Cao tốc đi qua cánh đồng điện gió như trời Âu sau 1 năm vận hành: Phục vụ hơn 8.000 lượt xe mỗi ngày, 1 ống hầm chờ ngày khởi công
Tuyến cao tốc với tổng vốn đầu tư gần 9.000 tỷ đồng sau 1 năm đưa vào hoạt động đã phát huy vai trò quan trọng trong việc kết nối giao thông và góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.
Đưa vào khai thác từ tháng 4/2024, tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo do liên danh Tập đoàn Đèo Cả và Công ty 194 đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) với tổng vốn 8.925 tỷ đồng, đang dần phát huy vai trò là tuyến giao thông huyết mạch trên trục Bắc - Nam.
Tuyến đường dài gần 80km này hoàn thiện mắt xích cuối cùng của hành lang cao tốc dài gần 400km nối TP. HCM đến Nha Trang, rút ngắn thời gian di chuyển từ 9-10 giờ (qua Quốc lộ 1 ) xuống chỉ còn khoảng 5 giờ, thúc đẩy giao thương và du lịch toàn vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc Việt Nam với tốc độ tối đa 90km/h. Toàn tuyến có 34 cây cầu, bao gồm 22 cầu trên đường cao tốc, 11 cầu vượt và một cầu kết nối với Quốc lộ 1 tại nút giao Du Long (Ninh Thuận). Tuyến đi qua địa hình phức tạp như đồi núi, vùng bán hoang mạc và cả các cánh đồng điện gió tại huyện Thuận Bắc là điểm nhấn đặc trưng về cảnh quan và năng lượng tái tạo của Ninh Thuận.
Một trong những hạng mục trọng điểm của dự án là hầm Núi Vung dài 2,25km, gồm hai ống hầm riêng biệt, mỗi ống rộng 14m với 3 làn xe. Tuy nhiên, ở giai đoạn 1, chỉ ống hầm bên phải (hướng Bắc – Nam) được hoàn thiện và đưa vào sử dụng từ tháng 8/2023, với hai làn xe ngược chiều ngăn cách bằng cột phân cách, tốc độ giới hạn 60km/h. Nhánh còn lại hiện mới chỉ phục vụ mục đích thoát hiểm và cứu hộ, chưa khai thác giao thông.

Việc chỉ vận hành một ống hầm trong khi lưu lượng xe tăng cao khiến hầm Núi Vung trở thành điểm nghẽn trên tuyến, đặc biệt vào dịp lễ, Tết và cuối tuần, tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra. Nhằm khắc phục tình trạng này, Ban Quản lý dự án 85 đã trình Bộ Xây dựng kế hoạch đầu tư gần 1.200 tỷ đồng để hoàn thiện ống hầm còn lại. Gói đầu tư bao gồm làm mặt đường bê tông, lắp đặt thông gió, chiếu sáng và hệ thống an toàn giao thông, dự kiến triển khai từ năm 2025 và hoàn thành vào năm 2027.
>> Cao tốc gần 9.000 tỷ do liên danh Tập đoàn Đèo Cả thực hiện bị cắt trộm cáp ngầm
Để nâng cao hiệu quả khai thác và đảm bảo an toàn giao thông, nhà đầu tư đã tích hợp hệ thống quản lý giao thông thông minh (ITS) đồng bộ trên toàn tuyến ngay khi đưa vào vận hành. Hệ thống camera giám sát gồm cả loại CCTV truyền thống và camera VDS tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), hỗ trợ phát hiện phương tiện vi phạm, theo dõi tình hình lưu thông, cảnh báo sự cố với công nghệ hồng ngoại và radar tiên tiến.

Ngoài ra, tuyến cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo cũng đã đưa vào vận hành trạm dừng nghỉ tạm thời với đầy đủ tiện ích: bãi đỗ xe rộng hàng nghìn mét vuông, khu vệ sinh, phòng chờ điều hòa… Toàn bộ khu vực được vận hành bằng năng lượng mặt trời, góp phần bảo vệ môi trường và phù hợp với định hướng phát triển hạ tầng xanh.
Sau một năm đưa vào vận hành, cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo đã cho thấy vai trò chiến lược trong việc hoàn thiện mạng lưới cao tốc trục dọc quốc gia. Tuy nhiên, để tuyến đường thực sự phát huy tối đa hiệu quả và khắc phục triệt để điểm nghẽn tại hầm Núi Vung, việc sớm hoàn thiện ống hầm thứ hai đang là yêu cầu cấp thiết trong thời gian tới.