Bất động sản

Tỉnh sắp sáp nhập với thành phố trực thuộc Trung ương nhỏ nhất Việt Nam kêu gọi đầu tư loạt dự án lớn

Nguyễn Thảo 21/04/2025 20:00

Trong bối cảnh cả nước đang tiến hành tái cấu trúc mạnh mẽ hệ thống hành chính, Quảng Nam – địa phương sắp “về chung một nhà” với thành phố Đà Nẵng – đang tăng tốc kêu gọi đầu tư hàng loạt dự án trọng điểm, đặt nền móng cho sự chuyển mình ngoạn mục trong tương lai gần.

Tại Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất cao chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh, với mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý và tinh gọn bộ máy. Theo đó, bản đồ hành chính Việt Nam trong thời gian tới sẽ chỉ còn lại 34 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương — gồm 28 tỉnh và 6 thành phố. Trong đó, Quảng Nam và Đà Nẵng sẽ hợp nhất, mang tên mới là thành phố Đà Nẵng.

Hiện tại thành phố Đà Nẵng có diện tích gần 1.285km2, nhỏ nhất trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương. Theo phương án sáp nhập, phần lớn diện tích tăng thêm của Đà Nẵng là gần 10.575km2 của tỉnh Quảng Nam.
Sau sáp nhập, thành phố mới dự kiến có diện tích tự nhiên hơn 11.859km2, quy mô dân số thành phố Đà Nẵng sau sáp nhập hơn 2,77 triệu người. Trung tâm hành chính đặt tại quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng hiện nay.
Với diện tích mới này, dự kiến sau sáp nhập, Đà Nẵng sẽ có diện tích lớn nhất trong số 6 thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong bối cảnh sắp sáp nhập, Quảng Nam đã có những bước đi chủ động để đón đầu làn sóng đầu tư và chuẩn bị hạ tầng kinh tế - xã hội vững chắc. Theo Báo Thanh Niên, vào ngày 20/4 vừa qua, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh – ông Phan Thái Bình – đã ký quyết định ban hành danh mục dự án thu hút đầu tư năm 2025.

Theo danh mục được công bố, Quảng Nam kêu gọi tổng cộng 277 dự án đầu tư trên nhiều lĩnh vực, bao gồm y tế, giáo dục, công nghiệp, giao thông, du lịch và hạ tầng công nghiệp. Điểm nhấn nổi bật nhất trong số này chính là hai dự án đường sắt đô thị lần đầu tiên xuất hiện tại địa phương: tuyến Hội An – Đà Nẵng và tuyến Chu Lai – Đà Nẵng. Đây là hai tuyến giao thông chiến lược không chỉ góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, mà còn là “mạch nối” quan trọng giúp tăng cường liên kết vùng giữa các trung tâm kinh tế, văn hóa và du lịch của khu vực.

Việc phát triển hai tuyến đường sắt đô thị này thể hiện tầm nhìn xa và khả năng đón đầu xu thế phát triển đô thị thông minh, bền vững. Định hướng này cũng phù hợp với quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu lớn hơn của hai tuyến giao thông này là từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông 5 loại hình gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường biển và đường hàng không, đảm bảo tính liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong tỉnh, đồng thời mở rộng kết nối với toàn quốc và quốc tế theo hướng hiện đại, thông suốt và đồng bộ.

> > Sau sáp nhập, một địa phương của Việt Nam sẽ sở hữu quy mô công nghiệp đứng đầu cả nước

Không chỉ tập trung vào lĩnh vực giao thông, danh mục dự án năm 2025 còn cho thấy tham vọng rất lớn của Quảng Nam trong việc phát triển toàn diện hạ tầng kinh tế. Hàng loạt dự án lớn có quy mô “khủng” đã được đưa vào kế hoạch thu hút đầu tư, trong đó có thể kể đến như dự án đầu tư và khai thác Cảng hàng không Chu Lai, một trong những cửa ngõ chiến lược mở ra thị trường quốc tế. Mục tiêu của dự án này là đầu tư xây dựng đồng bộ 1 đường cất, hạ cánh mới phía Đông kích thước 3,048m x 45m, hệ thống đường lăn (đường lăn song song, đường lăn nối), sân đỗ tàu bay (32 - 40 vị trí đỗ), nhà ga hành khách đáp ứng 10 triệu hành khách/năm, nhà ga hàng hóa đáp ứng 1,5 triệu hành khách/năm.

Tỉnh sắp sáp nhập với thành phố trực thuộc Trung ương nhỏ nhất Việt Nam kêu gọi đầu tư loạt dự án lớn- Ảnh 1.
Sân bay Chu Lai - Quảng Nam. Ảnh: Internet

Bên cạnh đó là dự án xây dựng tuyến luồng Cửa Lở cho tàu 50.000 tấn, gắn liền với Khu phi thuế quan Tam Hòa, hứa hẹn sẽ biến nơi đây thành trung tâm logistics, thương mại sầm uất. Ngoài ra, tỉnh còn kêu gọi đầu tư vào hai cụm cảng đường thủy nội địa tại Hội An và Núi Thành – những điểm kết nối then chốt trên bản đồ giao thương miền Trung.

Tỉnh sắp sáp nhập với thành phố trực thuộc Trung ương nhỏ nhất Việt Nam kêu gọi đầu tư loạt dự án lớn- Ảnh 2.
Quảng Nam kêu gọi đầu tư vào hai cụm cảng đường thủy nội địa tại Hội An và Núi Thành.
Ảnh minh họa

Bên cạnh các dự án giao thông và công nghiệp chiến lược, tỉnh Quảng Nam cũng đang tích cực kêu gọi đầu tư vào các khu công nghiệp quy mô lớn nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất và thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong đó, nổi bật là dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Nam Thăng Bình, bao gồm hai phân khu I và II, được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại ở phía nam tỉnh. Cùng với đó là dự án Khu công nghiệp Tam Anh 3 – một mảnh ghép quan trọng trong chuỗi công nghiệp của khu vực Chu Lai, nơi đang từng bước chuyển mình trở thành “cực tăng trưởng” mới của miền Trung.

Không dừng lại ở công nghiệp, Quảng Nam còn dành sự quan tâm lớn đến phát triển đô thị – yếu tố nền tảng để xây dựng một địa phương hiện đại, văn minh và đáng sống. Nhiều khu đô thị với quy mô rộng lớn, thiết kế đa chức năng đã được đưa vào danh mục kêu gọi đầu tư. Tại thành phố Tam Kỳ, hai khu đô thị hỗn hợp nằm dọc trục Nguyễn Tất Thành – một phía Nam với diện tích hơn 296ha, một phía Bắc khoảng 244ha – được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm hành chính, thương mại và dịch vụ mới của đô thị tỉnh lỵ.

Ngoài ra, Quảng Nam còn mời gọi đầu tư vào một loạt các dự án khu đô thị tiềm năng khác như Khu đô thị Chu Lai tại xã Tam Hiệp (huyện Núi Thành) với diện tích hơn 195ha – nơi được định hướng trở thành khu dân cư cao cấp kết hợp không gian nghỉ dưỡng, sinh thái; hay Khu đô thị hỗn hợp ven sông Đào ở thị trấn Nam Phước (huyện Duy Xuyên) với quy mô 120ha, mở ra không gian sống gắn liền với thiên nhiên và văn hóa sông nước đặc trưng xứ Quảng. Một dự án khác cũng thu hút sự chú ý là Làng sinh thái Hòa Lang tại xã Tam Ngọc (TP.Tam Kỳ), được quy hoạch như một quần thể nghỉ dưỡng xanh hài hòa giữa núi rừng và con người. Bên cạnh đó, khu dân cư đô thị ven sông Giáp Ba, tọa lạc tại phường Điện An (thị xã Điện Bàn), hứa hẹn sẽ tạo nên một điểm đến an cư hiện đại, tiện nghi nhưng vẫn giữ gìn bản sắc địa phương.

Tất cả các dự án đô thị này không chỉ mở ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư trong việc khai thác tiềm năng bất động sản, mà còn góp phần định hình diện mạo đô thị mới cho Quảng Nam trong hành trình chuyển mình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Tỉnh sắp sáp nhập với thành phố trực thuộc Trung ương nhỏ nhất Việt Nam kêu gọi đầu tư loạt dự án lớn- Ảnh 3.
Một góc tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Internet

UBND tỉnh Quảng Nam đã giao Sở Tài chính làm cơ quan đầu mối, chủ trì và phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh, cùng các sở, ban, ngành, địa phương liên quan, triển khai các hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư một cách chuyên nghiệp, hiệu quả. Điều này thể hiện rõ quyết tâm của chính quyền tỉnh trong việc tạo điều kiện tốt nhất để nhà đầu tư yên tâm “rót vốn” vào Quảng Nam, khi tỉnh này đang đứng trước cơ hội “thay da đổi thịt” mạnh mẽ chưa từng có.

Trong bối cảnh sáp nhập đang đến gần, việc chủ động chuẩn bị hạ tầng, thu hút đầu tư, định vị lại vai trò của địa phương trong mạng lưới kinh tế quốc gia và quốc tế là bước đi chiến lược mang tầm nhìn lâu dài. Quảng Nam không chỉ đơn thuần đang mời gọi các dự án, mà đang thực sự kiến tạo tương lai – nơi một tỉnh thành đang dần trở thành trung tâm phát triển mới của cả nước.

> > Không phải Thanh Hóa, đây sẽ là tỉnh đông dân nhất Việt Nam sau sáp nhập

Không phải Thanh Hóa, đây sẽ là tỉnh đông dân nhất Việt Nam sau sáp nhập

Tỉnh giàu nhất Việt Nam sắp có khu nghỉ dưỡng sinh thái gần 18.000 tỷ, nằm tại ngọn núi cao thứ hai Đông Nam Bộ

Theo reatimes.vn
https://reatimes.vn/tinh-sap-sap-nhap-voi-thanh-pho-truc-thuoc-trung-uong-nho-nhat-viet-nam-keu-goi-dau-tu-loat-du-an-lon-202250421172002011.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Nổi bật Tỷ giá mới
    Tỉnh sắp sáp nhập với thành phố trực thuộc Trung ương nhỏ nhất Việt Nam kêu gọi đầu tư loạt dự án lớn
    POWERED BY ONECMS & INTECH