng thương mại nhỏ, với năng lực dự phòng hạn chế, sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn hơn trong việc duy trì sức cạnh tranh.

Đối với nhóm chứng khoán, ngành này chịu áp lực lớn trong năm 2024 do thanh khoản thị trường thấp, làm giảm doanh thu từ nghiệp vụ môi giới và cho vay margin. Dòng vốn ngoại rút mạnh cũng là trở ngại lớn. Kỳ vọng trong năm 2025 nằm ở khả năng nâng hạng thị trường của Việt Nam vào tháng 9/2025. Tuy nhiên, các công ty chứng khoán vẫn cần cải thiện cấu trúc doanh thu, hiện đang phụ thuộc quá lớn vào mảng cho vay margin, dẫn đến rủi ro khi thị trường biến động mạnh.

asset-13(1).png

Theo giới phân tích, nhóm bất động sản được đánh giá đã tạo đáy và đang bước vào giai đoạn phục hồi tích cực hơn. Sau khi ba bộ luật quan trọng có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, các doanh nghiệp địa ốc đã có thêm cơ sở pháp lý để tháo gỡ vướng mắc và triển khai lại các dự án bị đình trệ. Dù vậy, sự phục hồi này không đồng nghĩa với tăng trưởng mạnh trên diện rộng. Những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính vững mạnh và dự án chất lượng sẽ tận dụng được cơ hội. Ngược lại, các doanh nghiệp yếu kém có thể tiếp tục gặp khó khăn. Đây là thời điểm để nhà đầu tư "đãi cát tìm vàng", lựa chọn cổ phiếu bất động sản một cách kỹ lưỡng.

Sự phục hồi của bất động sản cũng kéo theo triển vọng cho ngành thép. Các dự án xây dựng trong nước được thúc đẩy sẽ tạo đà cho sản lượng tiêu thụ thép nội địa. Tuy nhiên, xuất khẩu thép dự kiến đối mặt cạnh tranh gay gắt, đặc biệt từ Trung Quốc và chịu ảnh hưởng bởi chính sách thương mại toàn cầu.

Đáng nói, bức tranh phân hóa sẽ tiếp diễn ở nhóm dầu khí trong năm tới, tương tự những gì đã diễn ra trong quý III và 9 tháng năm 2024. Theo đó, các doanh nghiệp thượng nguồn được kỳ vọng tăng trưởng nhờ các hợp đồng dài hạn, ít chịu tác động bởi giá dầu thế giới, trong khi nhóm trung nguồn có thể duy trì ổn định nhờ nhu cầu vận chuyển dầu khí. Tuy nhiên, các doanh nghiệp hạ nguồn sẽ gặp khó khăn do giá dầu thấp làm giảm biên lợi nhuận.

Dự án Lô B - Ô Môn là điểm nhấn quan trọng của nhóm thượng nguồn, dù có thể bị trì hoãn đôi chút. Cổ phiếu thượng nguồn có triển vọng tích cực trong bối cảnh nhu cầu năng lượng dài hạn vẫn ở mức cao.

Lạc quan hơn, nhóm công nghệ đang hưởng lợi lớn từ xu hướng toàn cầu hóa công nghệ và chuyển đổi số. Các doanh nghiệp ngành này được dự báo tiếp tục thu hút sự chú ý của nhà đầu tư trong năm 2025. Tương tự, nhóm bất động sản khu công nghiệp vẫn duy trì động lực tăng trưởng nhờ làn sóng dịch chuyển FDI. Sự ổn định trong hoạt động kinh doanh cùng với tiềm năng từ các dự án hạ tầng lớn sẽ hỗ trợ nhóm này trong dài hạn.

asset-8.png

Ông Hồ Sỹ Hòa, Giám đốc Nghiên cứu DNSE, nhận định: “Hiện P/E của Việt Nam ở mức 12 lần, hấp dẫn hơn so với S&P500 ở mức 23 lần. Nếu vấn đề trái phiếu bất động sản được tháo gỡ, tăng trưởng doanh nghiệp năm 2025 có thể đạt 15-17%”. Tuy nhiên, ông Hòa lưu ý: “Thị trường cần thêm biện pháp cải thiện nội tại để tăng sức hút với dòng vốn ngoại”.

Dù VN-Index kết thúc năm 2024 ở mức nào, hành trình vượt ngưỡng 1.300 điểm rõ ràng là thử thách không nhỏ. Tuy nhiên, kỳ vọng về cải cách nội tại và dòng vốn ngoại mạnh mẽ có thể mang lại động lực lớn trong năm 2025. Để đạt được sự bứt phá, thị trường cần nền tảng ổn định từ chính sách vĩ mô và sự cải thiện thực chất ở các nhóm ngành chủ lực. Trong bối cảnh đó, nhà đầu tư cần giữ vững sự thận trọng, đồng thời lựa chọn chiến lược phù hợp, bởi chỉ những người chuẩn bị kỹ lưỡng mới tận dụng được "sóng lớn" khi thời cơ đến.

asset-7.png
asset-14(1).png

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/cao-diem-1300-cot-moc-chong-gai-cua-vn-index-267606.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Cao điểm 1.300: Cột mốc ‘chông gai’ của VN-Index
    POWERED BY ONECMS & INTECH